+Aa -
    Zalo

    “Sóng ngầm” ở một miền biên viễn: (Bài 3) Đẩy lùi hậu họa cho dân 

    • DSPL
    ĐS&PL Hiện, theo thống kê, Hà Giang có 11 huyện thị thành phố nhưng có tới 6 huyện thuộc diện 30a (huyện thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ). Tuy có nhiều sự đầu tư nhưng hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Hà Giang vẫn chiếm tới gần 23%, các hộ này phần lớn nằm tại 193 xã phường thuộc trên 2000 thôn và tổ dân phố. Vậy để hạn chế “tín dụng đen” và hạn chế những cái chết đau lòng do vay mượn thì cần nhanh chóng có những giải pháp.

    Nhiều hệ lụy

    Nói về thực trạng “tín dụng đen” trên địa bàn, ông Cấn Xuân Thảo – Phó Giám đốc Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Hà Giang cho biết: Hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra khá phức tạp, khá phổ biến và đa dạng về hình thức. Các hoạt động vay và cho vay này đều thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng không được pháp luật công nhận.

    Các tổ chức “tín dụng đen” thường dùng chiêu bài như cho vay tiền với thủ tục nhanh chóng, nhiều trường hợp vay tiền không cần thế chấp. Người vay và người cho vay có thể giao dịch bằng miệng, không cần hợp đồng hoặc lập hợp đồng nhưng rất đơn giản, không ghi mức lãi suất cho vay hoặc ghi lãi suất mập mờ, chung chung để lừa người vay. 

    “Dây dưa với “tín dụng đen” đồng nghĩa là dây dưa với hệ lụy. Khi rủi ro xảy ra, nhiều cá nhân bị khủng hoảng tinh thần, tìm giải thoát bằng cách tự tử. Không chỉ vậy, “tín dụng đen” còn kéo theo hàng loạt các tội phạm và tệ nạn xã hội, như: Giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…”, ông Cấn Xuân Thảo cho biết thêm.

    E:\Anhluutonghop\Anhluu\Anhluulai\DSC02518.JPG

    Vay vốn trong đó có vay tiêu dùng là nhu cầu rất cần thiết của người dân vùng cao Hà Giang

    Mặc dù công tác xóa đói, giảm nghèo của Hà Giang trong thời gian qua đã đạt được những con số khả quan nhưng theo thống kê, mỗi năm tỉnh vẫn phải có chương trình cứu đói cho các hộ dân và tương đương như vậy số lượng hộ có nhu cầu vay tiêu dùng còn cao hơn như thế rất nhiều lần. 

    Qua khảo sát thực tế cho thấy, ngoài số ít người dân có đều kiện, cần vay những khoản lớn, họ có tài sản thế chấp, có thể tìm đến ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng để thực hiện vay mượn theo quy định thì còn nhiều hộ dân chỉ dừng ở mức vay tiêu dùng với số tiền không lớn.

    Thực tế này đặt ra là cần phải có một kênh tín dụng khác để đáp ứng nhu cầu này cho người dân. Mà việc hình thành kênh này cần đáp ứng nhu cầu vay nhanh, đúng pháp luật và đúng theo quy định.

    Gỡ vướng, hướng tới vay an toàn

    Việc vay nợ và tự tử hay quyên sinh vì nợ ở Hà Giang đang là tiếng chuông cảnh báo. Theo đánh giá, phần lớn những người tự tử đều là trụ cột, lao động chính đóng góp chủ yếu vào kinh tế gia đình. 

    Trước gánh nặng về nợ đã chót vay từ các cá nhân hay tổ chức “tín dụng đen”, đường cùng, họ tự tử. Và như vậy sẽ để lại gánh nặng cho vợ con, những khó khăn của gia đình, cộng đồng và xã hội. Những đứa trẻ là con của những người tự tử không có nơi nương tựa, thất học, đói nghèo, thậm chí bị vi phạm pháp luật khi chưa thành niên...

    Để ngăn chặn tình trạng này, trong những năm qua Hà Giang đã tích cực vào cuộc. Tuy nhiên, theo đánh giá, trong quá trình phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn do các tổ chức, cá nhân cho vay thường núp bóng cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, công ty tài chính để hoạt động “ngầm”, cho vay tiền với lãi suất rất cao. 

    Giữa đối tượng cho vay và người vay tiền thỏa thuận số tiền vay với mức lãi suất dưới hình thức viết giấy vay nợ hoặc thỏa thuận miệng. Đặc biệt trong nội dung giấy vay nợ đều không thể hiện mức lãi suất, đối với các tài sản thế chấp có giá trị lớn, đối tượng cho vay thường yêu cầu chủ tài sản ký hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng tài sản… 

    Những biện pháp ranh mãnh, lách luật để đối phó này đã gây khó khăn trong công tác xử lý của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, lợi dụng mạng xã hội, công nghệ thông tin, sim rác các đối tượng cho vay ngày càng phổ biến, tinh vi.

    Do trình độ hiểu biết thấp, nhiều bị hại lo sợ bị trả thù nên không dám trình báo cơ quan công an hoặc không dám khai báo khi các đối tượng bị bắt giữ, gây khó khăn cho công tác mở rộng điều tra.

    Theo Công an tỉnh Hà Giang, quá trình điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến “tín dụng đen” còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 

    Theo đó, Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là tội phạm ít nghiêm trọng, có khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.

    Với khung hình phạt này, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự không áp dụng được biện pháp tạm giam đối với các đối tượng. Vì vậy sẽ dẫn đến khó khăn cho quá trình đấu tranh, khai thác, mở rộng vụ án, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan. 

    Ngày 25/04/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

    Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự (ANTT) với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.

    Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.

    Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần đảm bảo ANTT, cùng với nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

    Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động đề xuất UBND cùng cấp chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an làm nòng cốt, tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm.

    Siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với các cơ sở vi phạm.

    Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu phường, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.

    Song Nguyên – Trần Hùng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/song-ngam-o-mot-mien-bien-vien-bai-3-day-lui-hau-hoa-cho-dan-a521719.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.