Luật sư nói gì về dự thảo quy định Luật sư không được mời chào dịch vụ pháp lý?


Chủ nhật, 16/04/2017 | 01:08


“Đưa ra những quy định “quá lố” trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần bị chế tài” đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội

Đưa ra những quy định “quá lố” trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần bị chế tài” đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Quang Ngọc, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội – Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt.

Ngày 13/4, ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư ) đã họp phiên đầu tiên để cho ý kiến về những vấn đề lớn trong dự thảo.

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa cho biết thời gian qua đội ngũ LS đã phát triển nhanh về số lượng với gần 12.000 LS và hơn 5.000 người tập sự hành nghề LS tại hơn 3.700 tổ chức hành nghề LS.

“Mặc dù số lượng LS tăng nhanh, chất lượng đội ngũ LS cũng được nâng lên một bước nhưng vấn đề đạo đức, hành vi ứng xử của một số LS lại chưa đúng chuẩn mực của nghề” - bà Hoa nhận xét.

Theo bà Hoa, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện trở thành LS, nhất là các tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt; thiếu quy định về trách nhiệm của LS trong việc xây dựng hình ảnh, uy tín của nghề Luật...

Điều đặc biệt là dự thảo có quy định “Luật sư không được chào mời cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ của LS”. Quy định này gây tranh cãi tại buổi thảo luận dự thảo và gây băn khoăn cho giới Luật sư.

 - Luật sư nói gì về dự thảo quy định Luật sư không được mời chào dịch vụ pháp lý?

Luật sư Nguyễn Quang Ngọc

Chúng tôi đã có trao đổi với Luật sư Nguyễn Quang Ngọc xung quanh đề xuất này:

Phóng viên:  Thưa ông, ông nghĩ gì về quy định “Luật sư không được chào mời cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ của Luật sư” được quy định trong  dự thảo sửa đổi hướng dẫn quy định Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123 được đề cập ở trên?

- Tôi không khỏi sốc với đề xuất này dù là mới ở trong dự thảo. Dịch vụ pháp lý của Luật sư hay bất cứ lĩnh vực dịch vụ nào đều là kinh doanh. Để đảm bảo quyền tự do kinh doanh không xâm phạm đến quyền lợi ích của tổ chức cá nhân khác, một số ngành nghề quy định điều kiện hành nghề là điều kiện về vốn, điều kiện về tư cách. Có nghĩa là đáp ứng được các điều kiện này thì được hành nghề.  

Hiến pháp 2013, quy định về Quyền tư do kinh doanh còn được hiểu là tự do lựa chọn khách hàng, tự do mời chào khách hàng… Nếu quy định như trên thì là vi phạm Hiến pháp. Đồng thời, theo tôi đây là một quy định có phần “sáng tạo” nhưng lại trái với các quy định về quyền và nghĩa vụ của Luật sư được quy định trong Luật Luật sư.

- Hiện nay, có ý kiến cho rằng có nhiều tiêu cực trong hoạt động của Luật sư nên cần có những chế định nghiêm khắc?

- Luật luật sư đã có những quy định, yêu cầu với nghề Luật sư và các hành vi nghiêm cấm đối với luật sư (Điều 9). Nếu cấm tùy tiện như vậy phải chăng ta phải cấm thêm ở nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác?

Trong giai đoạn hiện nay, theo tôi chỉ nên quy định rõ Luật sư không được chào mời khách hàng những điều vượt quá khả năng của mình hay cấm Luật sư cam kết về kết quả vì việc xử bao nhiêu năm tù, bồi thường bao nhiêu do là tòa quyết định. Còn việc mời chào khách hàng đây là việc tiếp cận khách hàng, nếu tôi không quảng cáo thì ai sẽ biết đến dịch vụ của tôi? Tôi tiếp cận khách hàng, không chào mời, khách hàng biết tôi là ai?

- Đã có rất nhiều quy định trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật gần đây bị lên án. Quy định này làm ông liên tưởng đến những quy định nào trước đó?

- Trước đây đã có rất nhiều quy định xuất phát từ lý do “không quản được thì cấm” và bị dư luận lên án như cấm kinh doanh karaoke, hạn chế dùng thiết bị ghi âm ghi hình ngụy trang, hạn chế kinh doanh nhập khẩu ô tô khi không có xưởng sửa chữa đi kèm…

Những điều này hoàn toàn trái với các quy định pháp luật tiến bộ. Nguyên lý của pháp luật quốc tế là tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng. Việc quy định các Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng

- Hiện nay, có nhiều quy định pháp luật mới ở giai đoạn dự thảo đã gây phản ứng mạnh mẽ đối với dư luận. Theo ông cần có chế tài gì đối với những người đã đưa ra những người soạn thảo, đưa trình các quy định này?

- Để có một quy định pháp luật dù là ở dự thảo, chưa đi vào cuộc sống đã là sự tiêu tốn con người, ngân sách để soạn thảo ra những quy định đó. Với những dự thảo có những quy định quá “lố” như vậy thì cần có chế tài đối với người soạn thảo, bởi tôi tin rằng nếu không được dư luận, chuyên gia đóng góp ý kiến nó sẽ đi vào những văn bản luật, làm Thông tư, Nghị định, Luật không đi vào cuộc sống, gây bức xúc cho người dân… Đó là biểu hiện rất rõ ràng của sự lãng phí.  

Xin cảm ơn luật sư.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luat-su-noi-gi-ve-du-thao-quy-dinh-luat-su-khong-duoc-moi-chao-dich-vu-phap-ly-a187308.html