Tiết lộ lý do thực sự khiến nhân loại bắt đầu di chuyển bằng hai chân


Thứ 4, 29/05/2019 | 15:09


Cùng sự kiện

Các nhà khoa học cho biết sự gia tăng bức xạ dẫn đến sấm sét gây cháy rừng, khiến việc thích ứng với môi trường trở nên quan trọng, buộc nhân loại di chuyển bằng hai chân

Các nhà khoa học cho biết sự gia tăng bức xạ dẫn đến sấm sét gây cháy rừng, khiến việc thích ứng với môi trường trở nên quan trọng, buộc nhân loại di chuyển bằng hai chân.

Loài người đã đi đứng bằng hai chân từ hàng triệu năm trước. Ảnh: Getty

Đó là bước nhảy tiến hóa quan trọng giúp xác định vị trí của loài. Trong khi những loài vượn khác lảng vảng bằng cả bốn chân, tổ tiên của loài người đã vươn lên bằng hai chân và, từ vị trí cao cả đó, tiếp tục chinh phục toàn bộ thế giới.

Những lợi ích của việc đứng bằng 2 chân đã nhiều lần được mang ra thảo luận nhưng lý do khiến tổ tiên của loài người đi thẳng vẫn chưa được xác định. Gần đây, trong một đề xuất cấp tiến, các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng sự can thiệp của vũ trụ, cụ thể là sự kiện một loạt các ngôi sao nổ tung có thể là nguyên nhân hàng đầu.

Theo các nhà nghiên cứu, một loạt các ngôi sao ở góc dải Ngân hà của chúng ta đã phát nổ khoảng 7 triệu năm trước và tiếp tục trong hàng triệu năm nữa. Các siêu tân tinh đã thổi tia vũ trụ mạnh mẽ theo mọi hướng. Trên Trái Đất, bức xạ phát ra từ vụ nổ thảm khốc đã đạt đến đỉnh điểm khoảng 2,6 triệu năm trước.

Các nhà khoa học cho rằng sự gia tăng của bức xạ đã gây ra một chuỗi các sự kiện. Khi các tia vũ trụ đập vào hành tinh, chúng làm ion hóa bầu khí quyển và khiến nó trở nên dẫn điện hơn. Điều này có thể đã làm tăng tần suất của các vụ sét đánh, khiến xảy ra các đám cháy dữ dội khắp các khu rừng châu Phi và mở đường cho đồng cỏ. Hậu quả là cây cối bị giảm nghiêm trọng, khan hiếm thức ăn đã khiến tổ tiên của loài người phải thay đổi để thích nghi, cụ thể là chuyển sang đi bằng hai chân.

Vụ nổ của các ngôi sao trong vũ trụ có thể là nguyên nhân khiến loài người thay đổi để thích nghi. Ảnh: Getty

Trong lịch sử tiến hóa của loài người, việc đi bộ thẳng đứng có niên đại ít nhất 6 triệu năm từ Sahelanthropus - một loài cổ xưa có cả đặc điểm của vượn và người được phát hiện từ hóa thạch được tìm thấy ở Chad. Một lý thuyết nổi bật là biến đổi khí hậu đã biến đổi cảnh quan, để lại thảo nguyên ở nơi từng là khu vực toàn cây cối thẳng đứng.

Một trong những tác giả của nghiên cứu, giáo sư Adrian Melott thuộc Đại học Kansas cho biết họ hàng của con người cổ đại đã đứng thẳng trước khi chịu ảnh hưởng của bất kỳ siêu tân tinh nào được ghi nhận. Tuy nhiên, ông tin rằng các vụ nổ vẫn đóng một vai trò quan trọng.

Các nhà khoa học tính toán, các tia vũ trụ từ một ngôi sao phát nổ cách Trái Đất khoảng 164 năm ánh sáng sẽ làm tăng sự ion hóa của khí quyển gấp 50 lần. Các tia vũ trụ làm ion hóa bầu khí quyển khi chúng đánh bật các electron ra khỏi các nguyên tử và phân tử mà chúng đập vào không khí. Các tia vũ trụ thường chỉ làm ion hóa tầng trên của bầu khí quyển, nhưng những tia cực mạnh từ siêu tân tinh gần đó có thể xuyên qua toàn bộ chiều sâu của khí quyển, làm ion hóa nó xuống mặt đất và gây ra sấm sét.

Nếu các nhà khoa học đúng, siêu tân tinh trong tương lai có khả năng gây ra nhiều vụ cháy rừng trên Trái Đất. Tuy nhiên, hành tinh của chúng ta vẫn an toàn cho thời điểm này. Ngôi sao gần nhất sẽ nổ tung trong 1 tỷ năm tới là Betelgeuse - một trong những ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Orion, nằm cách xa 642 năm ánh sáng.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Guardian)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tiet-lo-ly-do-thuc-su-khien-nhan-loai-bat-dau-di-chuyen-bang-hai-chan-a277584.html