Bất chấp bị đánh, chửi, triệu phú Trung Quốc cần mẫn nhặt rác mỗi ngày suốt 4 năm


Thứ 4, 20/11/2019 | 00:21


Cùng sự kiện

Sở hữu khối tài sản 14,3 triệu USD, ông Zhong Congrong vẫn hàng ngày đi nhặt rác, với mong muốn thay đổi thói quen vứt rác ra đường của người dân.

Sở hữu khối tài sản 14,3 triệu USD, ông Zhong Congrong vẫn hàng ngày đi nhặt rác, với mong muốn thay đổi thói quen vứt rác ra đường của nhiều người dân Trùng Khánh.

Ông Zhong Congrong. Ảnh: SCMP

Ông Zhong Congrong hiện sở hữu ba doanh nghiệp ở phía tây nam Trung Quốc, trị giá hơn 100 triệu nhân dân tệ (14,3 triệu USD). Tuy nhiên, ông thích trở thành một nhà bảo vệ môi trường hơn và mục đích của ông là giữ cho Trung Khánh luôn sạch đẹp.

Hằng ngày, sau khi kết thúc bữa sáng và bữa tối, nam doanh nhân lại khoác lên người chiếc áo phông màu cam, lái chiếc SUV Mercedes-Benz để di chuyển vào trung tâm thành phố.

Sau đó, ông đi bộ trên đường từ một tới hai giờ đồng hồ, thu nhặt rác và nói chuyện với người qua đường về việc xả rác.

“Nhiệm vụ của tôi là thay đổi suy nghĩ của mọi người, loại bỏ thói quen xấu và nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ môi trường”, ông Zhong nói.

Ông Zhong đã thực hiện điều này trong suốt bốn năm. Điều mà người đàn ông 54 tuổi nhận được là một vài vết bầm tím từ những người không muốn nghe thông điệp của ông .

Sau tất cả những chuyện đó, ông Zhong nhất quyết không bỏ cuộc, trở thành người vận động bền bỉ về vấn đề môi trường ở thành phố hơn 30 triệu dân này.

Tại Trung Quốc, các thành phố đã có quy định cấm xả rác và người phạm tội sẽ bị đối mặt với mức phạt cao tới 200 nhân dân tệ. Tuy nhiên, các quy tắc hiếm khi được tuân theo và việc thực thi vô cùng yếu ớt. Trong khi có rất nhiều thùng rác công cộng ở mọi nơi thì rác thải vẫn là một mối phiền toái.

Ông Zhong cho biết công việc dọn rác của ông bắt đầu vào năm 2015 sau khi gặp một người phụ nữ tầm 70 tuổi ở Tam Á, thành phố ven biển phía nam trên đảo Hải Nam. Ông đã bị ấn tượng bởi sự tận tâm của cô ấy và người chồng khi họ đi nhặt rác mỗi ngày.

“Họ là giáo sư đã nghỉ hưu, từng làm việc tại một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh”, ông Zhong Zhong nói. “Tôi đã trò chuyện rất nhiều với cô ấy và tôi hỏi cô ấy  ‘Điều gì khiến cô tự nguyện nhặt rác mỗi ngày? Bạn dọn dẹp bãi biển hôm nay, nhưng ngày mai rác mới xuất hiện?’

‘Cách để giải quyết vấn đề là dạy mọi người không xả rác’ cô ấy nói với tôi”. Ông Zhong cho biết cuộc gặp gỡ đã khiến ông tìm đươc mục đích sống của mình.

Ông Zhong nhặt rác trên đường mỗi ngày. Ảnh: SCMP

Trở về nhà, ông Zhong theo dõi, tìm hiểu và kết luận rằng thực khách của các nhà hàng và doanh nghiệp bán đồ ăn nhanh có xu hướng vứt rác nhiều nhất.

Có lẽ đó là vì khi mọi người dùng bữa trong nhà hàng, họ vứt rác bất cứ nơi nào họ thích. Đi ra ngoài, họ cứ tiếp tục làm như vậy, ông Zhong nói.

"Những người mua sắm trong các trung tâm thương mại nhìn chung văn minh hơn".

Ông Zhong dễ dàng được nhìn thấy trên đường phố khi khoác chiếc áo phông màu cam mang thông điệp vì môi trường. Các dụng cụ của ông bao gồm một gọng kim loại để lấy giấy lụa, túi nhựa, chai nước uống, tã lót và các mảnh vụn hàng ngày khác để bỏ vào thùng.

Bên cạnh đó, ông còn mang theo một chiếc loa để phát thông điệp dành riêng cho những vị khách trong nhà hàng: “Thưa các bạn thân mến, để bảo vệ môi trường vì tương lai con em chúng ta, xin đừng vứt rác bừa bãi”.

Ông Zhong nói rằng ban đầu, ông cảm thấy sợ hãi và lo lắng khi đứng trước đám đông thực khách. Tuy nhiên thời gian và kinh nghiệm đã dạy ông rằng không có gì phải sợ.

Một trong những thách thức lớn hơn đối với ông Zhong là nhiều người không lắng nghe và từ chối vứt rác đúng cách.

“Xã hội của chúng ta có nhiều loại người khác nhau và tôi cần phải đối mặt với thực tế này", ông Zhong nói. “Tôi đã chuẩn bị trước tinh thần để đối mặt với việc bị gọi là “điên khùng”.

Ông Zhong rất kiên trì trong việc thuyết phục mọi người. Khi gặp một người vứt rác ra đường, ông Zhong nhất quyết bắt người đó quay trở lại, nhặt rác lên và bỏ vào thùng.

Nếu họ từ chối hợp tác, ông đe dọa: “Bạn không nhặt rác lên, tôi đảm bảo bạn sẽ mất mặt ngay lập tức. Tôi sẽ rêu rao với những người qua đường hành động của bạn. Mọi người sau đó sẽ lên án bạn và bạn sẽ cảm thấy xấu hổ”.

Khi mọi người nói với ông rằng họ làm gì không phải việc của ông, ông Zhong trả lời rằng những gì ông đang làm là vì lợi ích công cộng.

Một lần, ông Zhong bắt gặp một vài thanh niên ở độ tuổi 20 từ trong ôtô vứt rác ra đường, ông lập tức đuổi theo, ép họ quay trở lại. Những người này đã lao vào chửi rủa, đánh đập ông. Và ngày hôm đó của họ kết thúc tại một đồn cảnh sát.

Ông Zhong hy vọng công việc của mình sẽ mang lại năng lượng tích cực

đến các nhân viên ở công ty sản xuất linh kiện ôtô và vật liệu đóng gói của ông, dù việc ông làm không liên quan gì đến kinh doanh.

Tuy nhiên, năm ngoái, ông được chính quyền thành phố chọn một trong 10 vì cộng đồng của Trùng Khánh, còn gia đình ông được vinh danh là gia đình văn hóa Trung Quốc, do Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc trao tặng.

Ông Zhong từng nhặt được 22.000 USD khi nhặt rác, sau đó đã trả lại và từ chối nhận thưởng.

Ông Zhong ngồi cạn vợ là bà Yang Zuhui. Ảnh: SCMP

Vợ ông Zhong, bà Yang Zuhui, ban đầu không ủng hộ việc làm của chồng và đe dọa sẽ ly dị.

“Chồng tôi không cao lắm, nhiều lần, anh ấy ở thế bất lợi và bị đánh. Tôi lo lắng về sự an toàn cá nhân của anh ấy”, bà Yang chia sẻ.

Tuy nhiên, chính cô con gái 10 tuổi của họ đã giúp thay đổi thái độ của bà Yang, đối với việc làm của chồng, sau một chuyến đi chơi ở trường.

Cụ thể trong một buổi dã ngoại, ông Zhong đã dạy cả trẻ em và các bậc phụ huynh về việc xả rác đúng chỗ. Con gái ông từ xấu hổ vì phát ngôn của bố đã trở nên tự hào khi các bạn cùng lớp ca ngợi ông Zhong là tuyệt vời và "như một người hùng bảo vệ Trái Đất".

Bà Yang cũng hiểu được rằng chồng mình là một người đàn ông quyết đoán, một khi ông quyết định hành động sẽ không thay đổi suy nghĩ.

Con trai của ông Zhong mới đây đã trở về Trùng Khánh sau khi du học tại Pháp, trở thành những người ủng hộ tuyệt đối, luôn sát cánh bên cha.

"Con trai tôi nói rằng công việc tình nguyện về môi trường là chuyện bình thường ở nước ngoài và đáng được trân trọng", ông Zhong nói. "Bây giờ, cứ vào buổi tối, nếu tôi ở nhà, vợ con tôi sẽ nhắc 'sao bố không đi nhặt rác?”.

Ông Zhong cho rằng việc đi nhặt rác hàng ngày rất quan trọng vì ông càng làm thì càng lan truyền được thông điệp tới nhiều người. "Thay đổi quen xả rác, người Trung Quốc có thể ngẩng cao đầu khi họ đi du lịch ra nước ngoài", ông Zhong chia sẻ.

Mộc Miên (Theo SCMP)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bat-chap-bi-danh-chui-trieu-phu-trung-quoc-can-man-nhat-rac-moi-ngay-suot-4-nam-a301420.html