Cảng Hambantota: Viên ngọc trong mắt Trung Quốc và khó khăn của Sri Lanka khi muốn ngừng hợp đồng cho thuê 99 năm


Chủ nhật, 08/12/2019 | 00:00


Cùng sự kiện

Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay khoảng 8 tỷ USD. Số tiền khổng lồ đã được đầu tư cho những dự án hạ tầng mà tới nay vẫn không hề phát huy hiệu quả kinh tế.

Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay khoảng 8 tỷ USD. Số tiền khổng lồ đã được đầu tư cho những dự án hạ tầng mà tới nay vẫn không hề phát huy hiệu quả kinh tế.

Cảng Hambantota thuộc bờ biển phía nam của Sri Lanka. Ảnh: Getty

Mới đây, truyền thông Sri Lanka và thế giới đồng loạt đưa tin về việc cựu Thống đốc Ngân hàng nhà nước Sri Lanka – cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa - ông Ajith Nivard Cabraal  tuyên bố: Chính phủ mới đang muốn thu hồi thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng biển Hambantota 99 năm, vì lợi ích quốc gia.

"Chúng tôi muốn họ trả lại cảng Hambantota. Tốt nhất là quay lại hiện trạng ban đầu. Chúng tôi sẽ trả đúng hạn khoản vay theo cam kết ban đầu mà không để xảy ra bất kỳ xáo trộn nào", ông Cabraal cho biết.

Trước đó, vào năm 2017, thủ tướng Sri Lanka, khi đó là ông Ranil Wickremesinghe từng nói rất khó để hoàn trả số tiền đã vay từ Trung Quốc nhằm xây dựng cảng Hambantota. Theo đó, ông đồng ý cho liên doanh do Công ty Cảng Giao thương Trung Quốc (CMP) làm chủ thuê cảng này trong 99 năm với giá 1,1 tỷ USD.

“Điều này đã giúp làm nhẹ khoản nợ từ Trung Quốc mà Sri Lanka đang phải chịu”, ông Wickremesinghe nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2018.

Hambantota là dự án nằm trong sáng kiến đầy tham vọng Vành đai và Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sáng kiến này gây nhiều tranh cãi với cáo buộc Trung Quốc đưa các nước nghèo vào bẫy nợ. Dự án đồng thời gây ra lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng cảng biển vào mục đích quân sự.

Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ lo ngại này, cho rằng cảng Hambantota nằm trên tuyến đường biển quan trọng từ Á sang Âu, hai bên sẽ cùng có lợi và đóng góp vào nền kinh tế Sri Lanka.

Tổng thống Gototti Rajapaksa mới tuyên thệ vào tháng 11. Ảnh: Reuters

"Hợp tác Trung Quốc - Sri Lanka, bao gồm dự án cảng Hambantota, được xây dựng dựa trên bình đẳng và tham vấn", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. "Trung Quốc mong muốn hợp tác với Sri Lanka để biến Hambantota thành một trung tâm vận chuyển mới ở Ấn Độ Dương và phát triển nền kinh tế địa phương".

Ông Gotabaya Rajapaksa, em trai cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa, đã đắc cử tổng thống Sri Lanka hồi tháng 11 sau chiến dịch tranh cử với quyết tâm xem xét lại hợp đồng cho thuê cảng Hambantota từ tay Trung Quốc.

Chưa rõ Tổng thống Sri Lanka sẽ đàm phán với phía Trung Quốc thế nào về việc thỏa thuận lại việc nợ và cho thuê cảng Hambantota nhưng điều này dường như rất khó khăn.

Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ xem xét lại hợp đồng thuê cảng với Sri Lanka. Ngược lại, Bắc Kinh còn tuyên bố rằng, kế hoạch phát triển cảng Hambantota cần được đẩy mạnh.

Vị trí chiến lược của Hambantota

Năm 2017, sau khi Sri Lanka  đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng Hambanota, Thời báo New York đã đăng tải một bài viết liên quan, cho biết, cùng với chiến lược triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện của họ tại Ấn Độ Dương.

Quốc gia này đã đổ nhiều tỷ USD để xây dựng các cơ sở cảng biển, quy hoạch những tuyến thương mại trên biển để khuếch trương năng lực và quy mô tiếp cận thị trường về sau.

Năm 2009, khi cuộc nội chiến 27 năm tại Sri Lanka kết thúc, Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã mong muốn lột xác Hambantota - vùng quê nhà nghèo khó của ông, với mong muốn biến nơi này trở thành trung tâm du lịch và thương mại đẳng cấp thế giới. Lúc này, Trung Quốc đã ngay lập tức thể hiện sự quan tâm của mình đối với Sri Lanka.

Thị trấn Hambanota nằm ở vị trí rất chiến lược, chỉ cách tuyến vận tải đường biển sống còn trên Ấn Độ Dương vài dặm về phía bắc. Đây cũng là tuyến vận tải đường biển mà hơn 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua.

Một cảng biển ở đây sẽ là yếu tố "điểm xuyết" quan trọng cho "chuỗi ngọc trai" mà Trung Quốc bắt đầu "xâu kết" lại dọc theo cái mà họ gọi là "Con đường tơ lụa trên biển", tạo ra một hành lang biển xuyên suốt từ Trung Quốc qua Đông Nam Á tới hệ thống các cảng do Trung Quốc đầu tư tại châu Phi, trước khi qua Trung Đông và châu Âu.

Cảng Hambantota. Ảnh: AP

Ông Constantino Xavier, một học giả tại Tổ chức Carnegie India ở New Delhi, cho rằng sự lệ thuộc vì nợ nần của Sri Lanka với Trung Quốc dẫn tới bản hợp đồng cho thuê cảng biển chiến lược là hồi chuông cảnh tỉnh với một số quốc gia. Ông nói: "Các nước trong khu vực bắt đầu nhận ra những cái giá về lâu dài họ phải trả từ những cam kết đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh".

Gia đình Rajapaksa có một lịch sử lâu dài với dự án cảng Hambantota, một trong những dự án hàng đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Mahinda từ năm 2005 đến 2015.

Tuy nhiên, bất chấp lời hứa rằng Hambantota sẽ trở thành cảng lớn nhất được xây dựng trên đất liền trong thế kỷ 21, hiện tại nơi này vẫn hoạt động kém hiệu quả về mặt kinh tế.

Dự án cảng cũng từng bị trì hoãn bởi các cáo buộc tham nhũng, tuy nhiên Tổng thống Mahinda Rajapaksa phủ nhận, theo SCMP.

Khó khăn muôn phần

Các nhà quan sát quốc tế cho biết việc phụ thuộc liên tục vào đầu tư quốc tế của Sri Lanka, trong khi nước này vẫn đang phải xây dựng lại sau cuộc nội chiến kéo dài, là một trong những yếu tố gây cản trở việc đàm phán với Trung Quốc.

Ông Amitendu Palit, một nhà kinh tế chuyên về chính sách thương mại và đầu tư quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết, khả năng đàm phán lại các thỏa thuận sẽ phụ thuộc vào quy mô kinh tế, hiệu suất và triển vọng chiến lược của Sri Lanka.

“Malaysia có thể đàm phán lại thành công với Trung Quốc về hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt bờ biển phía Đông nước này, bởi đây mà một quốc gia có thu nhập trung bình với nền kinh tế mạnh hơn Sri Lanka nhiều. Sri Lanka thì không. Đã 10 năm sau khi nội chiến kết thúc, nền kinh tế Sri Lanka vẫn không thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao và thu hút đầu tư tư nhân dài hạn”, ông Amitendu Palit nói.

Cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa. Ảnh: Reuters

Nợ của Sri Lanka hiện là 78% GDP và là một trong những nước có tỷ lệ nợ cao nhất trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Từ năm 2010 đến 2018, Trung Quốc đã cho nước này vay khoảng 8 tỷ USD. Số tiền khổng lồ đã được đầu tư cho những dự án hạ tầng mà tới nay vẫn không hề phát huy hiệu quả kinh tế.

Đó là tuyến xa lộ 4 làn đi ra từ thị trấn Hambantota trống trải tới mức những đàn voi hoang tràn xuống đường còn nhiều hơn xe cộ thực tế và sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa, sân bay lớn thứ 2 tại Sri Lanka, vốn được thiết kế để phục vụ 1 triệu khách mỗi năm nhưng hiện chỉ giải quyết khoảng vài chục khách mỗi ngày.

Ông Sufian Jusohm, giáo sư đầu tư và thương mại quốc tế tại Đại học Quốc gia Malaysia, cho biết chính phủ Sri Lanka sẽ cần cung cấp cho Trung Quốc một giải pháp thay thế nếu muốn sửa đổi thỏa thuận.

Bên Sri Lanka có thể thu hồi hợp đồng thuê cảng nhưng có nguy cơ phải trả tiền bồi thường cho công ty Trung Quốc vì đã chiếm đoạt cảng. Ngoài ra, điều này sẽ dẫn đến một cuộc xung đột ngoại giao giữa nước này và Trung Quốc.

Dân làng đi trên một chiếc máy kéo trên một con đường ở Hambantota, Sri Lanka, vào ngày 24/3. Ảnh: Reuters

Ông Du Youkang, giáo sư chuyên nghiên cứu về khu vực Nam Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng mong muốn xem xét lại hợp đồng với Trung Quốc của tân tổng thống Sri Lanka được thúc đẩy bởi chính trị trong nước hơn là mối quan tâm về kinh tế.

"Tuy nhiên, bất kể các thỏa thuận được sửa đổi như thế nào, rõ ràng chiến lược ngoại giao của nước này với Trung Quốc sẽ không thay đổi. Họ vẫn cần các khoản đầu tư của Trung Quốc”, giáo sư Du nhận định.

“Chính phủ Sri Lanka cũng có thể đưa ra cho Trung Quốc một thỏa thuận thay thế. Hiện còn quá sớm để nói rằng liệu các nỗ lực đàm phán lại sẽ gây tổn hại đến các mối quan hệ hay cản trở Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh  hay không”.

Mộc Miên (Theo SCMP, New York Times)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cang-hambantota-vien-ngoc-trong-mat-trung-quoc-va-kho-khan-cua-sri-lanka-khi-muon-ngung-hop-dong-cho-thue-99-nam-a303764.html