+Aa-
    Zalo

    Thực trạng và giải pháp xây dựng Nông thôn mới tại Bắc Kạn

    ĐS&PL Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả khả quan, nhận thức của cộng đồng dân cư về nông thôn mới...

    Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả khả quan, nhận thức của cộng đồng dân cư về nông thôn mới được nâng cao, mức độ đạt các tiêu chí tăng dần, bộ mặt nông thôn ở Bắc Kạn đã có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Đây là tiền đề khá quan trọng để địa phương tiến lên thực hiện nhiệm vụ chính trị mà đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025.

    Vượt qua thách thức để hoàn thành mục tiêu

    Ngay từ đầu, để triển khai có hiệu quả Chương trình, Bắc Kạn đã ban hành xác định thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là cơ hội thuận lợi để nông dân trong tỉnh bứt phá vươn lên, xây dựng nông thôn giàu đẹp văn minh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

    Chung tay làm đường nông thôn mới

    Như Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/5/2011 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; ban hành văn bản phân công các sở, ngành, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát động phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ đó, các cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương.

    Tuyến đường nông thôn mới tại huyện Na Rì

    Theo đó, xây dựng kế hoạch cụ thể với nhiều giải pháp thiết thực như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn, đồng thời triển khai lập đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng kết cấu hạ tầng….

    Khi bắt tay thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Bắc Kạn là tỉnh khó khăn về mọi mặt bởi xuất phát điểm của các xã rất thấp, số tiêu chí bình quân chưa đạt 3 tiêu chí/xã, 100% xã đạt dưới 7 tiêu chí. Sau 10 năm nỗ lực thực hiện, với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là sự hưởng ứng tích cực của người dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã có kết quả rõ nét.

    Trong hơn 10 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã huy động tối đa nguồn lực, dồn sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp, vốn huy động từ người dân và cộng đồng đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng. Từ một địa phương khó khăn nhất cả nước về thu ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo cao, hết giai đoạn 2020 toàn tỉnh sẽ có trên 20 xã đạt tiêu chí về nông thôn mới.

    Sản vật từ nông nghiệp của địa phương

    Trong đó có 04 xã về đích trong năm nay gồm: Địa Linh, Khang Ninh (Ba Bể), Nghĩa Tá (Chợ Đồn), Dương Phong (Bạch Thông). Theo ông Hoàng Văn Giáp- Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh, đến nay các xã điểm cơ bản đảm bảo thực hiện tốt nhóm tiêu chí về kinh tế, tổ chức sản xuất thu nhập. Nhóm về hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương đang dồn nguồn lực để thực hiện những tiêu chí còn thiếu.

     Đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu mỗi xã có ít nhất 01 thôn đạt thôn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 88 thôn thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới. Trong đó ưu tiên nguồn vốn thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới tại 26 xã vùng núi đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1385/QĐ-TTg ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

    Tuần Lễ nông sản Bắc Kạn.

    Để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn tập trung nguồn lực cho các xã trong lộ trình kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động lồng ghép, huy động các nguồn lực, nguồn vốn từ các chương trình, dự án, hoàn thành các tiêu chí về hạ tầng, tập trung tổ chức sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn qua chương trình OCOP, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Các cấp, ngành và địa phương tiếp tục gắn xây dựng nông thôn mới với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tuyên truyền, vận động người dân tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, phấn đấu về đích nông thôn mới đúng lộ trình.

    Bài học từ sự đoàn kết

    Đánh giá những thành quả đối với chương trình, ông Giáp cho rằng các cấp ủy và chính quyền tỉnh Bắc Kạn luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng nhằm thay đổi nhận thức của nhân dân, xác định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Điều này thể hiện rõ nét qua phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh, bà con nhân dân tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới, tự giác thực hiện các phần việc do nhân dân làm, tự nguyện tham gia đóng góp tiền, vật tư, vật liệu, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn. Giai đoạn 2011 – 2019, người dân trong tỉnh đã hiến hơn 302.500m2 đất, đóng góp tiền mặt và nhân công lao động là không kể hết.

    Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới tại Bắc Kạn dù có những chuyển biến tích cực cũng không thể phủ nhận là địa phương khó khăn nhất cả nước. Đáng nói nhiều xã là vùng đặc biệt khó khăn, xã thuộc huyện nghèo nên việc triển khai nông thôn mới sẽ hạn chế, có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi nhu cầu xây dựng nông thôn mới của các xã trong tỉnh là rất lớn, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong khi khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, ngân sách của tỉnh hạn hẹp chủ yếu trông chờ từ Trung ương nên cũng ảnh hưởng phần nào đến việc hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn.

    Vì vậy, để mục tiêu sớm hoàn thành Bắc Kạn luôn tìm giải pháp về mô hình kinh tế trong nông lâm nghiệp. Mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ  máy móc thiết bị phục vụ sản xuất cho nông dân. Thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo cho khu vực nông thôn của tỉnh.

    Địa phương tổ chức thành các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả thông qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “5 không 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo”; “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”; “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê”, “Tuổi trẻ Bắc Kạn chung tay xây dựng nông thôn mới”…Đồng thời sẽ tranh thủ mọi nguồn lực từ trung ương để sớm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.

    Văn Minh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-trang-va-giai-phap-xay-dung-nong-thon-moi-tai-bac-kan-a350841.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan