Huỷ bỏ thoả thuận thử việc có cần báo trước?


Chủ nhật, 22/11/2015 | 13:30


(ĐSPL) - Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu.

(ĐSPL) - Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu.

Để đảm bảo chất lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng chế độ thử việc trước khi lao động làm việc chính thức tại công ty. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đã làm sai các quy định của pháp luật về thời gian thử việc, dẫn đến việc xảy ra tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động .

Theo quy định của Bộ Luật lao động 2012 cụ thể:

Thử việc

Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.  Nội dung của hợp đồng thử việc gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ Luật lao động 2012.

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

Huỷ bỏ thoả thuận thử việc có cần báo trước? - Ảnh minh họa

Thời gian thử việc

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Tiền lương trong thời gian thử việc

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85\% mức lương của công việc đó.

Quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc

Điều 29 của Bộ luật Lao động quy định, khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên thoả thuận.

Như vậy, trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thoả thuận về việc làm thử thì hai bên giao kết hợp đồng thử việc. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo kết quả về việc làm thử theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ và hai bên phải giao kết hợp đồng lao động khi việc làm thử đạt yêu cầu.

Trong trường hợp, khi hết thời gian thử việc mà Người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng lao động cho người lao động, người lao động không được thông báo kết quả thử việc mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chính thức

Tuy nhiên pháp luật không có quy định cụ thể trường hợp đương nhiên được làm việc chính thức sẽ tương ứng với loại hợp đồng lao động có xác định thời hạn bao lâu, do đó cần thiết phải căn cứ vào thỏa thuận tại hợp đồng thử việc để biết trường hợp sau khi thử việc đạt yêu cầu thì hai bên sẽ ký hợp đồng lao động loại gì, dùng làm cơ sở xác định trách nhiệm thực hiện hợp đồng lao động đã được xác lập đương nhiên sau thời gian thử việc.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

[mecloud]XCwT8ErjJt[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huy-bo-thoa-thuan-thu-viec-co-can-bao-truoc-a120855.html