Ai Cập cổ đại: Bí ẩn sức mạnh thanh kiếm Khopesh tạo nên cả một đế chế


Thứ 3, 05/02/2019 | 06:30


Cùng sự kiện

Ai Cập cổ đại là một vùng đất bí ẩn chứa đầy những câu chuyện ly kỳ về các đế chế bị lãng quên mà trong đó, kỹ thuật chế tạo vũ khí cũng được ghi nhận là rất độc đáo.

Ai Cập cổ đại là một vùng đất bí ẩn chứa đầy những câu chuyện ly kỳ về các đế chế bị lãng quên mà trong đó, kỹ thuật chế tạo vũ khí cũng được ghi nhận là rất độc đáo.

Thanh kiếm cong Khopesh - vũ khí sắc bén của Ai Cập cổ đại. Ảnh: Getty

Khopesh là tên của thanh kiếm cong thường được sử dụng ở Ai Cập trong thời đại đồ đồng, đại diện cho kiểu kiếm cổ nhất được sử dụng ở Bắc Phi và Cận Đông. Cũng chính bằng thanh kiếm này, người Ai Cập đã tạo ra cả một đế chế cổ đại.

Nguồn gốc của thanh kiếm Khopesh

Khopesh là một thanh kiếm lưỡi cong, gờ lưỡi cắt cũng là gờ cong ra. Thanh kiếm Khopesh hình dạng lưỡi liềm, phần lưỡi dao nối với tay cầm có cái móc. Do đó, một số học giả xếp loại Khopesh là thanh kiếm lưỡi liềm, được tìm thấy trên khắp thung lũng sông Nile, phía đông châu Phi, Trung Đông và tiểu lục địa Ấn Độ.

Khopesh có liên quan chặt chẽ đến Ai Cập, dù nguồn gốc của nó không phải ở đây. Nó được phát minh ra ở Lưỡng Hà (Mesopotamia) vào đầu thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên (TCN). Hơn nữa, một bia đá có niên đại 2.500 năm TCN đã mô tả việc vị vua Sumer dùng thanh kiếm hình liềm nên rất có thể vũ khí này có thể là tiền thân của thanh kiếm Khopesh.

Sau khi được phát triển ở Mesopotamia, kiếm Khopesh đã được sử dụng ở Syria và thành phố Canaanite. Vũ khí lợi hại này đến Ai Cập từ Mesopotamia vào khoảng sau năm 1550 TCN, trong thời kỳ Vương quốc mới.

Vũ khí kim loại đầu tiên là rìu đồng. Trước thời đại đồ đồng, chỉ có rìu vì đồng không đủ mạnh để chịu được quá trình luyện kim để chế tạo kiếm. Sau đó, đồng được sử dụng phổ biến hơn nhưng cũng xuất hiện kim loại cứng hơn cho phép chịu lực tác động mạnh hơn. Người ta đã rèn được lưỡi kiếm đủ dài để trở thành thanh kiếm nên Khopesh đã ra đời.

Công dụng của Khopesh

Hình ảnh thật của Khopesh được tìm thấy trong quá trình khảo cổ. Ảnh: Getty

Không giống như rìu và giáo – những vật dụng ban đầu chỉ được sử dụng cho mục đích dân sự, thanh kiếm có lẽ là một trong những vũ khí đầu tiên dành cho chiến đấu. Khopesh được sử dụng chủ yếu làm vũ khí cắt, chém và chặt tạo ra ưu thế lớn trong xung đột trước khi người ta phát minh ra áo giáp để bảo vệ cơ thể của chiến binh.

Ngoài việc chém và chặt, khopesh cũng có thể được dùng để đâm. Móc ở đầu xa của vũ khí cũng có thể được sử dụng để xé toạc khiên đối thủ. Khopesh đã trở thành một vũ khí đáng sợ và linh hoạt trong thời đại đó.

Ảnh hưởng của Khopesh đối với các nền văn hóa khác

Từ khoảng thế kỷ thứ 6 TCN, người Hy Lạp bắt đầu sử dụng vũ khí có cánh cong mà họ gọi là machaira hoặc kopis. Một số học giả cho rằng tên kopis có thể được bắt nguồn từ chữ Khopesh của Ai Cập. Ngoài ra, người Hittites - đối thủ đáng gờm của người Ai Cập trong thời đại đồ đồng cũng sử dụng thanh kiếm có thiết kế tương tự. Tuy nhiên, không rõ liệu họ đã sao chép thiết kế của Ai Cập hay thừa hưởng Khopesh trực tiếp từ Mesopotamia.

Những thanh kiếm cong tương tự như Khopesh cũng được tìm thấy ở phía Đông và vùng trung tâm châu Phi. Các nền văn hóa khác đã sử dụng dao găm giống như lưỡi kiếm cong Khopesh. Không rõ truyền thống chế tạo lưỡi kiếm cong được thừa hưởng từ Ai Cập hay thiết kế dao găm được phát triển riêng ở phía nam Mesopotamia. Một thanh kiếm hoặc dao găm giống như Khopesh cũng được thấy trong các nền văn hóa Dravidia ở miền Nam Ấn Độ, các vùng ở Nepal không thuộc Dravidic ở phía Bắc.

Ngoài ra, những thanh kiếm giống Khopesh cũng hiện diện giữa các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Dravidia và Mesopotamia. Thung lũng Indus, hay nền văn minh Harappan, có quan hệ thông thương với Mesopotamia vào đầu năm 3000 TCN có lẽ chịu ảnh hưởng của Dravidian theo sắc tộc. Nền văn minh Thung lũng Indus trước Aryan cũng tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác cho đến giữa thiên niên kỷ thứ 2 TCN. Đây là thời đại thích hợp để truyền bá những lưỡi kiếm giống như Khopesh đến nền văn minh Dravidian từ Mesopotamia.

Trong thời đại đồ đồng và thậm chí cả sau đó, Ai Cập vẫn là một cường quốc thế giới. Rất có thể một trong những lý do khiến Ai Cập thành công trong việc bảo vệ chủ quyền là vì đã phát triển một quân đội tiên tiến với vũ khí hiệu quả như Khopesh. Dĩ nhiên, chỉ riêng Khopesh là không đủ, nhưng rõ ràng nó rất hữu ích.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Ancient Origins)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ai-cap-co-dai-bi-an-suc-manh-thanh-kiem-khopesh-tao-nen-ca-mot-de-che-a260655.html