Mỹ khẳng định bệ phóng tên lửa hành trình Tomahawk để phòng thủ, không vi phạm INF


Chủ nhật, 10/02/2019 | 11:41


Cùng sự kiện

Quân đội Mỹ cho rằng máy bay không người lái (UAV) không thể được coi là tên lửa và các bệ phóng tên lửa hành trình Tomahawk mặt đất chỉ để phòng thủ.

Quân đội Mỹ cho rằng máy bay không người lái (UAV) không thể được coi là tên lửa và các bệ phóng tên lửa hành trình Tomahawk mặt đất chỉ để phòng thủ.

Mô hình máy bay không người lái trong một sự kiện tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ.

Tuyên bố của Mỹ được đưa ra bởi phái bộ ngoại giao tại NATO vào hôm 8/2/2019.

Trong tuyên bố bằng văn bản của phái bộ Mỹ tại NATO, quân đội Hoa Kỳ cho rằng máy bay không người lái (UAV) của họ không thể được coi là tên lửa và các bệ phóng tên lửa hành trình Tomahawk mặt đất ở châu Âu chỉ để phòng thủ và không thể được sử dụng với mục đích tấn công.

Mỹ khẳng định rằng, những loại tên lửa dùng làm mục tiêu trong diễn tập phòng không như MRT hay Hera hoàn toàn tuân thủ đúng hiệp ước INF. Trong khi đó, hệ thống Aegis trên bộ, được phát triển dựa theo hệ thống phóng Mk-41 trên tàu chiến nhưng vẫn là một hệ thống khác biệt hoàn toàn.

“Aegis Ashore không có chức năng phóng tên lửa đạn đạo hoặc hành trình để tấn công. Cụ thể, hệ thống này thiếu phần mềm, thiết bị và cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác để có thể phóng tên lửa đạn đạo hoặc hành trình tấn công”, tuyên bố của phái đoàn Mỹ tại NATO khẳng định.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper được trang bị tên lửa Hellfire của Không quân Mỹ (trái) và tên lửa Tomahawk được phóng từ mặt đất.

Tuy nhiên, phía Mỹ không lý giải tại sao một hệ thống vũ khí đời mới được thiết kế trên nền tảng một hệ thống khác cũ hơn lại không thừa hưởng những ưu điểm chính của hệ thống đó.

Reuters bình luận rằng, hiện chưa rõ, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu có thể lắp đặt thêm các phần mềm, thiết bị để trở thành vũ khí tấn công được hay không.

Liên quan đến các phi đội UAV của Mỹ ở châu Âu, Hoa Kỳ nhấn mạnh lý giải rằng Hiệp ước INF định nghĩa tên lửa hành trình là cỗ máy “một chiều” còn UAV bay trở về căn cứ, nên chúng không vi phạm thỏa thuận.

Mặc dù vậy, Mỹ không lý giải khả năng UAV có thể được trang bị tên lửa để không kích.

Trước đó, ngày 7/2, Nga đã triệu tập tùy viên quân sự Mỹ để yêu cầu nước này lập tức phá huỷ các bệ phóng Mk-41 dành cho tên lửa Tomahawk phiên bản mặt đất, có tầm bắn khoảng 2.500km và các UAV ở châu Âu nhằm cứu vãn Hiệp ước INF.

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, các bệ phóng thẳng đứng Mk-41 được thiết kế cho mục đích khai hỏa tên lửa hành trình Tomahawk và các loại thiết bị có cùng thông số với các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn bị cấm bởi Hiệp ước INF.

Theo truyền thông Nga, trong hiệp ước INF, tên lửa hành trình được định nghĩa là “phương tiện có thể tự bay không cần người lái mà vẫn duy trì được lực nâng trong phần lớn đường bay”. Định nghĩa này không nhắc gì đến hệ thống vũ khí “một chiều” như Mỹ giải thích.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-khang-dinh-be-phong-ten-lua-hanh-trinh-tomahawk-de-phong-thu-khong-vi-pham-inf-a262407.html