Tổng thống Putin đề xuất đưa Nga, Trung Quốc vào G7


Thứ 7, 07/09/2019 | 03:30


Cùng sự kiện

"Tôi không tin một tổ chức quốc tế có thể hoạt động hiệu quả mà không có Trung Quốc, Ấn Độ", ông Putin nói.

"Tôi không tin một tổ chức quốc tế có thể hoạt động hiệu quả mà không có Trung Quốc, Ấn Độ", ông Putin nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok. Ảnh: Sputnik.

Reuters ngày 6/9 dẫn lời Tổng thống Putin tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF 2019) diễn ra ở Vladivostok: "Nếu muốn khôi phục nhóm G8, hãy thực hiện điều đó. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây cũng phát biểu rằng sự bá quyền của phương Tây đã chấm dứt".

Tuy nhiên, Tổng thống Nga cho rằng, việc đưa riêng Moscow trở lại nhóm cường quốc kinh tế-công nghiệp thôi là chưa đủ. "Tôi không tin một tổ chức quốc tế có thể hoạt động hiệu quả mà không có Trung Quốc, Ấn Độ", ông Putin nói thêm.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cho thấy vai trò ngày càng tăng trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Ankara cũng nên xuất hiện tại nhóm các cường quốc.

Theo SCMP, hồi tháng 3/2014, dưới sự thúc giục của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, các lãnh đạo G7 đã loại Nga khỏi nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) sau khi Tổng thống Putin sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ.

Tổng thống Mỹ Trump hôm 20/8 cũng đề xuất đưa Nga trở lại G7, đồng thời cho biết Nga thường là đề tài thảo luận khi ông và các lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản gặp nhau mỗi năm.

Ông Trump cho rằng Obama muốn loại Nga khỏi nhóm vì Putin "thông minh hơn ông ấy".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho rằng nếu muốn trở lại nhóm các nước phát triển, Nga phải thể hiện thiện chí bằng cách từ bỏ bán đảo Crimea và chấm dứt chiến sự ở miền đông Ukraine.

Ngày 4/9, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) lần thứ 5 chính thức khai mạc tại thành phố Vladivostok, Nga. EEF 2019 diễn ra từ ngày 4 đến 6/9, với chủ đề chính là “Viễn Đông - những chân trời phát triển” thu hút sự tham dự của khoảng 8.000 đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, EEF nhằm mục đích thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác phát triển vùng Viễn Đông. Với sự thành công của những kỳ tổ chức trước, EEF nhanh chóng tạo được sức hút đối với cộng đồng quốc tế. Tại EEF 2018, đã có 220 thỏa thuận và hợp đồng đã được ký kết với tổng giá trị hơn 45 tỉ USD.

Cự Giải (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tong-thong-putin-de-xuat-dua-nga-trung-quoc-vao-g7-a291919.html