Tập đoàn Trung Quốc cải tạo Biển Đông: Từ cáo buộc hối lộ đến phá hoại môi trường


Thứ 6, 28/08/2020 | 07:40


Công ty Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC) mới đây đã bị Mỹ trừng phạt vì liên quan tới việc cải tạo tại Biển Đông.

"Ông lớn" trong ngành xây dựng Trung Quốc, Công ty Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC) mới đây đã bị Mỹ trừng phạt vì liên quan tới việc cải tạo tại Biển Đông. 

Tối 26/8, công ty Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC) đã bị liệt vào danh sách các công ty bị Mỹ trừng phạt do có liên quan tới hoạt động cải tạo của Bắc Kinh trong khu vực Biển Đông. CCCC được biết đến là "ông lớn" trong ngành dây xựng. Đây là nhà thầu cho nhiều công trình hạ tầng bao gồm các vành đai và cung đường trên thế giới. 

Trước đó, CCCC từng gặp không ít khó khăn khi phải nhận một loạt các cáo buộc tham nhũng, phá hoại môi trường và gian lận. Cụ thể, năm 2009, CCCC từng bị Ngân hàng Thế giới (World Bank) liệt vào "danh sách đen" vì nghi ngờ gian lận trong quá trình đấu thầu hợp đồng đường cao tốc ở Philippines. 

Tin thế giới - Tập đoàn Trung Quốc cải tạo Biển Đông: Từ cáo buộc hối lộ đến phá hoại môi trường

Công ty CCCC từng nhận nhiều cáo buộc liên quan đến tham nhũng, phá hủy môi trường và gian lận trong đấu thầu. Ảnh: China Daily

Chưa hết, CNBC còn cho biết công ty con của CCCC bị cáo buộc đưa hối lộ một cựu lãnh đạo Sri Lanka Mahinda Rajapaksa vào năm 2015. Năm 2019, Malaysia đã phải tạm dừng hai dự án đường sắt do CCCC làm chủ đầu tư do lo ngại tham nhũng. Vấn đề tương tự cũng xảy ra tại công trình ở Bangladesh và Sri Lanka. 

Cũng trong năm 2019, chính phủ Australia từng công bố một cuộc điều tra nhằm vào công ty con của CCCC sau cáo buộc buông lỏng giám sát quá trình xây dựng bệnh viện nhi, khiến nguồn nước cung cấp bị nhiễm độc chì. Tuy nhiên, đại diện CCCC đã phủ nhận cáo buộc và sự liên quan tới công trình bệnh viện trên. 

Dự án của CCCC tại Colombo thì vấp phải loạt phản đối của các nhà hoạt động môi trường. Trong khi đó, tại Canada, CCCC từng bị chặn hồi tháng 5/2019 khi có ý định mua lại một công ty khác, gây lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. 

Andrew Davenport, Giám đốc điều hành Tập đoàn RWR Advisory, cho biết: "Mục đích của CCCC có vẻ là nhằm vào việc các quốc gia cảm thấy thế nào khi có một pháp nhân nước ngoài tham gia vào tài sản chiến lược và các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của họ".

Chia sẻ với kênh truyền hình Bloomberg về những vấn đề trên, Chủ tịch CCCC Liu Qitao cho biết, hầu hết những lý do các quốc gia đưa ra về sự thay đổi đột ngột dự án đều là vấn đề tham nhũng. Qua đó, ông Liu khẳng định CCCC tuân thủ luật pháp địa phương và các quy định về môi trường ở tất cả các quốc gia nơi công ty này hợp tác. Bên cạnh đó, công ty cũng giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng của các công ty con. Tuy nhiên, đại diện CCCC không đưa ra bình luận nào về vấn đề Biển Đông. 

Chủ tịch CCCC Liu Qitao đã phủ nhận những cáo buộc chống lại công ty. Ảnh: Bloomberg

Năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã sáp nhập hai công ty thuộc sở hữu nhà nước là China Harbour Engineering và China Road and Bridge để thành lập CCCC. Hiện nay, công ty CCCC sở hữu hơn 60 công ty con và 120.000 nhân viên, trong đó có một công ty thiết kế giàn khoan dầu ở Texas (Mỹ), và một trong những đơn vị bất động sản là đồng phát triển của dự án Grand Avenue do Frank Gehry thiết kế ở Los Angeles (Mỹ). 

Minh Hạnh (Theo Bloomberg)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-doan-trung-quoc-cai-tao-bien-dong-tu-cao-buoc-hoi-lo-den-pha-hoai-moi-truong-a336787.html