Chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về SARS bị nhiễm virus Vũ Hán


Thứ 5, 23/01/2020 | 12:45


Mới đây, Bác sĩ Vương Quảng Phát, trưởng khoa y học tại Bệnh viện đại học Y khoa Đệ nhất Bắc Kinh cho biết ông đã nhiễm virus sau khi ở lại Vũ Hán khoảng 8 ngày.

Mới đây, Bác sĩ Vương Quảng Phát, trưởng khoa y học tại Bệnh viện đại học Y khoa Đệ nhất Bắc Kinh cho biết ông đã nhiễm virus sau khi ở lại Vũ Hán khoảng 8 ngày.

Hôm 21/1, nói chuyện với các phóng viên Trung Quốc, ông Vương bày tỏ mong muốn mọi người đừng "quá chú ý đến tình hình cá nhân của tôi".

Trước đó, khi virus corona mới bùng phát ở Vũ Hán, ông Vương Quảng Phát, người đứng đầu khoa y học tại Bệnh viện bại học Y khoa Đệ nhất Bắc Kinh và chiến đấu với SARS trước tiên vào năm 2003, đã được gửi đến hiện trường. 

Theo Taiwan News, ông Vương là một trong số các chuyên gia của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đến Vũ Hán sớm nhất là vào ngày 31/12/2019 để điều tra sự bùng phát của căn bệnh bí ẩn tại một chợ động vật sống ở đó, theo truyền thông địa phương.

Ông Vương gia nhập Trung tâm Y khoa Đại học Bắc Kinh năm 1981 trước khi sang Nhật Bản học tiếp vào năm 1995. Năm 1998, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Y khoa Hô hấp tại Bệnh viện Đệ nhất của Đại học Bắc Kinh và lấy bằng thạc sĩ và Tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh.

Trong đợt bùng phát SARS năm 2003, ông giám sát việc chuẩn bị phòng ngừa và điều trị SARS với tư cách trưởng thanh tra và trưởng nhóm chuyên gia tại Bệnh viện Đệ nhất của Đại học Bắc Kinh.

Ông Vương giám sát việc điều trị số lượng bệnh nhân SARS lớn nhất trong thời gian dài nhất tại bệnh viện và từng được trao huân chương vì những nỗ lực của mình.

Bác sĩ Vương Quảng Phát, trưởng khoa y học tại Bệnh viện đại học Y khoa Đệ nhất Bắc Kinh xác nhận mình đã nhiễm virus Vũ Hán.

Trong một diễn biến liên quan, rạng sáng ngày 23/1, cơ quan chức năng thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ra thông cáo số 1, yêu cầu bắt đầu từ 10h cùng ngày, toàn thành phố dừng hoạt động giao thông công cộng, tàu điện ngầm, tàu thuyền, xe khách đường dài; tạm thời đóng cửa sân bay, ga tàu.

Nhân viên an ninh kiểm tra thân nhiệt một người ở Vũ Hán hôm 22/1. Ảnh: Getty.

Các chuyên gia nhận định quy mô đáng kinh ngạc của việc phong tỏa lần này, khi Vũ Hán là một đô thị trung chuyển lớn hơn nhiều thủ đô trên thế giới, là động thái ở quy mô chưa từng có tiền lệ.

"Những gì đang diễn ra là điều không thể tin nổi", giáo sư Howard Markel, chuyên gia lịch sử y học tại Đại học Michigan, Mỹ, nhận xét. Ông Markel cho biết chưa từng có trường hợp nào số lượng người bị cô lập trong một biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lại lớn đến như vậy.

Bằng cách giới hạn sự di chuyển của hàng triệu người trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe công cộng, Trung Quốc đang phải tìm một biện pháp cân bằng với một lịch sử lâu dài, phức tạp đầy rẫy những mâu thuẫn và lo ngại về xã hội, chính trị và sắc tộc.

James G. Hodge Jr., giám đốc Trung tâm luật và chính sách y tế công cộng từ Đại học bang Arizona, Mỹ, cho rằng việc phong tỏa ở quy mô lớn hầu như chắc chắn sẽ dẫn tới các tác động về vấn đề quyền con người. Biện pháp như vậy sẽ khó có thể được áp dụng tại Mỹ do trái với hiến pháp nước này.

"Biện pháp này rất dễ phản tác dụng. Nói chung, đây là một bước đi mạo hiểm", ông Hodge nói, cho rằng việc phong tỏa thành phố đã ngăn chặn người khỏe mạnh có thể rời khỏi vùng ổ dịch, khiến họ có nguy cơ lớn nhiễm bệnh dù đáng ra có thể rời đi an toàn.

Được biết, tính đến ngày 23/1, theo thông tin mới nhất thu thập thống kê từ 25 tỉnh thành Trung Quốc, hiện đã có 571 trường hợp xác nhận nhiễm bệnh viêm phổi cấp chủng virus Corona mới, 95 trường hợp nguy kịch, 17 trường hợp chết (đều thuộc tỉnh Hồ Bắc). Trong số 17 trường hợp chết vì viêm phổi cấp, các bệnh nhân đa phần đều trên độ tuổi 65.

Thanh Tùng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-hang-dau-trung-quoc-ve-sars-bi-nhiem-virus-vu-han-a309310.html