Mỹ rút khỏi hiệp ước INF, đẩy trách nhiệm về phía Nga


Thứ 6, 02/08/2019 | 15:38


Cùng sự kiện

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận việc Mỹ rút khỏi hiệp ước INF và cáo buộc Nga là bên "chịu trách nhiệm duy nhất" về sự sụp đổ của hiệp định năm 1987.

INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev. Hiệp ước cấm triển khai vũ khí hạt nhân trên mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.

“Việc Nga không tuân thủ hiệp ước gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích tối cao của Mỹ, khi Moscow phát triển hệ thống tên lửa vi phạm hiệp ước, tạo nên mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ và các đồng minh”, ông Pompeo nói.

Cùng ngày, Nga cũng thông báo chính thức chấm dứt hiệp ước INF. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Vào ngày 2/8/2019, dựa trên hành động của Mỹ, hiệp ước giữa Liên Xô cũ và Mỹ về việc loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung... đã chấm dứt".

Reuters trước đó trích dẫn tuyên bố của một số quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump nói rằng thử nghiệm ban đầu về tên lửa tầm trung thông thường theo kế hoạch của Mỹ sẽ được tiến hành trong những tháng tới.

Các nguồn tin cho rằng Matxcơva triển khai "nhiều tiểu đoàn" của tên lửa hành trình Nga trên khắp đất nước bao gồm cả ở miền Tây nước Nga với khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng của châu Âu và điều này là vi phạm hiệp ước".

Trong khi đó, Moscow phủ nhận việc vi phạm hiệp ước INF, đồng thời cáo buộc Washington tạo ra cái cớ vô lý để rút khỏi INF và phát triển tên lửa mới. Nga cũng từ chối yêu cầu của Mỹ về việc loại bỏ tên lửa Novator 9M729 mà Mỹ và NATO cáo buộc vi phạm INF.

Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trước sự quan ngại về sự sụp đổ của INF, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mạnh mẽ khuyến khích Mỹ và Nga gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START) duy nhất còn tồn tại giữa hai cường quốc để không “khép lại cánh cửa” đàm phán về các biện pháp kiểm soát vũ khí trong tương lai.

Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011, đặt ra mức giới hạn triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược. Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021, song có thể được tiếp tục gia hạn thêm 5 năm nếu như hai bên cùng nhất trí.

Vi An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-rut-khoi-hiep-uoc-inf-day-trach-nhiem-ve-phia-nga-a287070.html