Mỹ, Pháp và những nước cho phép giáo viên đánh đòn, phạt quỳ học sinh


Thứ 5, 08/03/2018 | 06:46


Trong ngành giáo dục hiện đại, các hình phạt về thân thể và danh dự học sinh không còn được khuyến khích nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia châu Á vẫn đang áp dụng.

Trong ngành giáo dục hiện đại, các hình phạt về thân thể và danh dự học sinh không còn được khuyến khích nhưng trên thực tế, nhiều quốc gia châu Á vẫn đang áp dụng.

Singapore

Tại đảo quốc sư tử, hình phạt bằng roi được coi là hợp pháp ở hầu hết các trường học. Đến tháng 4/2017, theo một khảo sát của chính phủ, 53% các trường trung học và 13% các trường tiểu học công khai trên website sẽ áp dụng hình phạt này để phụ huynh có thể tham khảo.

Một thầy giáo Singapore đang phạt đòn một học sinh nam trong lớp - Ảnh: Corpun

Luật Giáo dục Singapore quy định rất chặt chẽ các mức vi phạm nội quy cần phải phạt roi, khi phạt cần 1 nhân chứng. Sau đó, toàn bộ thông tin về trường hợp bị phạt sẽ được lưu lại trong kho dữ liệu của hiệu trưởng. Singapore cũng là một trong thiểu số các quốc gia vẫn duy trì hình phạt cho các tội phạm nhẹ như trộm cắp hay lao động bất hợp pháp bằng roi.

Malaysia

Là một quốc gia Hồi giáo với sắc dân đa chủng tộc, nền giáo dục quốc gia này cần phải hòa hợp nhiều sự khác biệt sâu sắc về tín ngưỡng. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New Straits Time, Chủ tịch Hiệp hội Ngành Giảng dạy Malaysia Kamarozaman Abd Razak cho biết: “Dù hình phạt thân thể là điều không nên khuyến khích nhưng hiện nay, đó vẫn là điều không thể với các giáo viên phải quản lý các lớp học có sĩ số ngày càng tăng”.

Nền giáo dục Malaysia gặp nhiều khó khăn trong việc hài hòa các khác biệt về tôn giáo - Ảnh: AsianParent

Tương tự như Singapore, khi phạt roi một học sinh, giáo viên phải đám bảo roi không chạm trực tiếp trên da, 2 nhân chứng bao gồm học sinh và giáo viên cũng như quá trình xử lý sau khi phạt. Hầu hết các trường học tại đây đều có phòng tư vấn tâm lý để giải thích cho những học sinh bị phạt lỗi các em đã mắc phải.

Hàn Quốc

Tháng 8/2010, Giám đốc Sở Giáo dục Seoul đã ban hành một luật cấm với mọi hình thức về thân thể trong lớp học. Sau đó 2 tháng, luật này được tỉnh Gyeonggi áp dụng và đã nhanh chóng tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc (KAFTA).

Trong một khảo sát đầu năm 2011 của tờ Yonhap, hơn 60% giáo viên cho biết đó là quyết định không thể thực hiện khi áp lực điểm số và quy mô lớp học ngày càng lớn. Đó cũng là lý do đến nay, luật cấm các hình phạt thân thể tại trường học chỉ có hiệu lực tại Seoul và Gyeonggi.

Hình ảnh nam sinh yêu cầu giáo viên phải quỳ xuống xin lỗi tại Hàn Quốc - Ảnh: KoreaBang

Năm 2012, vụ việc 2 nam học sinh lớn tiếng và yêu cầu một giáo viên sinh học phải quỳ xuống xin lỗi ngay trong lớp đã khiến dư luận phẫn nộ và yêu cầu cảnh sát cần có sự hỗ trợ đối với các giáo viên bậc trung học.

Nhật Bản

Luật Giáo dục Nhật Bản năm 1947 đã quy định cấm hình thức phạt về thân thể đối với học sinh. Tuy nhiên, một phán quyết từ tòa án tối cao Tokyo năm 1984 cho biết điều luật này không cấm các hình phạt khác bao gồm đứng trong lớp, quỳ gối hay chép phạt.

Các hình phạt như quỳ gối, trực nhật hay ra khỏi lớp rất phổ biến ở Nhật Bản và được phụ huynh chấp nhận - Ảnh: Pamfleti


Là quốc gia nổi tiếng về tính kỷ luật trong học tập và công việc, không ngạc nhiên khi kết quả một cuộc khảo sát năm 2017 của tổ chức Save the Children khẳng định hơn 70% phụ huynh Nhật Bản cảm thấy hình phạt bằng roi là “có thể chấp nhận” và “nên áp dụng trong các trường hợp đặc biệt”.

Châu Âu và Mỹ

Danh sách 19 bang hợp pháp hóa hình phạt về thân thể tại trường học - Ảnh: Wiki

Theo một tài liệu của Văn phòng Nhân quyền Mỹ, hiện nay, 19 bang tại quốc gia này cho phép hình phạt về thân thể với học sinh. Ở châu Âu, Pháp và CH Séc là hai quốc gia cuối cùng vẫn duy trì tính hợp pháp của hình phạt này.

 Thu Phương

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-phap-va-nhung-nuoc-cho-phep-giao-vien-danh-don-phat-quy-hoc-sinh-a221858.html