+Aa-
    Zalo

    Quốc hội cần tiến hành giám sát gói hỗ trợ 62.000 và 26.000 tỷ đồng

    ĐS&PL Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho hay, cử tri cả nước có nhiều băn khoăn, trăn trở liên quan đến việc tiêm vaccine, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ...

    Cử tri còn băn khoăn, lo lắng

    Ngày 22/7, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

    quoc hoi can tien hanh giam sat goi ho tro 62 000 va 26 000 ty dong dspl 2
    Người lao động tự do sẽ được các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để hỗ trợ.

    Ông Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp cả về nội dung và công tác nhân sự, mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước.

    Cử tri và nhân dân đồng thuận với chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

    “Cùng với kết quả phòng, chống dịch, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 5,64%, được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín nâng hạng triển vọng tín nhiệm quốc gia từ "ổn định" lên "tích cực"; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân cơ bản ổn định”, ông Đỗ Văn Chiến cho biết.

    Ông Đỗ Văn Chiến cũng nêu rõ, cử tri bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi Thủ tướng Chính phủ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc lớn nhất trong lịch sử, tuy nhiên, cử tri cũng còn băn khoăn, lo lắng.

    Thứ nhất, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng trong bối cảnh khan hiếm vaccine toàn cầu, cam kết của các nhà cung ứng lỏng lẻo, vaccine trong nước đang trong giai đoạn thử nghiệm, chúng ta phải có giải pháp thật sự đột phá, khả thi thì mới đạt được tỉ lệ tiêm chủng 75% dân số của cả nước như kế hoạch của bộ Y tế. Nếu không đạt được kế hoạch tiêm chủng vaccine thì kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sẽ có độ trễ, đời sống của Nhân dân tiếp tục khó khăn, nhất là các đối tượng yếu thế, người mất việc làm, thiếu việc làm do phải thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.

    Thứ hai, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cử tri cho rằng, công tác triển khai thực hiện còn lúng túng, xác định đối tượng thụ hưởng chưa phù hợp với bối cảnh, tình hình, do vậy giải ngân kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đạt tỷ lệ thấp, không đạt được mục tiêu như dự kiến.

    Thứ ba, cử tri cũng băn khoăn, lo lắng, chỉ còn 5 tháng nữa kết thúc năm 2021 mà một số vướng mắc, bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật đã tồn tại từ lâu, chưa được khắc phục, nếu Chính phủ, Quốc hội không tháo gỡ kịp thời các "nút thắt" này thì khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 sẽ rất khó khăn.

    Cuối cùng, điều cử tri băn khoăn là trong bối cảnh phải cách ly, giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn dịch bệnh, một bộ phận trẻ em không được đến trường, không được vui chơi tương thích với lứa tuổi trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý, nhất là ở các khu đô thị, khu chung cư. Việc này cần sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu để có giải pháp phù hợp giải quyết, không thể xem thường.

    Kiến nghị giám sát 2 gói hỗ trợ

    Cũng liên quan đến gói hỗ trợ, phát biểu thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 tại nghị trường ngày 21/7, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2020-2021 hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến 2022, bên cạnh với công tác tiêm chủng vaccine thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. “Vì vậy, Quốc hội cần tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỷ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong năm 2021”, ĐB này nhấn mạnh.

    quoc hoi can tien hanh giam sat goi ho tro 62 000 va 26 000 ty dong dspl 1
    Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh Quốc hội

    Cũng quan tâm đến tác động của đại dịch Covid-19, ĐBQH Lê Hoài Trung (đoàn Thừa Thiên - Huế) cho rằng những vấn đề đưa ra để giám sát chuyên đề năm 2022 và những năm tới có lẽ cũng cần phản ánh thêm những diễn biến rất lớn của đại dịch Covid-19.

    Theo ĐB Trung, năm 2021 là năm khởi đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, nhưng lại chịu tác động lớn của đại dịch. Vì thế, ĐB Trung cho rằng chương trình giám sát làm sao thấy được 2 vấn đề:

    Vấn đề thứ nhất, việc xử lý đại dịch Covid-19 trong thời gian qua hy vọng năm 2022 khắc phục được hậu quả, tác động tiêu cực về kinh tế -xã hội và nâng cao khả năng chống chịu, phòng những sự kiện như vậy trong thời gian tới ra sao? Vấn đề thứ hai, chúng ta cần phải làm gì để phát triển kinh tế xã hội, về hội nhập quốc tế để đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2025 chúng ta trở thành đất nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại và thu nhập tụt mức trung bình thấp?

    Vì thế, đại biểu Trung cho rằng, vấn đề nhìn thấy được tác động của đại dịch và các biện pháp khắc phục, phòng chống dịch để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phục hồi bền vững sau đại dịch, đồng thời thực hiện mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng rất quan trọng.

    Quyết tâm “chiến” với dịch bệnh, “đấu” với tin giả

    Cử tri đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, cố gắng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình hành động và lời hứa với cử tri trong quá trình vận động bầu cử; tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hoạt động của người đại biểu; gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó "máu thịt" với nhân dân; nỗ lực hành động theo phương châm: Tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ. Đồng thời, đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

    “Việc xây dựng chính sách pháp luật cần phải coi trọng thực tiễn, có chiến lược lâu dài, hạn chế tối đa việc luật mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung vì không sửa đổi, bổ sung thì chính sách không đi vào cuộc sống; sớm sửa đổi, bổ sung luật Đất đai; sớm có chủ trương, lộ trình cụ thể xây dựng luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo hành lang pháp lý tăng cường hơn nữa giám sát của nhân dân;nhất là giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân", ông Đỗ Văn Chiến nói.

    Về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các cấp, cơ quan liên quan cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người dân một cách thực chất, thiết thực hơn.

    Theo đó, Quốc hội với Chính phủ cần xem xét tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật bằng các hình thức phù hợp như ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc ban hành các nghị quyết cho thí điểm đối với những vấn đề chưa được quy định, góp phần giải phóng nguồn lực trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế và người dân.

    “Trong điều kiện không bình thường mà chúng ta vẫn áp dụng cơ chế, chính sách như bình thường thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, ông Đỗ Văn Chiến cho hay.

    Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm minh bạch, bình đẳng trong việc tiếp cận vac- cine của người dân; quản lý chặt chẽ và công khai các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống Covid-19, nhất là nguồn tài trợ, quyên góp ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

    Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm, khó lường, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch, nhất là các hành vi lôi kéo, xúi giục, tung tin thất thiệt, ảnh hưởng đến lợi ích chung.

    “Chúng ta phải quyết tâm “chiến” với dịch bệnh, “đấu” với tin giả", ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

    Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Thanh Hà, Quyền Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ mới được Chính phủ ban hành kỳ vọng giúp người lao động và người sử dụng lao động có “luồng sinh khí mới” để thực hiện mục tiêu kép. So với nhiều quốc gia phát triển, các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Việt Nam cũng không thua kém về độ bao phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, từ chính sách đến thực thi luôn có khoảng cách. Doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt lao động tự do rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ.

    “Theo quan điểm của tôi, trước mắt, cần có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt và chủ động của UBND các tỉnh, thành phố trong việc xác định đối tượng bị tổn thương. Cần hỗ trợ cấp bách nhất để ban hành các chính sách cho phù hợp từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác.Cùng với đó, Chính phủ cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, giảm bớt các thủ tục rườm rà và các tiêu chí quá chặt chẽ. Việc đơn giản thủ tục sẽ giúp người dân và doanh nghiệp được tiếp cận chính sách sớm nhất có thể.

    Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, chắc chắn người lao động, người sử dụng lao động sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, đặc biệt là người lao động ở những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu suốt thời gian qua như du lịch, giao thông vận tải, hàng không, lao động tự do... Do đó, sự hỗ trợ nhanh, kịp thời của Nhà nước, của cộng đồng đến tay người dân lúc này là rất cần thiết”, bà Hà nêu quan điểm.

    quoc hoi can tien hanh giam sat goi ho tro 62 000 va 26 000 ty dong dspl 4
    Cán bộ Phường 1, Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
    quoc hoi can tien hanh giam sat goi ho tro 62 000 va 26 000 ty dong dspl 3
    Lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bị giảm sâu thu nhập sẽ được hỗ trợ.

    Hoàng Bích

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (30)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quoc-hoi-can-tien-hanh-giam-sat-goi-ho-tro-62-000-va-26-000-ty-dong-a508042.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan