Học sinh Trung Quốc lạm dụng “thuốc kích thích thông minh” cho kỳ thi đại học


Thứ 7, 22/06/2019 | 03:15


Các bác sĩ Trung Quốc đã cảnh báo học sinh chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học không nên sử dụng “thuốc kích thích thông minh” mua ở thị trường chợ đen vì nguy cơ sức khỏe.

Các bác sĩ Trung Quốc đã cảnh báo học sinh chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học không nên sử dụng “thuốc kích thích thông minh” mua ở thị trường chợ đen vì nguy cơ sức khỏe.

Học sinh Trung Quốc lạm dụng thuốc kích thích giúp giữ tỉnh táo để ôn thi đại học. Ảnh: SCMP

Theo đó, nhiều học sinh Trung Quốc đã và đang sử dụng các loại thuốc không chứa amphetamine để giữ tỉnh táo và tập trung khi bước vào kỳ thi đại học gaokao được mệnh danh là "khắc nghiệt nhất thế giới". Kỳ thi năm nay có hơn 10,3 triệu thí sinh tham dự, diễn ra trong hai ngày 7 và 8/6.

Trên thực tế, những loại thuốc đó thường được dùng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em (ADHD). Nếu không có chỉ định của bác sĩ, việc tự ý dùng thuốc có thể dẫn tới đau đầu, mất ngủ và trí nhớ kém.

Các loại thuốc kích thích tương tự được kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc và người dân chỉ có thể mua được tại các bệnh viện nếu có đơn thuốc của bác sĩ. Tuy nhiên, theo cổng thông tin Jiemian.com, nhiều thí sinh thi và cha mẹ của họ đã mua thuốc trực tuyến từ các nhà cung cấp ở chợ đen ở Ấn Độ.

Một học sinh sử dụng bí danh Liu Yu nói với trang tin tức rằng cậu đã trượt kỳ thi gaokao năm 2018 và đang chuẩn bị cho cuộc thi năm 2019. Sau khi uống chất kích thích Ritalin mỗi ngày một lần trong một tháng, Liu tuyên bố điểm tổng hợp của cậu trong kỳ thi thử gần đây đã cao hơn 30 điểm so với năm ngoái.

Theo nam sinh này, cậu tìm thấy các thông tin chi tiết về nhà cung cấp thuốc trong một nhóm chat có 1.000 thành viên, đều là những người đang tìm kiếm các loại thuốc kích thích thông minh. “Tôi cũng lo lắng về các tác dụng phụ, nhưng gaokao sắp đến rồi, vì vậy tôi nghĩ sẽ ổn nếu bỏ qua rủi ro nhỏ này”, Liu chia sẻ. “Trong tháng đầu tiên dùng thuốc, tôi học từ sáng đến tối muộn nhưng không thấy mệt chút nào. Não tôi cứ hoạt động mãi thôi”.

Tuy nhiên, cuối cùng Liu đã ngừng dùng thuốc sau khi sử dụng hơn 2 tháng. Cậu bị ngã gục trong lớp, báo cáo cho hay mà không giải thích nguyên nhân chi tiết.

Gaokao là kỳ thi "khốc liệt nhất thế giới", khiến nhiều phụ huynh, học sinh bất chấp rủi ro để sử dụng thuốc kích thích. Ảnh: SCMP

Mẹ của một học sinh khác đang chuẩn bị cho kỳ thi nói với cổng thông tin điện tử rằng cô đã đến đại lý chợ đen sau khi các bác sĩ từ chối kê đơn thuốc kích thích cho con mình. “Nếu những đứa trẻ khác dùng loại thuốc này mà con tôi thì không, tôi có thể gặp bất lợi ngay từ đầu”, người phụ nữ giấu tên chia sẻ.

Trong khi đó, ông Xu Jie, giám đốc bộ phận điều trị thuốc tại Bệnh viện Gaoxin Bắc Kinh, cho biết những người dùng thuốc kích thích như vậy sẽ thấy họ làm việc và học tập hiệu quả hơn, nhưng cũng có thể có tác dụng phụ, cụ thể là về thể chất và tinh thần. Tác dụng vật lý bao gồm các vấn đề về dạ dày, gan, thận và tim, cũng như đau đầu.

Ngoài ra, những loại thuốc này cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, khiến người dùng trở nên nhạy cảm và hoang tưởng, luôn lo lắng, trầm cảm hoặc gặp ảo giác.

Ông Xu cho biết, trong hai năm qua, ông đã điều trị cho hơn 60 bệnh nhân gặp phải vấn đề sau khi dùng thuốc kích thích thông minh, hầu hết là học sinh, sinh viên - người trẻ nhất mới chỉ 14 tuổi - và những người mới bắt đầu đi làm. Khoảng 10% trong số họ trở nên phụ thuộc vào thuốc, trong khi 20 – 30% phàn nàn về tác dụng phụ. Một nửa số bệnh nhân sau đó bị hấp dẫn bởi các loại thuốc mạnh hơn.

Mặc dù vậy, nhiều nhà cung cấp trực tuyến quảng cáo rằng các loại thuốc này không có bất kỳ tác dụng phụ nào. “Không có tác dụng phụ nào cả, bạn chỉ cần bổ sung dưỡng chất này với đường”, một người bán giới thiệu sản phẩm trên internet. “Gần đây, khi kỳ thi gaokao đang đến gần, các sản phẩm Armodafinil ngày càng trở nên phổ biến. Tôi đã bán 15 gói một ngày”, một người khác cho biết, đề cập đến sản phẩm kích thích thông minh.

Cơ quan hải quan tại Nam Kinh, Giang Tô xác nhận họ đã chặn được lô hàng có chứa 500 viên Armodafinil từ Ấn Độ trong thời gian gần đây.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-sinh-trung-quoc-lam-dung-thuoc-kich-thich-thong-minh-cho-ky-thi-dai-hoc-a279747.html