Tình hình dịch virus corona ngày 1/6: Mỹ nguy cơ hình thành nguồn siêu lây nhiễm trong đám đông biểu tình


Thứ 2, 01/06/2020 | 08:30


Cùng sự kiện

Tình hình dịch virus corona ngày 1/6: Mỹ nguy cơ hình thành nguồn siêu lây nhiễm trong biểu tình; Thủ tướng Tây Ban Nha đề xuất gia hạn phong tỏa thêm 15 ngày;...

Tình hình dịch virus corona ngày 1/6: Mỹ nguy cơ hình thành nguồn siêu lây nhiễm trong biểu tình; Thủ tướng Tây Ban Nha đề xuất gia hạn phong tỏa thêm 15 ngày;...

Theo số liệu cấp nhất trên trang worldometers, tính đến 14h ngày 1/6 (giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 6.278.405, trong đó có 374.157 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, 2.852.761 bệnh nhân đã được chữa khỏi và hồi phục.

Mỹ nguy cơ hình thành nguồn siêu lây nhiễm trong biểu tình

Đám đông biểu tình ở Mỹ có nguy cơ hình thành nguồn siêu lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Kmov

Những cuộc biểu tình nổ ra sau khi cảnh sát Minneapolis ghì gáy George Floyd, một người Mỹ gốc Phi, khiến anh này tử vong tại bệnh viện sao đó. Điều này khiến chuyên gia y tế lo ngại làn sóng người dân tham gia biểu tình sẽ trở thành nguồn siêu lây nhiễm Covid-19.

Tại Los Angeles, tình trạng hỗn loạn khiến nhiều trạm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bị đóng cửa hôm 30/5. Thị trưởng Eric Garcetti cảnh báo các cuộc biểu tình có thể trở thành nguồn siêu lây nhiễm Covid-19, tạo ra làn sóng bùng phát thứ hai, trong khi Mỹ thậm chí chưa kiểm soát được đợt dịch đầu tiên.

Larry Hogan, Thống đốc bang Maryland, lo ngại các ca nhiễm tại đây sẽ tăng đột biến trong khoảng hai tuần. Trong khi đó, Keisha Lance Bottoms, thị trưởng thành phố Atlanta, khuyến nghị người biểu tình nên đi xét nghiệm.

Lực lượng cảnh sát cũng sử dụng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông, khiến nhiều người chảy nước mắt và ho, làm tăng tiết dịch hô hấp từ mắt, mũi, miệng. Trong khi đó, giải pháp di chuyển đám đông về các khu vực đô thị chật chội lại làm giảm khoảng cách an toàn, tăng nguy cơ lây nhiễm trong không gian hẹp.

Tiến sĩ Howard Markel, một nhà sử học y khoa, cho rằng các rủi ro từ việc biểu tình đang bị đánh giá thấp. Ông ví đám đông hỗn loạn với đoàn người xem diễu hành tại hai thành phố Philadelphia và Detroit trong đại dịch cúm 1918. Khi ấy, để củng cố tinh thần lực lượng vệ binh, hơn 200.000 người Mỹ đồng loạt xuống đường. Sự kiện cuối cùng trở thành nguồn siêu lây nhiễm cúm, khiến khoảng 2.600 công dân Philadelphia tử vong chỉ trong một tuần.

Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), dự đoán các cuộc biểu tình sẽ tạo ra hàng loạt chuỗi lây nhiễm mới. Sự bất bình đẳng về kinh tế xã hội, bao gồm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phân biệt đối xử trong môi trường bệnh viện, sự lệ thuộc vào phương tiện giao thông công cộng và cách biệt thu nhập sẽ khiến người da màu chịu ảnh hưởng nhiều hơn khi mắc Covid-19.

Thủ tướng Tây Ban Nha đề xuất gia hạn phong tỏa thêm 15 ngày

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Ảnh: Reuters

Ngày 31/5, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng nước này cần thực hiện phong tỏa thêm 15 ngày, đồng thời nêu rõ đợt gia hạn "cuối cùng và dứt điểm" này sẽ có hiệu lực từ ngày 8 - 21/6.

Ông Sanchez cho rằng Tây Ban Nha "gần như đã hoàn thành" những công việc đề ra trong phòng chống dịch Covid-19, theo đó số ca nhiễm mới ở một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ông khuyến cáo người dân không được mất cảnh giác, nhấn mạnh vẫn có nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 31/5 thông báo nước này ghi nhận 96 bệnh nhân mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 239.429 người, đồng thời có thêm 2 ca tử vong, đưa tổng số tử vong do Covid-19 ở nước này lên 27.127 trường hợp.

Trước đó vào ngày 20/5 vừa qua, Quốc hội Tây Ban Nha đã gia hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ 5 theo đề nghị của Thủ tướng Sanchez. Sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc vào ngày 21/6, người dân có thể tự do đi lại trong khu vực họ sinh sống, và từ 1/7 sẽ được phép đi lại tự do trên cả nước.

Mỹ tặng 2 triệu liều thuốc chống sốt rét cho Brazil để chống Covid-19

Thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine. Ảnh minh họa

Để thể hiện tình đoàn kết, Mỹ đã gửi tặng Brazil 2 triệu liều thuốc Hydroxychloroquine, loại thuốc chống sốt rét được Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi là có công dụng chống lại virus SARS-CoV-2.

Tuyên bố chung của hai nước cho biết: Hydroxychloroquine sẽ được sử dụng như một biện pháp phòng ngừa để giúp bảo vệ các y tá, bác sĩ và nhân viên y tế ở Brazil khỏi nhiễm virus. Nó cũng sẽ được sử dụng như một phương pháp điều trị cho những người dân Brazil bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, Mỹ và Brazil sẽ hợp tác tiến hành nghiên cứu theo các phương pháp khoa học để đánh giá độ an toàn và tính hiệu quả của loại thuốc này.

Mỹ cũng cho biết sẽ gửi tới Brazil 1.000 máy trợ thở.

Tính đến ngày 1/6, Brazil có tổng cộng 514.849 ca dương tính được xác nhận với virus corona chủng mới. Tổng số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của nước này là 29.314 trường hợp.

Hiện Brazil là nước đứng thứ 2 trên thế giới về số ca nhiễm và thứ 4 trên thế giới về số ca tử vong do dịch bệnh Covid-19, còn Mỹ là nước đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm và tử vong

Hoa Vũ (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-hinh-dich-virus-corona-ngay-16-my-nguy-co-hinh-thanh-nguon-sieu-lay-nhiem-trong-dam-dong-bieu-tinh-a325520.html