Mì ăn liền: Niềm tự hào của Nhật Bản nhưng gắn liền với sự phát triển của kinh tế Trung Quốc


Thứ 6, 08/02/2019 | 07:11


Cùng sự kiện

Mì ăn liền là một loại thực phẩm phổ biến trên khắp thế giới vì giá thành rẻ, tiện lợi nhưng không phải ai cũng biết về lịch sử và quá trình phát triển của chúng.

Mì ăn liền là một loại thực phẩm phổ biến trên khắp thế giới vì giá thành rẻ, tiện lợi nhưng không phải ai cũng biết về lịch sử và quá trình phát triển của chúng.

Mì ăn liền là sản phẩm phổ biến trên khắp thế giới. Ảnh: BBC

Năm 12 tuổi, Coss Marte bắt đầu buôn bán ma túy ở thành phố New York. Năm 15 tuổi, Marte bị tống vào tù 1 năm. Đó là khi Marte bắt đầu tìm mọi cách để hoạt động, kiếm tiền đằng sau song sắt. “Mì ăn liền đã theo tôi suốt 12 năm trời”, Marte nói trong cuộc phỏng vấn với BBC.

Trên thực tế, Marte “làm quen” và “yêu thích” mì ăn liền do sự gắn bó trong những ngày tháng ở tù: “Mì ăn liền, khoai tây chiên, pho mát là những đồ ăn thông thường cho tù nhân Mỹ. Nếu gặp may mắn thì có thể ăn cắp một củ hành tây từ hội trường lộn xộn, sau đó trộn tất cả lên, thêm vào một ít sốt cà chua, mayonnaise. Từng có người nói với tôi rằng món ăn tổng hợp đó có vị như Taco (một món bánh truyền thống của người Mexico)”.

Mì ăn liền cơ bản là thứ rẻ nhất được bán ở hầu hết các cửa hàng nhà tù với giá chỉ khoảng 1 USD cho 3 gói. Trên thực tế, mì ăn liền đã thay thế thuốc lá trở thành mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trong các nhà tù ở Mỹ. Mì ăn liền rất quan trọng, tù nhân sử dụng chúng như tiền để trao đổi.

Một thanh niên khác sống ở phía bên kia địa cầu thì được truyền cảm hứng từ mì ăn liền. Danger Dooley được đào tạo để trở thành giáo viên ở Dunedin, miền Nam New Zealand nhưng anh có một giấc mơ là trở thành đạo diễn phim. Và một đêm nọ, khi xem một bộ phim, anh đã bất ngờ nảy sinh ý tưởng. Phim đó có tên là “Supersize Me” mà trong đó Morgan Spurlock không ăn gì ngoài đồ ăn nhanh của McDonald trong 1 tháng, sau đó ghi lại những tác động mạnh mẽ về thể chất và tâm lý đối với cơ thể. Danger Dooley đã quyết định làm một bộ phim có tên là “Noodle Me”.

“Tôi rất khó có thể ăn McDonald McDonald, gà rán KFC hay Burger King mỗi ngày”, Dooley nói. “Mì ăn liền là một lựa chọn tốt hơn. 60 năm sau phát minh ra mì ăn liền, chúng đã trở thành thực phẩm mặc định cho bất kỳ ai thiếu tiền, hoặc thời gian, hoặc nhà bếp. Chúng thậm chí còn xuất hiện trong các khu vực thảm họa và trên các chuyến bay đường dài”.

Năm ngoái, trên toàn cầu, hơn 100 tỷ khẩu phần mì ăn liền đã được tiêu thụ. Ở nơi sản xuất mì ăn liền - Nhật Bản, mì ăn liền đã nhiều lần được bầu chọn là phát minh thành công nhất Nhật Bản, hơn cả tàu cao tốc, máy tính xách tay và karaoke.

So với thời hoàng kim vào những năm 1970, 1980, ngày nay doanh số bán mì ăn liền đã giảm mạnh ở Nhật Bản, hiện chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh số toàn cầu. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là nước tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Indonesia, với hơn 5,5 tỷ khẩu phần được ăn 1 năm.

Mặc dù vậy, có lẽ câu chuyện đằng sau ramen ăn liền quan trọng với Nhật Bản hơn là sức mua của sản phẩm.

Lịch sử của mì ăn liền – Phát minh thành công nhất Nhật Bản

Hầu hết các giả thiết cho rằng mì ăn liền xuất thân từ mì ramen. Còn mì ramen lại do các đầu bếp Trung Hoa đem đến Nhật vào những năm 1880.

Mì ramen truyền thống, ở dạng cơ bản nhất là mì làm từ lúa mì, được phục vụ trong nước dùng với một vài lát thịt hoặc đậu phụ ở trên. Trong nhiều thập kỷ, công thức đơn giản đó đã được điều chỉnh và mở rộng nhiều lần, cho phép các đầu bếp giàu trí tưởng tượng thể hiện kỹ năng của họ bằng cách làm nước dùng phức tạp, nâng cấp cho mì có kết cấu hoàn hảo và thêm vào nhiều loại thực phẩm ăn kèm.

Ramen ban đầu được những người lao động Nhật Bản nấu nướng cẩn thận, ăn bằng bát nhưng Thế chiến thứ II đã thay đổi mọi thứ. Các vùng đất rộng lớn của Nhật Bản bị hủy hoại bằng bom đạn. Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, dân số còn sống sót đang chết đói từng ngày. Đó cũng là lúc một vị anh hùng bất đắc dĩ xuất hiện - ông Momofuku Ando đến từ Đài Loan.

Ông Ando là thương nhân từng trải qua nhiều thăng trầm trên thương trường cả ở Đài Loan lẫn Nhật Bản. Ông kiếm được hàng triệu yên trong ngành công nghiệp thời chiến rồi lại đánh mất mọi thứ, sau đó còn vào tù vì tội gian lận. Ông thành lập một ngân hàng và phá sản nhưng vẫn kiên trì, quyết tâm gầy dựng lại danh tiếng của mình.

Sau chiến tranh, chứng kiến hàng người mệt mỏi kiên nhẫn chờ đợi trong hàng dài để ăn bát ramen hấp. Bất chợt, ông Ando nghĩ cần có một phiên bản hiện đại, nhanh chóng của loại thức ăn thân thuộc dành cho tầng lớp lao động. Một loại thực phẩm, thuận tiện, sử dụng nhiều bột mì Mỹ. Và thế là, ở tuổi 48, ông Ando đã biến mình thành một nhà phát minh thực phẩm. Ban đầu, ông đã phát minh ra một sản phẩm trông gần giống với những viên gạch – những gói mì ăn liền được xếp trên các kệ hàng siêu thị trên khắp thế giới ngày nay.

Bảo tàng mì ăn liền ở Nhật Bản. Ảnh: BBC

Ngày nay, ở thành phố ven biển Yokohama có bảo tàng mì ăn liền thuộc sở hữu của công ty thực phẩm Nissin do ông Ando thành lập với toà nhà có các khối vuông, màu đỏ thẳng thớm, sạch sẽ. Bên trong có những tấm sàn sáng bóng và những bức tường trắng tinh khôi.

Như vậy, mì ăn liền là phát minh ra đời ngay sau chiến tranh, giúp những người đói khát được no bụng. Sau đó, cả đất nước Nhật Bản bắt đầu vực dậy tái thiết.

Đến thập niên 1970 - 1980, các món đồ gia dụng trở nên phổ biến với mọi hộ gia đình, ví dụ như ấm đun nước để chế mì. Truyền hình cũng phát triển nhanh chóng, giúp quảng bá sự tiện lợi của mì gói - lúc này không còn là món ăn "cứu đói" nữa nhưng vẫn là cứu cánh tuyệt vời khi bận rộn.

Mì ăn liền và tương quan với nền kinh tế Trung Quốc

Trong số 100 tỷ gói mì được bán ra thì người Trung Quốc tiêu thụ tới 38 tỷ. Tuy vậy, ở Trung Quốc mì ăn liền lại đại diện cho một điều khác biệt, không phải niềm tự hào như ở Nhật Bản.

Trên chuyến tàu đông đúc ở thủ đô Bắc Kinh, các hành khách chuẩn bị tinh thần cho một chặng đường mệt nhọc mà họ phải trải qua hàng ngày. Rất nhiều người tranh thủ nấu mì gói.

Một phụ nữ đang pha mì ly nói với phóng viên: "Ai cũng biết mì ăn liền không tốt cho sức khỏe. Tôi cũng không muốn ăn nhưng đơn giản là vì nó tiện lợi". "Nếu không có gì để ăn thì chắc chắn là phải nấu mì rồi", một người phụ nữ lớn tuổi khác cho hay. Những người lao động ở Trung Quốc thường phải chạy đua với thời gian vào mỗi sáng và tranh thủ lót dạ bằng mì gói trước khi bắt đầu ngày làm việc mới.

Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng thần kì 9,5% mỗi năm trong suốt 3 thập kỉ. Đó là tốc độ phát triển nhanh nhất của một nền kinh tế trong lịch sử. Tuy nhiên, những người lao động nhập cư sống xa nhà, gắn liền với lối sống "làm việc xoay ca" chính là những người tiêu thụ mì gói nhiều nhất Trung Quốc.

Thế nhưng, lối sống gắn liền với mì ăn liền cũng đang lùi về quá khứ. Doanh số mặt hàng này chạm nóc 50 tỷ gói mì vào năm 2010, sau đó giảm dần qua từng năm.

Ngày nay, nhiều người trẻ do không có kỹ năng nấu nướng hay sắp xếp cho cuộc sống vẫn thường sử dụng mì ăn liền như một sản phẩm giá rẻ và tiện dụng. Bất chấp một số lời cảnh báo về tác động tiêu cực của mì ăn liền với sức khoẻ con người, rõ ràng, sản phẩm này vẫn sẽ còn tồn tại lâu dài trong tương lai.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo BBC)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mi-an-lien-niem-tu-hao-cua-nhat-ban-nhung-gan-lien-voi-su-phat-trien-cua-kinh-te-trung-quoc-a260827.html