“Thầy giáo xe lăn” mở lớp kỹ năng sống dạy trẻ thiệt thòi


Thứ 6, 01/01/2021 | 03:50


Bên cạnh việc giảng dạy môn tin học, vào thứ bảy hàng tuần, “thầy giáo xe lăn” Nguyễn Ngọc Lâm mở thêm lớp học về kỹ năng sống cho những đứa trẻ có số phận kém may mắn.

Bên cạnh việc giảng dạy môn tin học, vào thứ Bảy hàng tuần, “thầy giáo xe lăn” Nguyễn Ngọc Lâm mở thêm lớp học về kỹ năng sống cho những đứa trẻ có số phận kém may mắn.

Quyết không là phế nhân

Anh Nguyễn Ngọc Lâm, 35 tuổi, quê ở Thanh Hóa có số phận bất hạnh. Năm 2004, anh Lâm đang là sinh viên năm thứ nhất trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước thì tai họa ập xuống. Trong một lần đón người nhà đến thăm, anh bị tai nạn xe khiến cơ thể tổn thương 97%. Anh Lâm gãy hai đốt sống cổ, gãy hai chân, hôn mê sâu. Bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy tiên đoán không còn khả năng sống, trả về để gia đình lo hậu sự.

Bằng tấm lòng yêu thương con, quyết không đầu hàng trước số phận, người cha khắc khổ đi vay mượn khắp nơi để điều trị cho con. Đến khi anh Lâm hồi tỉnh, cơ thể lại xuất hiện các vết lở loét gây đau đớn.

Anh Lâm phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và điều trị các vết thương ngoài da. Thương cha, thương phận mình, nhiều đêm anh bật khóc nức nở. Anh biết vì anh mà cha mẹ khánh kiệt cả sức khỏe lẫn tiền bạc nên phải cố gắng sống để không phụ công ơn trời biển ấy.

Sau trận tai nạn kinh hoàng, anh Lâm bị bại liệt, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào đôi bàn tay của người vợ hiền. (Ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Ngọc Lâm chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Khi đi là thanh niên khỏe mạnh với hoài bão trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng nên tôi không chấp nhận được việc khi trở về, chịu cái nhìn thương hại từ bà con lối xóm. Vì vậy, mặc lời khuyên nhủ của cha, tôi quyết định ở lại TP. HCM lập nghiệp, bươn chải nuôi sống bản thân”.

Con đường đại học, giấc mơ trở thành thầy giáo đành tạm gác một bên. Sau hai năm điều trị, sức khỏe anh Lâm hồi phục theo hướng tích cực. Tuy nhiên, anh phải chấp nhận sự thật đau đớn rằng đôi chân vĩnh viễn bại liệt, không thể đi lại như người bình thường.

Cơ thể anh cũng yếu đuối, người mềm oặt đổ ra phía sau. Mọi việc sinh hoạt đều phải trông cậy vào người khác. Anh Lâm ngồi trên chiếc xe lăn cùng với cậu em trai rong ruổi khắp các con phố Sài thành, bán vé số kiếm sống. Tối đến, hai anh em nằm ngủ tại ghế đá bệnh viện, gầm cầu.

Trong một lần tập vật lý trị liệu tại bệnh viện quận 8, anh Lâm tình cờ gặp chị Hoàng Nữ Ngọc Tim – người sáng lập trung tâm bảo trợ “Làng may mắn”. Biết hoàn cảnh khó khăn của anh Lâm, chị Tim ngỏ ý muốn giúp đỡ, đưa anh về trung tâm học việc.

Chắp cánh ước mơ cho học sinh khiếm khuyết

Năm 2006, anh Lâm về trung tâm theo học tin học. Nhớ những ngày đầu, việc học với anh rất vất vả. Đôi bàn tay co quắp, còng queo run rẩy gõ từng chữ đầy mệt nhọc. Ngay việc rê chuột là đơn giản nhất, anh Lâm cũng thực hiện khó khăn. Mỗi khi kết thúc tiết học, đôi tay anh mỏi nhừ, đỏ ửng và đau buốt. Nén lại nỗi đau, anh kiên trì tập luyện từng chút, quyết không bỏ cuộc.

Cuối cùng anh cũng chinh phục thành công bàn phím máy tính. Thấy sức học nổi trội, năm 2015, anh được đề cử trở thành thầy giáo dạy tin học cho trẻ em tiểu học. Mỗi em ở đây có một số phận, một hoàn cảnh đáng thương, em thì có gia cảnh nghèo khó, em thì bị câm điếc bẩm sinh, em thì bị khuyết tật...

"Thầy giáo xe lăn" dạy tin học cho các em học sinh có hoàn cảnh thiệt thòi tại "Làng may mắn".

Bằng trái tim nhân hậu, anh Lâm hằng ngày tới lớp, truyền tình yêu thương, truyền đạt kiến thức và nghị lực sống kiên cường tới các em nhỏ. Mỗi tháng, anh chỉ nhận số tiền trợ giúp từ trung tâm “Làng may mắn” là 2.000.000 đồng để trang trải cuộc sống sinh hoạt. Đồng nghiệp và các em học sinh quý mến, kính trọng, gọi anh Lâm bằng một cái tên khác: “Thầy giáo xe lăn”.

Ngoài giờ giảng dạy trên lớp, thứ bảy hàng tuần, anh Lâm mở lớp học về kỹ năng sống miễn phí tại trung tâm. Các bài giảng giáo dục các em về tình yêu gia đình, quê hương và đất nước. Giáo dục các em những đức tính tốt mà con người cần hướng tới như: nhân, lễ, nghĩa, chí, tín.

Bên cạnh đó, anh Lâm còn sẻ chia về kinh nghiệm sống, kỹ năng sống trong cuộc đời. Những đứa trẻ thiệt thòi về vật chất, về sức khỏe nhưng bù lại có một người thầy tuyệt vời, luôn yêu thương, quan tâm, giúp đỡ các em.

Lớp học kỹ năng sống miễn phí do thầy giáo Lâm giảng dạy được học sinh đón nhận.

Để ngày ngày có thể lên lớp, anh Lâm phải nhờ sự giúp đỡ từ người bạn đời là chị Nguyễn Thị Minh Thơ. Chị Thơ 36 tuổi, là người con gái Bến Tre, gia đình khó khăn.

Chị lên TP. HCM làm việc, tình cờ thấy những dòng thơ anh Lâm chia sẻ trên mạng xã hội nên đã chủ động nhắn tin làm quen. Họ đồng cảm, yêu thương nhau nên sau 5 năm tìm hiểu, anh chị quyết định về chung một nhà.

Nhờ lòng yêu thương, bàn tay ân cần chăm sóc của vợ mà sức khỏe anh Lâm khá lên nhiều. Hằng ngày, chị giúp chồng mình tập vật lý trị liệu, xoa bóp chân tay giúp anh. Mọi việc sinh hoạt của anh Lâm đều phải trông cậy vào vợ. Trên cả là người vợ hiền, chị Thơ là người tri âm tri kỷ, đồng cam cộng khổ, chia sẻ đắng cay ngọt bùi cùng chồng.

Mặc dù vất vả chăm sóc chồng bại liệt nhưng chị Minh Thơ luôn vui vẻ và trân trọng những gì mình đang có.

Tại “Làng may mắn”, những đứa trẻ hồn nhiên đã quen thuộc với hình ảnh “thầy giáo xe lăn” Ngọc Lâm trên bục giảng truyền đạt tri thức, nghị lực sống mãnh liệt. Những vần thơ thầy đọc sẽ theo các em đến suốt cuộc đời, là bài học nhân sinh sâu sắc, động viên các em mỗi khi nản chí, ngã lòng: “Đã mang ơn đến với cuộc đời này/Tay chân liệt, còn con tim, khối óc/Còn niềm tin và niềm khát khao sống/Không có gì ngăn cản được lòng ta”.

Ứng Hà Chi 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thay-giao-xe-lan-mo-lop-ky-nang-song-day-tre-thiet-thoi-a350634.html