Những ưu điểm đáng kinh ngạc của các xe tăng Nga


Thứ 6, 26/04/2019 | 01:00


Cùng sự kiện

Những ưu điểm truyền thống của khí tài chiến đấu do Liên Xô và Nga sản xuất – đó là khả năng bảo dưỡng và vận hành đơn giản, cũng như tính ổn định cao.

Những ưu điểm truyền thống của khí tài chiến đấu do Liên Xô và Nga sản xuất – đó là khả năng bảo dưỡng và vận hành đơn giản, cũng như tính ổn định cao. 

Lớp giáp cứng, và chạy nhanh

Ngày nay, chiếc xe tăng thương mại thành công nhất trên thế giới chính là cỗ máy của Nga – đó là chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK (SK – phiên bản trạm chỉ huy), cũng như phiên bản nâng cấp T-90MS với các tính năng kỹ-chiến thuật cao đang dần chiếm lĩnh thị trường.

Không một chiếc xe tăng hiện đại của phương Tây nào trong thế kỷ XXI có thể tự hào được bán ra với số lượng lớn như chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S của Nga. Yếu tố chính, mà biến chiếc xe tăng này trở nên được ưa chuộng trên thị trường, là tỷ lệ “giá thành-chất lượng”.

Các xe tăng do Nga sản xuất giành được chiến thắng trước các đối thủ cạnh tranh của mình về chỉ số này. Về số lượng các đơn đặt hàng, chỉ có hai cỗ máy - là “Leopard-2” của Đức và “Abrams” của Mỹ có thể cạnh tranh được với T-90.

Hiện nay, các xe tăng T-90S được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ấn Độ đang sở hữu số lượng lớn các xe tăng này (hơn 1000 chiếc), đồng thời ban lãnh đạo quân đội của quốc gia này sẵn sàng tăng số lượng các cỗ máy chiến đấu trên bằng việc mua những xe tăng T-90MS mới, cũng như bằng việc nâng cấp các cỗ máy hiện có.

Các xe tăng T-90S cũng đang được quân đội Azerbaizan, Algeria, Iraq, Syria, Uganda và một loạt các quốc gia khác sử dụng. Khách hàng mới nhất của khí tài này chính là Iraq.

 Т-90S tại Iraq. 

Mới đây vài ngày, ông Mikhail Petukhov, phó giám đốc Cơ quan hợp tác kỹ thuật-quân sự liên bang (FSVTS) chia sẻ với các phóng viên rằng, Nga đã thực hiện đầy đủ bản hợp đồng cung cấp các xe tăng T-90 cho một số quốc gia.

Cũng theo bản báo cáo công bố, thêm 73 cỗ máy đã được quân đội Iraq mua (có thể, Iraq đã đặt số lượng lớn hơn – tới vài trăm chiếc). Vào năm 2018, Iraq chính thức xác nhận việc tiếp nhận 39 chiếc T-90S đầu tiên.

Thêm nữa, quân đội Iraq chuyển Sư đoàn cơ giới số 35 từ các xe tăng M1 Abrams của Mỹ sang những xe tăng do Nga sản xuất. Theo các chuyên gia quân sự ở Mỹ, sự lựa chọn của quân đội Iraq nghiêng về khí tài chiến đấu của Nga là cú đánh thẳng vào hình ảnh của các xe tăng Mỹ.

Về phần mình, các chuyên gia Nga nói rằng, hiệu quả sử dụng trong cuộc chiến tranh Syria, nơi các xe tăng Nga đã chứng tỏ được khả năng sinh tồn cao trong các điều kiện chiến đấu thực tế, mang ý nghĩa quyết định của sự lựa chọn những xe tăng chiến đấu chủ lực Nga.

Những ưu thế cạnh tranh của các xe tăng chiến đấu của lực T-90S

Các ưu điểm chính của khí tài thiết giáp do Nga sản xuất thông thường gồm giá thành của nó và tiêu chí giá thành-hiệu quả, và ở đây nó không có đối thủ. Xe tăng T-90S có mức giá bán cho các khách hàng nước ngoài vào khoảng 1,9-2,5 triệu USD, còn phiên bản nâng cấp sâu T-90MS, mà hiện đang được Kuwait và Ai Cập để mắt tới, có giá thành vào khoảng 4-4,3 triệu USD.

Đây là mức thấp hơn nhiều mức giá của các xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây chế tạo, mà không thể mua được với giá thấp hơn 6 triệu USD. Chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A6 mới của Đức bán cho các khách hàng nước ngoài với giá 6,79 triệu USD, còn phiên bản hiện đại hơn, Leopard 2 A7+, có mức giá lên tận 10 triệu USD. Ở đây cần phải nhấn mạnh rằng, các xe tăng Leopard 2 xuất khẩu khá chạy, nhưng đó là các cỗ máy phiên bản cũ của quân đội Đức được bán tháo sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc.

Phần lớn “Leopard 2” được chuyển giao cho các khách hàng từ kho bảo quản, chứ không phải những cỗ máy mới xuất xưởng. Xe tăng “Abrams” của Mỹ cũng vậy. Cỗ máy này quá đắt, bởi vậy đa số các nước chỉ mua nó của quân đội Mỹ sau khi đã được đại tu. Chiếc xe tăng phiên bản M1A2 SEP Abrams có mức giá không dưới 8,6 triệu USD.

T-90 tại buổi tập dượt cho Lễ duyệt binh Chiến thắng tại Alabino (Nga)

Ưu thế quan trọng của các xe tăng T-90S – đây là cỗ máy chiến đấu gọn nhẹ, khác biệt bởi trọng lượng nhẹ hơn so với các đối thủ cạnh tranh của mình. Chiếc xe tăng chỉ nặng 46,5 tấn, điều giúp người ta dễ dàng vận chuyển nó bằng xe lửa, cũng như máy bay, giảm bớt các yêu cầu đối với tải trọng của cầu cống – những thứ mà có thể trở thành rào cản đối với các xe tăng do phương Tây chế tạo.

Lấy ví dụ, trọng lượng chiến đấu của chiếc xe tăng M1A2 SEP Abrams hơn 65 tấn, còn Leopard 2A6 của Đức nặng 63 tấn, còn phiên bản Leopard 2 A7+ còn gần 70 tấn. Trong khi đó, phiên bản nâng cấp sâu của T-90 – xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga T-90MS, dù có “tăng cân” nhưng vẫn không vượt qua mốc 50 tấn, trọng lượng chiến đấu của nó là 48 tấn. T-90S còn có mức độ gọn nhẹ.

Chiều cao của nó chỉ ở mức 2,23m, của Abrams – 2,44m, còn của Leopard-2 – 2,79m. Cả hai chiếc cuối cùng vừa to hơn về chiều ngang và dài hơn về chiều dọc so với cỗ máy của Nga. Nhờ sự gọn nhẹ, cỗ xe tăng Nga dễ dàng tìm được nơi ẩn náu trên chiến trường.

Thông thường người ta cho rằng, những ưu thế chủ yếu của các xe tăng phương Tây Abrams và Leopard 2 là khả năng sinh tồn của chúng. Nhưng những chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Iraq và Syria trong vài năm gần đây chứng tỏ rằng những xe tăng này bị kẻ địch dễ dàng tiêu diệt bằng các tổ hợp tên lửa chống tăng do Nga và thậm chí do Liên Xô sản xuất. Trong khi đó, các xe tăng T-90S của Nga chứng tỏ khả năng này rất tốt tại Syria.

Tất nhiên, kích thước gọn nhẹ của cỗ xe tăng sẽ kéo theo cả những khiếm khuyết như không gian bố trí rất hẹp, gồm cả khoang động cơ. Hệ thống nhiên liệu của T-90 rất dễ bị tổn thương khi lớp chống đạn bị xuyên thủng, các bình nhiên liêu một phần tiếp giáp với khoang chiến đấu và một phần nằm ở phía mũi xe.

Vấn đề liên quan tới việc vũ khí, nhiên liệu và tổ lái trong cùng một nơi cũng được kỹ sư trưởng khí tài thiết giáp của nhà máy “Uralvagonzavod”, ông Vladimir Nevolin, thừa nhận.

Vấn đề này một phần được giải quyết bằng việc bố trí trên các xe tăng hệ thống dập lửa khẩn cấp, cách ly các bình nhiên liệu với tổ lái. Một trong những phương pháp chống lại khả năng cháy nổ của các xe tăng dòng T-72 và T-90 là việc lắp đặt máy nạp đạn tự động với lớp tăng cường chống đạn và đưa một phần đạn dược xuống phần sàn của đuôi tháp pháo trên những xe tăng T-90MS.

Thực ra giải pháp này không phải là liều thuốc chữa bách bệnh, bởi vì thực tiễn tại Syria cho thấy các xe tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn hạ do khu vực cất giữ đạn dược bị kích nổ, khiến phần thân bị hư hỏng và tháp pháo bị văng ra.

Mặt cắt của xe tăng Abrams M1A1 và T-90

Thông thường, các ưu thế của xe tăng Nga gồm khả năng hoạt động đa địa hình và tính cơ động. T-90S thậm chí còn được gọi là “xe tăng bay” nhờ những cú nhảy của mình trong phần biểu diễn tại các triển lãm vũ khí quốc tế. Nhưng trên thực tế, theo chỉ số công suất phân bổ, các xe tăng T-90S với động cơ 1000 mã lực thua kém các đối thủ cạnh tranh do phương Tây sản xuất với động cơ công suất 1500 mã lực.

Theo chỉ số này, chỉ phiên bản T-90MS với động cơ mạnh nhất V-92S2F tạo ra 1130 mã lực mới có thể so sánh được với “Leopard” và “Abrams”. Phiên bản này cũng giải quyết được một khiếm khuyết nghiêm trọng từng có trên các phiên bản T-90 thế hệ trước – đó là vận tốc lùi tối đa tăng lên thành 30km/h, trong khi vận tốc lùi của các xe tăng T-90 với hộp số cơ (7+1) chỉ giới hạn ở mức 5km/h.

Điều không thể lấy đi của các xe tăng Nga đó là khả năng vượt qua các rào cản nước. Các xe tăng này có thể vượt qua hố nước có độ sâu lên tới 1,8m, còn khi sử dụng thiết bị điều khiển xe tăng lặn – có thể vượt qua các rào cản nước với độ sâu lên tới 5m và rộng tới 1000m.

Ưu điểm của các xe tăng dòng T-90S của Nga - đó là tổ lái ít hơn một người. Đối với chiếc xe tăng này chỉ cần 3 lính xe tăng được huấn luyện thuần thục là đủ, bởi vì nó được trang bị máy nạp đạn tự động.

Máy nạp đạn tự động có thể coi là một điểm cộng, nó biến cỗ máy trở nên gọn nhẹ hơn khi giảm khối lượng phải chống đạn, bảo đảm tốc độ bắn tốt và giảm chi phí đào tạo nhân sự.

Trong khi đó, các tổ lái của “Leopard” và “Abrams” gồm 4 người, tính cả lính nạp đạn. Máy nạp đạn tự động cũng được trang bị trên các xe tăng chiến đấu chủ lực “Leclerc” của Pháp, nhưng cỗ xe tăng này được coi là đắt đỏ và không được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Khách hàng nước ngoài duy nhất đang vận hành cỗ máy chiến đấu của Pháp là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.


Tuy nhiên, về sức mạnh hoả lực cỗ xe tăng Nga không hề thua kém các đối thủ cạnh tranh nước ngoài mang khẩu pháo nòng trơn 120mm của mình. Các chỉ số đạn đạo của những khẩu pháo này rất giống nhau, bởi vậy hiệu quả thực sự của chúng phần lớn được xác định bởi các loại đạn sử dụng.

Và ở đây ưu thế của chiếc xe tăng Nga đó là một loạt các loại đạn 125mm, gồm đạn phá nổ để chống lại các tuyến phòng thủ của địch và bộ binh ẩn náu tại các toà nhà và công trình.

Một yếu tố không kém phần quan trọng - đó là khả năng sử dụng đạn có điều khiển. Khả năng sử dụng tổ hợp điều khiển vũ khí của xe tăng “Reflex-M” là một điểm cộng lớn đối với toàn bộ dòng xe tăng T-90. Các tên lửa chống tăng điều khiển “Invar-M1”, mà có thể dùng để bắn từ khẩu pháo nòng trơn 125m của các xe tăng Nga, tiêu diệt được các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 5km (trong khi tầm bắn hiệu quả thông thường của loại đạn xuyên giáp này chỉ giới hạn ở mức 2-3km).

Việc các khách hàng mua khí tài chiến đấu của Nga thường là những quốc gia trước đây từng mua hoặc tiếp nhận khí tài do Liên Xô sản xuất, cũng mang ý nghĩa quan trọng, bởi vì họ có thể sở hữu một lượng dự trữ đạn 125mm mà những xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại của Nga có thể sử dụng. Trong khi nếu chuyển sang các xe tăng do phương Tây sản xuất thì họ sẽ phải dùng đạn 120mm, khiến tốn kém thêm chi phí.

Xe tăng Т-90MS

Những ưu điểm truyền thống của khí tài chiến đấu do Liên Xô và Nga sản xuất – đó là khả năng bảo dưỡng và vận hành đơn giản, cũng như tính ổn định cao. Sự đơn giản trong quá trình bảo dưỡng và tiết kiệm trong quá trình vận hành các cỗ máy chiến đấu là tiêu chí có sức nặng trong quá trình lựa chọn khí tài thiết giáp, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.

Khi tiến hành sửa chữa, xe tăng T-90S sẽ quay trở lại chỉ sau 2-3 tiếng đồng hồ. Sau khi chạy được 2,5 nghìn km, dự kiến sẽ tiến hành bảo dưỡng kỹ thuật kéo dài 12 tiếng đồng hồ, đại tu được thực hiện sau 11 nghìn km. Đây là những chỉ số rất tốt đối với khí tài bánh xích hạng nặng.

Nam Hiếu (Theo topwar.ru)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-uu-diem-dang-kinh-ngac-cua-cac-xe-tang-nga-a271993.html