Khi phương tiện truyền thông xã hội trở thành một loại vũ khí ở Ấn Độ


Thứ 3, 12/03/2019 | 23:18


Cùng sự kiện

Trong cuộc bầu cử trước đây ở Ấn Độ, phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng như một công cụ nhưng lần này, nó có thể trở thành một loại vũ khí vô cùng hiệu quả.

Trong cuộc bầu cử trước đây ở Ấn Độ, phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng như một công cụ nhưng lần này, nó có thể trở thành một loại vũ khí vô cùng hiệu quả.

Cuộc bầu cử của 900 triệu cử tri

Ấn Độ là một trong những thị trường mạng xã hội lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN

Khoảng 900 triệu người Ấn Độ đủ điều kiện để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử diễn ra từ ngày 11/4 tới đây. Trong đó, nhiều người dự kiến sẽ bỏ phiếu trực tuyến thay vì đi bầu cử trực tiếp. CNN cho rằng, các phương tiện truyền thông xã hội có thể được tận dụng hoặc bị lạm dụng nhằm thao túng cử tri. Ấn Độ là thị trường lớn nhất thế giới cho Facebook (FB) và nền tảng nhắn tin WhatsApp. Đây cũng là một trong những thị trường quan trọng nhất của Twitter (TWTR).

Phương tiện truyền thông xã hội ngày càng bị dè chừng, bị giám sát và vấp phải những câu hỏi về tính bảo mật kể từ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Trong đó, Facebook đặc biệt phải đối mặt với những tranh cãi như tài khoản ảo mà Nga sử dụng để thu hút cử tri cũng như việc công ty nghiên cứu Cambridge Analytica ở Anh trích xuất dữ liệu từ hàng triệu người dùng.

Trong các cuộc bầu cử ở Mexico và Brazil năm 2018 và Nigeria hồi đầu năm 2019, chính phủ các quốc gia đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn lạm dụng mạng xã hội nhưng vẫn có nhiều báo cáo cho rằng WhatsApp được sử dụng để truyền bá tin tức giả trước cuộc bỏ phiếu của Brazil.

Quy mô cuộc bầu cử của Ấn Độ lớn hơn dân số kết hợp của 4 quốc gia kể trên. "Vì xác định được quy mô khổng lồ của cuộc bầu cử nên chúng tôi nghĩ rằng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn thông tin", ông Shivnath Thukral - giám đốc chính sách của Facebook tại Ấn Độ nói với CNN Business. "Chúng tôi đã làm việc trong nhiều tháng và áp dụng các phương pháp khác nhau trên thế giới để đảm bảo rằng không có sự lạm dụng nào trên nền tảng này. Dĩ nhiên, nó sẽ không dễ dàng", ông nói thêm.

Nguy cơ bạo lực

Những năm gần đây, chính trường Ấn Độ vốn thường phải đấu tranh dọc theo các đường lối xã hội và tôn giáo lại liên tục phải chứng kiến ​​sự gia tăng bạo lực đối với các nhóm thiểu số dưới Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi. Mối lo ngại hiện nay là các phương tiện truyền thông xã hội có thể được sử dụng để làm sâu sắc thêm sự phân chia ban đầu, bằng cách sử dụng thông tin sai lệch và kích hoạt bạo lực.

"Khi cuộc bầu cử đến gần, nguy cơ này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn và luôn có khả năng dẫn đến mất mát về người và của”, ông Pratik Sinha - người sáng lập trang web Alt News cho biết. "Trong sức nóng của các cuộc bầu cử, loại thông tin sai lệch như vậy có thể gây ra rất nhiều loại bạo lực", ông nói thêm.

WhatsApp, nền tảng có hơn 200 triệu người dùng ở Ấn Độ trở thành trung tâm của vấn đề. Hơn chục vụ lừa đảo bằng tin nhắn trên ứng dụng này đã được ghi nhận vào năm 2018 mà trong đó các nạn nhân bị cáo buộc sai về các vụ bắt cóc trẻ em.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và lãnh đạo phe đối lập Rahul Gandhi là hai đối thủ chính trong cuộc bầu cử 2019. Ảnh: Getty

Ông Gilles Verniers, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ashoka của Ấn Độ, nói rằng phương tiện truyền thông xã hội đã và đang trở thành "cái loa" để các đảng chính trị khuếch đại thông điệp của họ. "Khi những công cụ đó được sử dụng làm vũ khí, mặc dù không phải là để phục vụ các chiến dịch bôi nhọ hay châm biếm đối thủ nhưng khi nó có thể được sử dụng như một công cụ phân cực xã hội. Thiệt hại đó vượt ra ngoài khuôn khổ của cuộc bầu cử", ông nói thêm.

Thủ tướng Modi có hơn 46 triệu người theo dõi trên Twitter, nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào khác ngoại trừ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập, ông Rahul Gandhi đã thu hút được gần 9 triệu lượt theo dõi kể từ khi sử dụng Twitter vào năm 2015.

"Câu chuyện kể về ai chiến thắng hay thất bại, ai thông minh hay không ... chương trình nghị sự đó được truyền thông xã hội đặt ra theo cách mà truyền hình chưa từng làm trước đây", ông Ravi Agrawal, tác giả của "Kết nối Ấn Độ" nói với CNN.

Trong cuộc bầu cử năm 2014, phương tiện truyền thông xã hội đã được khai thác để đưa ra thông điệp vận động. Lần này, những nguy hiểm đang đến gần. "Theo một cách nào đó, bạn có thể nói rằng các đảng chính trị Ấn Độ rất giỏi trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử của chính họ", ông Verniers nói.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-phuong-tien-truyen-thong-xa-hoi-tro-thanh-mot-loai-vu-khi-o-an-do-a266231.html