Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 23/8: "Nỗi kinh hoàng" của khủng bố IS tại Syria


Chủ nhật, 23/08/2020 | 02:21


Cùng sự kiện

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 23/8: "Nỗi kinh hoàng" của khủng bố IS tại Syria; S-400 Nga "tóm sống" máy bay tàng hình của Anh;...

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 23/8: "Nỗi kinh hoàng" của khủng bố IS tại Syria; S-400 Nga "tóm sống" máy bay tàng hình của Anh;...

"Nỗi kinh hoàng" của khủng bố IS tại Syria

Dàn pháo phản lực TOS-1A khai hỏa trong một buổi diễn tập. Nguồn: TV Zvezda

Trong cuộc chiến tại Syria, pháo phản lực đa nòng TOS-1A đóng vai trò không nhỏ trong chiến thắng của quân chính phủ trước tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ý tưởng về pháo phản lực đa nòng hạng nặng tầm ngắn từng xuất hiện cuối thập niên 1970 tại Liên Xô. Những mẫu ban đầu đã được phát triển tại Phòng thiết kế Omsk Transmash vào đầu thập niên 1980 với tên gọi TOS-1. Tới 2003, phiên bản nâng cấp TOS-1A được ra đời.

Do hệ thống pháo TOS-1A sử dụng chung khung gầm xe tăng T-72, nên xe có trọng lượng 46 tấn; chiều dài 9,5m; chiều rộng 3,6m; cao 2,2m. Kíp chiến đấu gồm 3 người.

TOS-1A có tầm bắn thấp nhất và xa nhất lần lượt ở các cự ly 400m và 6km. Pháo này có tốc độ bắn 30 viên trong vòng 15 giây, nhờ vậy có thể khai hỏa về phía mục tiêu một cách nhanh chóng và rút lui trước khi đối phương kịp đáp trả.

TOS-1A được trang bị động cơ diesel V12, công suất 840 mã lực, nhờ vậy vận tốc xe có thể đạt 65 km/giờ ở địa hình bằng phẳng. Theo trang Military Today, tầm hoạt động của xe có thể lên tới hơn 550km.

TOS-1A sử dụng tên lửa cỡ 220mm. Khi tên lửa này phát nổ, một số chất hóa học gây cháy sẽ được bung ra trong một phạm vi giới hạn. Những chất này sẽ đốt cháy trong chớp mắt toàn bộ ôxy trong không gian hẹp với nhiệt độ lên tới 1.000°C, nhằm tiêu diệt bộ binh đối phương đang trú ẩn trong các công sự, hầm ngầm hoặc hang động.

Phiên bản đầu, TOS-1 từng được sử dụng bởi quân đội Liên Xô trong cuộc chiến chống lại tổ chức Mujahideen tại thung lũng Panshir tại Afghanistan. Về sau, phương tiện chiến đấu này cùng phiên bản nâng cấp TOS-1A lần lượt góp mặt trong các cuộc chiến chống lực lượng ly khai Chechnya tại Nga, cũng như IS tại các vùng thuộc Syria và Iraq.

S-400 Nga "tóm sống" máy bay tàng hình của Anh

Hệ thống S-400 Nga triển khai tại Syria. Ảnh: TASS.

Theo thông tin từ trang Avia-pro, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf được Quân đội Nga triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim ở miền Tây Syria đã phát hiện được các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II của Không lực Hoàng gia Anh đang bay tới căn cứ Akrotiri ở Đảo Síp.

Cụ thể, tổ hợp S-400 được bố trí bên trong căn cứ không quân Hmeimim của Nga chỉ nằm cách sân bay quân sự Akrotiri của Không lực Hoàng gia - nơi máy bay chiến đấu tàng hình F-35 hạ cánh chỉ vỏn vẹn 280 km.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng có tính đến thực tế là khi tiêm kích tàng hình Anh bay ở độ cao vài km, radar của S-400 đã phát hiện ra tốp F-35 từ cự ly khoảng 30 - 40 km trước khi chúng tiếp cận căn cứ không quân của Quân đội Anh, tức là phạm vi bị nhận biết vào khoảng trên 300 km.

Với khả năng theo dõi thụ động mục tiêu khí động học, những phi công lái máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Anh có thể hoàn toàn không biết rằng họ đang phải chịu sự giám sát từ radar cảnh giới của tổ hợp phòng không tầm xa S-400 Triumf.

Tuy nhiên điều quan trọng hơn nhiều là thực tế từ khoảng cách xa như vậy, S-400 vẫn có đủ điều kiện để tiến hành vụ phóng tên lửa mô phỏng, điều này cho thấy rằng Triumf từ lâu đã được thử nghiệm đầy đủ trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, và chính vì lý do này mà Quân đội Nga tuyên bố rằng đây là tổ hợp phòng thủ tiên tiến nhất trên thế giới, trang Avia-pro nói rõ.

Cần nhắc lại rằng đây đã là lần thứ hai tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II của Không lực Hoàng gia Anh hiển thị rõ trên màn hình radar của S-400 Triumf, nhưng đáng ngạc nhiên là phía London lại không tỏ ra quá lo lắng trước thực tế trên.

Nga có hệ thống súng phun lửa hạng nặng vào cuối năm

Hệ thống TOS-2 là bản nâng cấp hiện đại hơn của TOS-1A, hứa hẹn sẽ lên chiến trường Syria. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, hệ thống súng phun lửa hạng nặng TOS-2 'Tosochka' mới nhất sẽ đến tay quân đội Nga vào cuối năm nay.

“Hệ thống súng phun lửa hạng nặng TOS-2 mới, tăng tầm bắn và hỏa lực, sẽ được đưa vào trang bị cho quân đội vào cuối năm”, ông Sergei Shoigu cho biết tại cuộc họp hội đồng của Bộ Quốc phòng Nga.

Trong cuộc diễn tập chỉ huy và tham mưu chiến lược Kavkaz-2020 (Caucasus-2020), quân đội sẽ thực hành với hệ bắn súng phun lửa mới này.

“Hệ thống này sẽ tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của các lực lượng tại các khu vực chiến lược”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng cho biết.

Ông Shoigu còn khẳng định: “Đến cuối năm 2025, con số này [tỷ lệ vũ khí tiên tiến trong Lực lượng vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học NBC-PV] sẽ đạt 85%.”

TOS-2 'Tosochka' có thể xem là nâng cấp của hệ thống súng phun lửa hạng nặng TOS-1A 'Solntsepyok' (Scorching Sun/Mặt trời rực sáng). So với phiên bản tiền nhiệm, nó được đặt trên khung gầm của xe tải quân đội Ural-63706-0120 với khả năng chuyên chở và vượt địa hình mạnh mẽ hơn so với khung gầm xe tăng T-72 trên TOS-1. Hệ thống này cũng có tầm bắn xa hơn, hệ thống ngắm, bắn và điều khiển hỏa lực hoàn toàn tự động.

“Kinh nghiệm vận hành súng phun lửa hạng nặng ở khu vực sa mạc cho thấy khung gầm xe cơ giới là lựa chọn đúng đắn nhất”, Nikolai Makarovets, tổng công trình sư Hiệp hội Khoa học Nghiên cứu và Sản xuất Vũ khí quân dụng Splav, phát biểu về OS-2 tại Triển lãm MAKS 2017.

Khác với TOS-1A sử dụng xe phóng riêng và xe nạp đạn riêng, TOS-2 được tích hợp khả năng tự nạp đạn lên xe phóng với một cần cẩu ở bên trái và một bệ nạp đạn ở bên phải của xe. Việc được tích hợp cả hệ thống nạp đạn lên xe phóng khiến cho tổ hợp chỉ có thể mang theo 18 ống phóng, ít hơn so với 24 ống phóng trên TOS-1A. Bù lại, thời gian nạp đạn của TOS-2 lại nhanh hơn đáng kể so với TOS-1A.

Ngoài ra, TOS-2 còn được trang bị hệ thống máy tính đạn đạo hiện đại hơn và loại đạn mới, giúp nó có thể bắn chính xác tốt hơn, tầm bắn xa hơn nhiều so với TOS-1A. TOS-2 cũng có hệ thống tác chiến điện tử chống lại vũ khí chính xác.

Hệ thống súng phun lửa đang được sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến chống khủng bố. Nó có thể tiêu diệt quân địch từ các thành phố, boongke và đường hầm. Nhà phân tích quốc phòng Sebastien Roblin từng mô tả TOS-1 là một trong những loại “vũ khí tàn phá vũ khí hạt nhân chiến lược”. Dự kiến, TOS-2 sẽ được thử nghiệm sức chiến đấu trên chiến trường Syria.

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-chien-su-syria-moi-nhat-ngay-238-noi-kinh-hoang-cua-khung-bo-is-tai-syria-a336069.html