Mới: 8 vạch kẻ đường tài xế cần "khắc cốt ghi tâm" để tránh bị phạt vì bất cẩn


Thứ 4, 24/06/2020 | 23:48


Người điều khiển phương tiện nếu không hiểu đúng ý nghĩa của từng vạch kẻ đường sẽ rất dễ bị phạt về lỗi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của biển báo hiệu.

Hiện nay, vạch kẻ đường thường có màu trắng hoặc màu vàng dùng để phân làn, chia làn và báo hiệu. Do đó, người điều khiển phương tiện nếu không hiểu đúng ý nghĩa của từng vạch kẻ đường sẽ rất dễ bị phạt về lỗi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.

Tình huống pháp luật - Mới: 8 vạch kẻ đường tài xế cần 'khắc cốt ghi tâm' để tránh bị phạt vì bất cẩn

Người điều khiển phương tiện giao thông cần hiểu đúng ý nghĩa của từng vạch kẻ đường để tránh bị phạt. Ảnh minh họa 

Theo Quy chuẩn 41:2019 về báo hiệu đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/7, vạch kẻ đường thường gặp là loại vạch dùng để quy định các phần đường khác nhau, thường có màu trắng hoặc màu vàng.

Vạch kẻ đường có thể sử dụng riêng hoặc phối hợp với các biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu giao thông theo thứ tự: hiệu lệnh người điều khiển giao thông – hiệu lệnh đèn tín hiệu – hiệu lệnh biển báo – hiệu lệnh vạch kẻ đường và các dấu hiệu hướng dẫn trên mặt đường.

Trả lời Giao Thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, đa số các đoạn đường đều có vạch kẻ đường để chia làn, phân làn, báo hiệu. Tuy nhiên, nhiều người không nắm được quy định liên quan nên thường mắc phải lỗi đè vạch.

"Hiện nay, công nghệ phát triển mạnh, camera giám sát được trang bị khá phổ biến có thể dùng phạt nguội tài xế vì không để ý mắc phải lỗi này", ông Lăng nói.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019, nếu xe đè vạch liền là phạm lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, mức phạt tiền là 200.000 - 400.000 đồng đối với ôtô và 100.000 - 200.000 đồng đối với môtô, xe gắn máy.

Dưới đây là 8 loại vạch kẻ đường, lái xe cần lưu ý khi tham gia giao thông:

Vạch đơn màu trắng nét đứt

Là vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, đứt nét. Dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép chuyển làn đường. Đoạn đường nào có khoảng cách giữa các nét đứt càng dài thì tốc độ được phép lưu thông càng cao.

Vạch đơn màu trắng nét liền

Là vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, liền nét. Dùng để phân chia các làn xe cùng chiều, vạch này không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

Vạch đơn màu vàng nét đứt

Là vạch phân chia hai chiều xe chạy dạng vạch đơn, đứt nét, màu vàng. Dùng để phân chia hai chiều xe ngược chiều nhau ở đoạn đường có từ hai làn xe trở lên và không có dải phân cách. Phương tiện được phép cắt qua để đi ở làn ngược chiều từ cả hai phía.

Vạch đơn màu vàng nét liền

Là vạch phân chia hai chiều xe chạy, dạng vạch đơn, nét liền. Dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

Hai vạch màu vàng song song

Vạch này thường dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều cho đường có từ bốn làn xe cơ giới trở lên (đường Quốc lộ, cao tốc), không có dải phân cách ở giữa. Tương tự đối với hai vạch trắng song song dùng để phân chia hai chiều xe chạy ngược chiều trên những đoạn đường phố mà không có dải phân cách. Vạch này xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

Vạch vàng một đứt, một liền

Dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có từ 2 làn xe trở lên, không có dải phân cách hai chiều xe chạy, sử dụng ở các đoạn cần thiết phải cấm xe sử dụng làn ngược chiều theo một hướng xe chạy nhất định để đảm bảo an toàn.

Xe trên làn đường tiếp giáp với vạch đứt nét được phép cắt qua và sử dụng làn ngược chiều khi cần thiết; xe trên làn đường tiếp giáp với vạch liền nét không được cắt qua vạch.

Vạch vàng đứt song song

Vạch dùng để xác định ranh giới làn đường có thể thay đổi hướng xe chạy trên đó theo thời gian. Hướng xe chạy ở một thời điểm trên làn đường có thể đổi chiều được quy định bởi người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn, biển báo hoặc các báo hiệu khác phù hợp.

Vạch làn đường ưu tiên

Vạch giới hạn làn đường ưu tiên gồm hai loại gồm:

Vạch trắng nét liền là dành riêng cho một loại xe nhất định, các loại xe khác không được đi vào làn xe này.

Vạch trắng nét đứt dành riêng cho một loại xe nhất định, nhưng các xe khác có thể sử dụng làn đường này và phải nhường đường cho xe được xe ưu tiên sử dụng làn xe.

Thủy Tiên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/moi-8-vach-ke-duong-tai-xe-can-khac-cot-ghi-tam-de-tranh-bi-phat-vi-bat-can-a328416.html