Người tham gia giao thông được làm gì khi CSGT yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe?


Thứ 3, 01/11/2016 | 02:35


(ĐSPL) - Khi CSGT yêu cầu bạn dừng xe và kiểm tra giấy tờ thì bạn có quyền hỏi lý do và yêu cầu họ giải thích hoặc xuất trình các giấy tờ cần thiết.

(ĐSPL) - Khi CSGT yêu cầu bạn dừng xe và kiểm tra giấy tờ thì bạn có quyền hỏi lý do và yêu cầu họ giải thích hoặc xuất trình các giấy tờ cần thiết thể hiện quyền hạn dừng phương tiện đối bạn.

Câu hỏi: Tôi đang lái xe chở gỗ về xưởng của gia đình thì bị hai CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ và yêu cầu xử phạt. Tuy nhiên, tôi thắc mắc là lúc hai CSGT yêu cầu xe tôi dừng lại thì họ cũng đang đi xe máy trên đường, khi nhìn thấy xe tôi thì họ dùng tay để vẫy xe của tôi lại và yêu cầu kiểm tra giấy tờ xe. Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp này tôi có cần xuất trình giấy tờ xe và nộp tiền phạt theo yêu cầu hay không? Yêu cầu của CSGT khi thực hiện nhiệm vụ là gì?

Trả lời: Theo thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông thì Các trường hợp được dừng phương tiện quy định tại điều 12 như sau:

1. Việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) An toàn, đúng quy định của pháp luật;

b) Không làm cản trở đến hoạt động giao thông;

c) Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

2. Cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

c) Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên;

d) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

đ) Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Khi tuần tra, kiểm soát công khai, cảnh sát giao thông phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Sử dụng trang phục theo đúng quy định của Bộ Công an;

b) Sử dụng phương tiện giao thông hoặc đi bộ để tuần tra, kiểm soát trong phạm vi địa bàn được phân công;

c) Sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, khi CSGT yêu cầu bạn dừng xe và kiểm tra giấy tờ thì bạn có quyền hỏi lý do và yêu cầu họ giải thích hoặc xuất trình các giấy tờ cần thiết thể hiện quyền hạn dừng phương tiện đối bạn.

Trang bị và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vũ khí, công cụ hỗ trợ của CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ được quy định tại điều 6 và điều 7 của thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ công an, cụ thể:

Điều 6. Trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ

1. Phương tiện giao thông, gồm: Xe ô tô, xe mô tô và các loại xe chuyên dùng khác được lắp đặt đèn, cờ hiệu Công an, còi phát tín hiệu ưu tiên của xe được quyền ưu tiên theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ

a) Hai bên thành xe ô tô tuần tra có vạch sơn phản quang màu xanh nước biển, ở giữa có dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG” màu trắng (bằng chất liệu phản quang), có kích thước chữ 10cm x 10cm, nét chữ 03cm, cân đối hai bên thành xe. Tùy từng loại xe được bố trí vạch, khoảng cách giữa các chữ, các từ cho cân đối và phù hợp;

b) Hai bên bình xăng hoặc ở sườn hai bên thùng phía sau hoặc ở hai bên cốp xe mô tô hai bánh tuần tra có dòng chữ “C.S.G.T” màu xanh (bằng chất liệu phản quang). Tùy từng loại xe được bố trí kích thước chữ và khoảng cách giữa các chữ cho cân đối và phù hợp;

c) Màu sơn của xe ô tô, mô tô sử dụng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát: Màu sơn trắng.

2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ

Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trang bị cho Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thực hiện theo Nghị định số 165/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường (sau đây viết gọn là Nghị định số 165/2013/NĐ-CP).

3. Phương tiện thông tin liên lạc: Máy bộ đàm, máy điện thoại, máy Fax, máy tính truyền dữ liệu.

4. Vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho Cảnh sát giao thông.

5. Gậy chỉ huy giao thông; còi; loa; cột hình chóp nón; rào chắn; biển báo để ngăn đường, cản, dừng phương tiện.

6. Đèn chiếu ánh sáng.

7. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác theo quy định của Bộ Công an.

Điều 7. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ

1. Việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 165/2013/NĐ-CPThông tư số 40/2015/TT-BCA ngày 24/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong Công an nhân dân để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ.

2. Sử dụng còi phát tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.

3. Đèn phát tín hiệu ưu tiên được sử dụng liên tục trong các trường hợp sau đây:

a) Tuần tra, kiểm soát cơ động;

b) Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông về ban ngày trong điều kiện thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn (mưa, sương mù...);

c) Kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông về ban đêm.

Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Xem thêm: [mecloud]lK3txbezkM[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-tham-gia-giao-thong-duoc-lam-gi-khi-csgt-yeu-cau-kiem-tra-giay-to-xe-a168002.html