Hàng chục nghìn nhà nghiên cứu lên tiếng về hiểm họa khó lường của biến đổi khí hậu


Thứ 2, 11/11/2019 | 00:34


Cùng sự kiện

Hơn 11,000 nhà nghiên cứu trên thế giới đã lên tiếng về những hiểm họa khó lường sắp diễn ra của biến đổi khí hậu nếu nhân loại không thay đổi.

Hơn 11,000 nhà nghiên cứu trên thế giới đã lên tiếng về những hiểm họa khó lường sắp diễn ra của việc biến đổi khí hậu nếu nhân loại không thay đổi.

Con người cần thay đổi để ngăn ngừa biến đổi khí hậu

Các nhà nghiên cứu cho rằng họ có "nghĩa vụ đạo đức để lên tiếng về điều này". Phoebe Barnard, một trong số những tác giả chính của bản nghiên cứu và là giám đốc tại Viện sinh học bảo tồn phi lợi nhuận, cho rằng: "Hậu thế sẽ tức giận chúng ta vì đã lờ đi những hiểm họa của biến đổi khí hậu. Đây là một mối đe dọa lớn với nền văn minh nhân loại". 

Đây không phải là lần đầu các nhà nghiên cứu cùng nhau lên tiếng thúc giục con người cần thay đổi để chống biến đổi khí hậu. Vào năm 2017, hơn 16,000 học giả từ 184 quốc gia đã công bố một lá thư cảnh báo về việc con người đang hủy hoại thiên nhiên.

Theo báo cáo mới nhất được công bố trên tạp chí khoa học BioScience, các nhà khoa học đến từ 150 quốc gia trên toàn thế giới khẳng định cuộc khủng hoảng khí hậu liên quan chặt chẽ tới việc tiêu thụ quá mức của những người có lối sống sa hoa. Nhắc lại bài diễn thuyết hùng hồn của cô gái trẻ Greta Thunberg, các học giả đã chỉ trích chính phủ vì đã không hành động vì môi trường.

"Dù các nước đã dành 40 năm để đàm phán về biến đổi khí hậu, chúng ta rốt cuộc vẫn đề cao việc kinh doanh như bình thường và phần lớn không giải quyết được tình trạng khó khăn này" - trích bản báo cáo. 

Các học giả đã liệt kê ra 6 vấn đề chính nếu nhân loại muốn ngăn chặn một viễn cảnh về thảm kịch thiên nhiên kinh hoàng sẽ xảy ra trong tương lai. Nó bao gồm: Thay thế nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm khí thải của các chất ô nhiễm khí hậu như metan, ăn thịt ít hơn, tái tạo và bảo vệ hệ sinh thái, xây dựng một nền kinh tế không carbon, cuối cùng là bình ổn hóa sự tăng trưởng dân số bằng cách đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình và giáo dục cho bé gái.

Theo Phoebe Barnard, những sự thay đổi này không phải là chúng ta "hy sinh", mà là cách để chúng ta biến đổi những điều gây nên sự căng thẳng cho chính mình, ví dụ như là tắc nghẽn giao thông hoặc ô nhiễm không khí.

Minh Hạnh (Theo CNN)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-chuc-nghin-nha-nghien-cuu-len-tieng-ve-hiem-hoa-kho-luong-cua-bien-doi-khi-hau-a299797.html