'Đám mây mù' vẫn bao phủ máy bay MH370 sau 4 năm mất tích


Thứ 5, 08/03/2018 | 09:09


Cùng sự kiện

Tròn 4 năm sau ngày chiếc máy bay Boeing 777 MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích cùng 239 người, số phận của nó vẫn là một ẩn số cho mọi người.

Tròn 4 năm sau ngày chiếc máy bay Boeing 777 MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích cùng 239 người, số phận của nó vẫn là một ẩn số cho mọi người.

Điều đáng nói là cho tới tận bây giờ, người ta vẫn không có tin tức gì về chiếc máy bay xấu số cùng với những người đi trên đó. Trong khi chính phủ 3 nước có nhiều công dân đi trên chiếc máy bay này là Australia, Trung Quốc và Malaysia đã ngừng các cuộc tìm kiếm vào năm 2017, sau 3 năm bặt vô tín thì người thân của các nạn nhân vẫn không hết hy vọng.

Tin thế giới - 'Đám mây mù' vẫn bao phủ máy bay MH370 sau 4 năm mất tích

Chiếc máy bay Boeing 777 tại sân bay Kuala Lumpur.

Nhân kỉ niệm 4 năm tròn ngày xảy ra thảm họa hàng không bí ẩn nhất lịch nhân loại này, hãy cùng chúng tôi điểm lại những giả thuyết được nhiều người đề cập nhất về nguyên nhân mất tích của chiếc máy bay này.

Cướp máy bay

Sử gia Norman Davies mới đây đưa ra một giả thuyết mới về sự biến mất bí ẩn của máy bay này. Ông cho rằng chiếc máy bay đã bị kiểm soát từ xa, sau đó trượt trên không trung vài giờ trước khi đáp xuống Nam Cực. Địa điểm ẩn náu lí tưởng này được cho là nơi cuối cùng của chiếc MH370 và nó đã bị chôn dưới những lớp băng dày.

Công nghệ trên máy bay hiện nay được thiết kế cho phép có thể điều khiển máy bay từ mặt đất để tránh các vụ cướp máy bay khủng bố như vụ 11/9/2001 tại Mỹ, và chính điều này có thể là kẽ hở khiến MH370 trở thành chiếc máy bay đầu tiên bị cướp quyền điều khiển từ xa.

Dựa vào cơ sở này, chuyên gia Davies cho rằng máy bay có thể đã bị “cướp cạn” từ dưới đất và điều khiển tới Nam Cực. Lí do của hành động này là bởi trên máy bay có thể chứa những thứ “không được phép tới Trung Quốc".

Tin thế giới - 'Đám mây mù' vẫn bao phủ máy bay MH370 sau 4 năm mất tích (Hình 2).

Nhiều mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở các đảo thuộc châu Phi.

"Những thứ không được phép" này từng được He Xin, một blogger Trung Quốc, cho rằng đó là 20 nhân viên của công ty công nghệ Mỹ Freescale Semiconductor, sản xuất vi mạch cho các lĩnh vực khác nhau, gồm cả công nghiệp quốc phòng. 12 hai nhân viên trong số này đến từ Malaysia và 8 người ​​từ Trung Quốc. Việc này dẫn đến đến suy đoán rằng họ nắm giữ bí mật công nghiệp quan trọng và sự mất tích có sự nhúng tay của CIA.

Nhận định của Davies khá tương tự với bài viết đăng trên Nhật báo Moskovskiy Komsomoles của Nga hồi tháng 3/2014. Tuy nhiên đối tượng cướp máy bay là những kẻ khủng bố và địa điểm cất giấu chuyển tới khu vực Kandahar, Afghanistan. Tờ báo khẳng định thông tin này là chính xác dựa trên “nguồn đáng tin cậy” của Cục tình báo Nga. Nhân vật khủng bố khống chế máy bay có tên là Hitch.

Nhiều người tin vào thuyết người ngoài hành tinh hoang đường.

Hoang đường hơn nữa và không có căn cứ nhưng có tới 10% người trên mạng xã hội đồng tình với giả thuyết này, theo khảo sát của đài CNN năm 2014, là máy bay MH370 bị người ngoài hành tinh "cướp". Một số người nhận định tin chắc rằng người ngoài hành tinh đã đưa cả chiếc máy bay cùng toàn bộ thành viên lên hành tinh khác.

Máy bay bị bắn rơi

Sau khi MH370 biến mất, nhiều mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở khu vực bờ biển đông nam của châu Phi. Những mảnh vỡ này được cho là từ máy bay Boeing 777, trùng với chiếc máy bay gặp nạn.

Tuy không tìm thấy hộp đen, nhưng từ những mảnh vỡ này mà nhiều người tin chắc rằng chiếc máy bay MH370 đã bị quân đội bắn rơi.

Tin thế giới - 'Đám mây mù' vẫn bao phủ máy bay MH370 sau 4 năm mất tích (Hình 4).

Có nhiều căn cứ để tin rằng máy bay MH370 bị bắn rơi.

Giả thuyết trên được nhà văn nổi tiếng người Pháp Marc Dugain đưa ra trên tuần san Paris Match. Ông cho rằng chiếc máy bay xấu số này bị bắn rơi ở đảo Diego Garcia. Đây là địa điểm quân Mỹ bí mật dùng làm căn cứ không quân và do thám.

Một số chuyên gia khác cũng chung nhận định này và cho rằng máy bay MH370 đã bị chiến đấu cơ của Mỹ bắn hạ trong quá trình tập trận. Giả thuyết này cũng không hẳn là vô lý vì 4 tháng sau đó, chiếc máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines bị bắn rơi ở Ukraine.

Còn nhà báo người Anh-Mỹ Nigel Cawthorne lại đưa ra một giả thuyết dựa trên lời khai của nhân chứng là công nhân khoan dầu Mike McKay ở New Zealand, rằng ông đã nhìn thấy một chiếc máy bay bốc cháy lao xuống Vịnh Thái Lan. Từ đó, Cawthorne đưa ra nhận định chiếc máy bay đã bị "bắn hạ" trong một cuộc tập trận của Thái Lan - Mỹ.

Ông Cawthorne nói: “Cuộc tập trận này bao gồm các cuộc chiến tranh giả trên đất liền, trên biển và trên không, và các bài tập bắn đạn thật.

Một đội tham gia đã vô tình bắn hạ chiếc máy bay MH370. Những điều này thực sự đã xảy ra. Không ai muốn xảy ra một sự kiện Lockerbie khác (Chuyến bay Pan Am 103 bị khủng bố năm 1988 bị cáo buộc là để trả thù cuộc không kích của hải quân Mỹ vào một máy bay thương mại của Iran 6 tháng trước). Vì vậy, đây là lý do đầy đủ để người ta giữ kín bí mật về chiếc máy bay này."

Giả thuyết âm mưu

Cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar cho rằng chiếc máy bay xấu số có thể đã trở thành mục tiêu của một âm mưu lừa đảo, chiếm đoạt tiền bảo hiểm tinh vi.

“Có lẽ ai đó trên máy bay đã mua một số tiền bảo hiểm rất lớn, dự định cho người nhà được hưởng”, ông Bakar nói.

Một số người lại cho rằng máy bay bị khủng bố khống chế, gần giống vụ khủng bố ngày 11/9 vào New York và Washington. Theo giả thuyết được lan truyền rộng rãi trên Internet này, MH370 không rơi mà trong thực tế đang được chuẩn bị để sử dụng cho một vụ khủng bố ngoạn mục.

Một trong những người ủng hộ giả thuyết này là Christopher Green từ nhóm Alternative Media Television. Trong video trên YouTube có gần 320.000 lượt xem, ông cho rằng một nhóm khủng bố hay thậm chí là một nhà nước bất hảo có thể đã cướp chuyến bay MH370 để đưa tới một nơi bí mật. Họ có thể đang "trang bị cho phi cơ một quả bom hạt nhân để chuẩn bị cho cuộc tấn công, có thể phá hủy và thổi bay một thành phố Mỹ".

Thậm chí, theo BBC, nhiều cuộc thảo luận trên các diễn đàn hàng không suy đoán rằng chiếc máy bay được cho là MH17 tại hiện trường vụ tai nạn ở Ukraine hồi tháng 7/2014 thực chất là MH370. Cả hai máy bay đều thuộc cùng một mẫu, tuy nhiên MH17 là phiên bản cũ hơn, từ năm 1997. Những người ủng hộ lập luận này dẫn chứng hình ảnh chụp mảnh vỡ từ hiện trường, cho thấy chiếc máy bay gặp nạn dường như là phiên bản đời mới.

"MH17 có một cửa sổ phụ cạnh cửa thứ hai bên tay phải, còn MH370 thì không. Xác máy bay tại hiện trường vụ tai nạn ở Ukraine cũng không có", một tài khoản trên diễn đàn viết. Còn có ý kiến cho rằng biểu tượng lá cờ Malaysia trên chiếc phi cơ bị rơi cũng xuất hiện ở sai vị trí.

Một lãnh đạo phiến quân thân Nga nói rằng người trên máy bay thực chất đã chết trước khi máy bay cất cánh. Với giả thuyết này, hộ chiếu được cho là cố tình đặt vào cạnh các thi thể.

Đổ cho "Tam giác quỷ Bermuda" châu Á

Tam giác quỷ Bermuda bị nghi là thủ phạm "hút" mất máy bay MH370.

Cũng như nhiều vụ mất tích tàu bè hay máy bay khác, "thủ phạm" đầu tiên mà người ta nghĩ đến là "Tam giác quỷ Bermuda". Rất nhiều người cho rằng máy bay MH370 đã bị một "Tam giác quỷ Bermuda" thứ hai tại châu Á “hút” xuống.

Giả thuyết này cũng không phải không có căn cứ khi có nhiều máy bay, tàu bè bị mát tích bí ẩn trong khu vực. Riêng năm 1945, 5 chiếc máy bay ném bom đã mất tích ở "Tam giác quỷ Bermuda".

Phi công tự sát

Tin thế giới - 'Đám mây mù' vẫn bao phủ máy bay MH370 sau 4 năm mất tích (Hình 6).
Cơ trưởng MH370 Zaharie Ahmad Shah (phải) và cơ phó Fariq Abdul Hamid - Ảnh: Reuters

"Chúng tôi biết chuyện gì xảy xa. Chỉ có một phương án duy nhất. Vụ việc do hành vi cố ý của một ai đó gây ra, có thể là cơ trưởng", David Learmount, biên tập viên về an toàn hàng không tại Flight Global nói.

Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi (bên trái) và phi công phụ Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi, của máy bay Malaysia mất tích. (Ảnh: NST).

Một lời giải thích cho việc máy bay đột ngột biến mất có thể là phi công điều khiển tự sát và khiến phi cơ mất tích. Theo Mirror, các thám tử Malaysia phát hiện cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, không hề lên kế hoạch tương lai. Ông để trống nhật ký làm việc và hoạt động xã hội, không giống những người khác trong phi hành đoàn.

Khi được hỏi về lập luận này, John Brennan, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói rằng "không thể coi nhẹ bất kỳ giả thuyết nào".

Hỏa hoạn

Một trong những giả thuyết phổ biến nhất là có một vụ hỏa hoạn giết chết tất cả người trên máy bay, nhưng đã cháy hết trước khi gây tổn hại đến vỏ ngoài phi cơ. Điều này giải thích lý do tại sao chiếc phi cơ lại bay tự động một quãng đường dài, chệch khỏi đường đi dự kiến.

Một nguồn tin hàng không cho rằng, nếu giả thiết này là đúng, máy bay có thể rơi xuống nước với vận tốc hơn 960 km/h sau khi trượt xuống từ độ cao hơn 10.600 m. "Chiếc máy bay không rơi xuống như một hòn đá, nó có thể trượt xuống từ độ cao hơn 10.600 m khoảng 10-12 phút sau khi hết nhiên liệu", người này nói.

"Nó có thể rơi xuống mặt nước với va chạm mạnh, như thể rơi xuống bề mặt bê tông. Không ai có thể sống sót. Có thể có một vụ nổ lớn, cánh máy bay gãy ra và thân phi cơ có lẽ đã chìm thẳng xuống đáy biển", nguồn tin suy đoán.

Có rất ít bằng chứng vững chắc về số phận MH370, vì vậy, rất khó để đưa ra lời giải thích thống nhất và thích đáng. Tuy nhiên, trong thời điểm này, vụ mất tích vẫn sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho các nhà lý luận, trừ khi mảnh vỡ máy bay được tìm thấy và bí ẩn được phơi bày trước ánh sáng.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dam-may-mu-van-bao-phu-may-bay-mh370-sau-4-nam-mat-tich-a221857.html