Đô đốc Mỹ cảnh báo việc bờ biển phía Đông nước này không còn an toàn do tàu ngầm Nga


Thứ 5, 06/02/2020 | 12:09


Cùng sự kiện

Hải quân Mỹ cho rằng bờ biển phía Đông nước này không còn là nơi an toàn do Nga đẩy mạnh hoạt động trên Đại Tây Dương, bao gồm triển khai những tàu ngầm tối tân.

Hải quân Mỹ cho rằng bờ biển phía Đông nước này không còn là nơi an toàn do Nga đẩy mạnh hoạt động trên Đại Tây Dương, bao gồm triển khai những tàu ngầm tối tân.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Yasen của Nga. Ảnh: AP

Tại cuộc họp chung do Viện Hải quân Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cùng phối hợp tổ chức vào ngày 4/2, Phó Đô đốc Andrew Lewis, Tư lệnh Hạm đội 2 Hải quân Mỹ cho biết, đơn vị của ông không còn coi bờ Đông nước Mỹ là địa bàn "không có cạnh tranh" hay là "thiên đường trú ẩn an toàn" cho các tàu chiến và tàu ngầm nữa.

Lý do được đưa ra là bởi hiện nay Nga không ngừng tăng cường hoạt động của các tàu ngầm ở Đại Tây Dương, trong đó có cả việc triển khai tới đây các lớp tàu ngầm tiên tiến hơn, yên tĩnh hơn và có thể trốn tránh sự phát hiện tốt hơn.

Hạm đội 2 được Hải quân Mỹ kích hoạt trở lại vào năm 2018, sau nhiều năm ngừng hoạt động, nhằm đối phó với sự hiện diện của tàu ngầm Nga trên Đại Tây Dương. Đơn vị này đóng quân tại bang Virginia và đạt khả năng vận hành kể từ tháng 12/2019.

"Các tàu ngầm Nga có uy lực lớn hơn bao giờ hết, có khả năng triển khai lâu hơn và mang nhiều vũ khí nguy hiểm. Thủy thủ Mỹ cần xác định họ sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ trong suốt thời gian trên biển", phó đô đốc Lewis cho biết.

Nguồn tin giấu tên từ Lầu Năm Góc cho biết hải quân Mỹ đã triển khai lượng lớn tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay tuần thám hồi mùa thu năm 2019 nhưng không thể tìm thấy tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk thuộc Đề án 855 "Yasen" của Nga khi nó tuần tra ở bắc Đại Tây Dương.

Giới phân tích phương Tây và nhiều sĩ quan cao cấp Mỹ cho rằng tàu ngầm lớp Yasen và Yasen-M là đối thủ đáng gờm nhất của hải quân Mỹ vì độ ồn thấp, tốc độ cao và dàn vũ khí uy lực với 40 tên lửa hành trình 3M-14K đạt tầm bắn trên 2.500 km hoặc tên lửa diệt hạm siêu thanh P-800 Oniks.

Chuyên gia chính sách đối ngoại Bruce Jones của Viện Brookings cũng từng nhận xét: "Biên đội tàu ngầm mà Nga đang triển khai là một thách thức quốc phòng vô cùng to lớn đối với cả Anh, Mỹ nói riêng và khối NATO nói chung".

"Nó cho thấy số lượng tàu chiến của chúng ta đã giảm sút trầm trọng đến mức nào và các hệ thống cảnh báo của chúng ta trên khắp Đại Tây Dương đã bị suy giảm. Đây thực sự là một diễn biến rất nghiêm trọng", ông Bruce Jones nói. 

Mộc Miên (Theo businessinsider.com) 


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/do-doc-my-canh-bao-viec-bo-bien-phia-dong-nuoc-nay-khong-con-an-toan-do-tau-ngam-nga-a310609.html