+Aa-
    Zalo

    Thấy gì sau một dự án được đánh giá là thành công của bộ Y tế!

    • DSPL
    ĐS&PL Sau hơn 6 năm triển khai, dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2” được đánh giá là thành công, góp phần giúp người dân nơi đây được thụ hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn ngay tại địa phương. Thế nhưng, một số thiết bị trong gói thầu giai đoạn 2 của dự án có giá cao hơn nhiều so với thị trường hoặc các gói thầu tương tự ở địa phương khác, khiến dư luận băn khoăn về dấu hiệu thất thoát hàng tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công.

    3 nhà thầu được “chọn mặt gửi vàng”

    Với mục tiêu hỗ trợ phát triển hệ thống y tế 5 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng. Ngày 23/6/2014, Bộ Y tế đã khởi động dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2”. Dự án gồm 3 hợp phần: Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã; Cải thiện chất lượng và tiếp cận dịch vụ y tế tại bệnh viện; tăng cường năng lực quản lý tại các tuyến…Tổng số vốn được đầu tư lên đến 76,6 triệu USD, đến từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

    Ngày 27/11/2020, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký Quyết định số 4953/QĐ- BYT, phê duyệt hồ sơ mời thầu các gói thầu thuộc Kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2020 của dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2”. Theo quyết định vừa nêu, dự án này gồm 3 gói thầu, ký hiệu lần lượt là E17; E18 và E19, được ban Quản lý dự án "Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2" (BQLDA), tổ chức tiến hành đấu thầu theo quy định của pháp luật.

    tn1
    Thông báo của BQLDA về kết quả lựa chọn nhà thầu.

    Kết quả lựa chọn nhà thầu tại gói thầu E19: Mua trang thiết bị cho bệnh viện thuộc tỉnh Đắk Nông và bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho thấy, công ty TNHH Thiết bị và Dụng cụ y khoa 3P (công ty 3P) trúng lô số 1, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, trị giá 18.440.620.000 đồng (Mười tám tỷ bốn trăm bốn mươi triệu sáu trăm hai mươi nghìn đồng). Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TMC Việt Nam (công ty TMC) trúng lô số 2, thiết bị phòng mổ với giá 12.337.250.000 đồng (Mười hai tỷ ba trăm ba mươi bảy triệu hai trăm năm mười nghìn đồng), thấp hơn dự toán ban đầu 276.190.000 đồng, đạt tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu là 2,18%. Và cuối cùng, đơn vị trúng lô số 3, thiết bị chống nhiễm khuẩn, hồi sức cấp cứu Nội- Sản/Nhi, là công ty Cổ phần thiết bị y tế Medinsco (công ty Medinsco) với giá bỏ thầu là 12.682.240.000 đồng (Mười hai tỷ sáu trăm tám mươi hai triệu hai trăm bốn mươi nghìn đồng), thấp hơn 317.460.000 đồng so với dự toán.

    Giá chênh lệch cả tỷ đồng cùng 1 thiết bị

    Việc đấu thầu mua sắm công là hết sức bình thường, bởi mục đích tìm kiếm, chọn lựa nhà đầu tư, nhà thầu có tiềm lực về kỹ thuật, chất lượng và có mức giá tối ưu nhất đối với ngân sách Nhà nước. Đấu thầu là hình thức giúp tạo tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển năng lực cá nhân của doanh nghiệp một cách tích cực. Tuy nhiên, dư luận không khỏi băn khoăn khi nhìn vào giá các thiết bị y tế được mua sắm trong các gói thầu nói trên.

    tn2
    10 hạng mục thiết bị trong lô số 1 của Công ty 3P.

    Cụ thể, tại gói thầu Thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, trị giá 18.440.620.000 đồng của công ty 3P gồm 10 hạng mục thiết bị, sau khi PV rà soát, hầu hết các hạng mục đều bị nâng giá rất cao. Thậm chí, hạng mục số 2, hệ thống máy chụp X-quang kỹ thuật số, trong gói thầu năm 2020 của sở Y tế Hải Phòng, chỉ có giá 2.495.000.000 đồng/ hệ thống (Hai tỷ bốn trăm chín mươi lăm triệu đồng), nhưng công ty 3P cung cấp hệ thống tương tự, thông số kỹ thuật, hạng mục phụ trợ trùng khớp 100%, với giá là 3.954.930.000 đồng/ hệ thống. Chênh lệch giá tính ra là 1.459.930.000/ hệ thống (Một tỷ bốn trăm năm mươi chín triệu chín trăm ba mươi nghìn đồng). Với số lượng mua sắm tại gói thầu là 2 hệ thống, tổng trị giá 7.909.860.000 đồng (Bảy tỷ chín trăm linh chín triệu tám trăm sáu mươi nghìn đồng), ngân sách có thể đã bị thất thoát 2.919.860.000 đồng (Hai tỷ chín trăm mười chín triệu tám trăm sáu mươi nghìn đồng).

    tn3
    Hệ thống máy X-quang được sở Y tế Hải Phòng mua với giá 2.495.000.000 đồng/ hệ thống.

    Tiếp đó, hạng mục số 3, máy xét nghiệm tự động, hãng sản xuất Biomericux (Pháp) xuất xứ Italia, có dấu hiệu đội giá gần nửa tỷ đồng so với giá mua sắm của một đơn vị tuyến dưới.

    Cụ thể, bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) mua với giá 1.060.500.000 đồng (Một tỷ không trăm sáu mươi triệu năm trăm nghìn đồng), theo kết luận số 05/KL-SYT ngày 5/8/2019 của Thanh tra sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, nhưng BQLDA mua với giá 1.528.518.000 đồng, chênh lệch 468.018.000 đồng. Nếu tính cộng thêm bộ lưu điện mang nhãn hiệu US- 2000 của hãng Dosan, Trung Quốc  thì giá trị của hạng mục này cũng không thể lên đến hơn 1,5 tỷ đồng như giá mà BQLDA đã mua, bởi theo khảo sát của PV thì giá thị trường của bộ lưu điện khoảng 11.500.000 đồng.

    tn4
    Máy xét nghiệm miễn dịch Biomericux chỉ có giá 1.060.500.000 đồng mà bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột đã mua.

    Chiếc máy xét nghiệm đường huyết Epithod ® 616 của hãng DXGen (Hàn Quốc) tại hạng mục số 7, có dấu hiệu bị nâng giá nhiều lần so với giá trị thực tế của nó. Bởi theo thông tin PV thu thập, chiếc máy trên hiện đang được một doanh nghiệp chào bán trên thị trường với giá chỉ khoảng 23 triệu đồng (đã bao gồm công lắp đặt, vận chuyển và bảo hành 12 tháng). Thế nhưng BQLDA mua với giá 185.850.000 đồng/ 2 cái. Tính ra 1 cái là 92.925.000 đồng, cao gấp 4 lần giá thị trường.

    Một số hạng mục khác như: máy xét nghiệm Helicobacter Pylori 13C, tủ an toàn sinh học cấp 2… cũng có dấu hiệu giá cao hơn vài chục triệu đồng một sản phẩm.

    Tiếp tục lần theo dữ liệu nhập khẩu 2 năm gần nhất của 3 công ty có tên trong danh sách trúng thầu nói trên cho thấy, không có bất cứ thiết bị nào trùng khớp với danh sách các thiết bị cung cấp trong gói thầu của BQLDA. Phần lớn các mặt hàng nhập khẩu của 3 công ty này là trang thiết bị y tế thuộc nhóm A, trang thiết bị y tế có nguy cơ và rủi ro thấp. Trong khi, gói thầu của BQLDA mua sắm thiết bị đều rơi vào các nhóm B; C và D, mức nguy cơ và rủi ro cao.

    tn51
    Một phần dữ liệu nhập khẩu năm 2020 của công ty 3P.

    Để có thông tin đa chiều, rộng đường dư luận, PV Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với bộ Y tế, BQLDA nhưng chưa nhận được phản hồi từ phía hai đơn vị này.

    Lê Tuấn – Duy Trung

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-gi-sau-mot-du-an-duoc-danh-gia-la-thanh-cong-cua-bo-y-te-a508400.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hà Nam: (Bài 1)

    Hà Nam: (Bài 1) "Thánh địa" gian lận đấu thầu

    Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví Hà Nam là “thánh địa” gian lận đấu thầu. Rất nhiều những vụ việc không đẹp lại không thể che đậy liên quan đến hoạt động đấu thầu tại địa phương này đã minh chứng cho điều đó.