Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “kêu cứu” tại nghị trường Quốc hội


Thứ 7, 27/10/2018 | 16:39


Cùng sự kiện

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ thẳng thắn về 3 vấn đề là thi, sách giáo khoa và biên chế giáo viên.

“Tôi thiết tha đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh ưu tiên bố trí cho giáo viên. Các điều kiện về chế độ chính sách, bộ Nội vụ phải tham mưu làm sao đảm bảo được, chứ bộ GD&ĐT không thể nào chịu trách nhiệm về chất lượng nếu thiếu 2 điều kiện quan trọng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Trong 2 ngày 26 và 27/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kinh tế - xã hội. Giải trình trước Quốc hội liên quan đến một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ thẳng thắn về 3 vấn đề là thi, sách giáo khoa và biên chế giáo viên.

Đây cũng chính là 3 vấn đề được các ĐBQH đặc biệt quan tâm tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cùng ngày.

Gian lận thi cử năm nào cũng có

Bộ trưởng khẳng định giáo dục là vấn đề liên quan đến mọi nhà, mọi người và trong đó có những vấn đề nhận thức được rồi nhưng khắc phục thì cần có thời gian và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Vấn đề thứ nhất là đổi mới thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định Bộ đang “thực hiện đúng chủ trương này và có lộ trình”.

Bộ trưởng cũng thừa nhận kỳ thi năm 2018 có nhiều tiêu cực xảy ra nhưng phương pháp thi trắc nghiệm vẫn giúp tỉ lệ quay cóp giảm đi rất nhiều so với trước đây. Bộ trưởng nhắc lại các vụ việc ở Đồi Ngô (Bắc Giang), Phú Xuyên (Hà Nội)… để minh chứng cho hiệu quả của hình thức thi trắc nghiệm đã hạn chế được gian lận.

Đối với các vụ việc gian lận thi cử, Bộ trưởng khẳng định quan điểm rõ ràng là làm đến nơi đến chốn, xử lý nghiêm minh.

Ngoài ra, Bộ cũng đã rà soát lại toàn bộ quy trình về thi và chấm thi và nhận thấy rõ, quy trình đầy đủ nhưng một số khâu, đặc biệt là khâu chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và ra bài thi cần tốt hơn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước Quốc hội chiều 26/10.

“Đây là vấn đề khó và cần có thời gian. Kinh nghiệm quốc tế cũng vậy, không phải ngay một lúc đã có ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa tốt cũng như bài thi tốt. Hiện, Bộ đang khắc phục điều này. Phần mềm chưa tốt vì chưa đủ công nghệ để mã hóa đề thi. Đây cũng là một trong những sơ hở dẫn đến bị lợi dụng. Bộ đã họp với các sở để kiểm điểm nghiêm việc này”, Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định. Ông cũng cho biết, sẽ xử lý trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể để rút kinh nghiệm cho các kỳ thi sau.

Bộ trưởng nói thêm, địa phương cũng cần kiểm điểm vì đã cho phân cấp phân quyền thì UBND và Chủ tịch hội đồng thi địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm.

Sách giáo khoa có nhiều bất cập

Bộ trưởng Nhạ nêu, Nghị quyết 88 đã giao cho bộ GD&ĐT trước mắt là chủ động xây dựng một bộ sách giáo khoa, sau đó khuyến khích các tổ chức cá nhân có điều kiện để tham gia, không độc quyền và mở rộng. Ở đây, mỗi một phương án cũng có những điểm thuận ý và không thuận ý. Nhưng đổi mới lần này, chúng ta có một cách tiếp cận rất căn bản.

Trước kia đổi mới từ sách giáo khoa và dựa vào sách giáo khoa, còn bây giờ chúng ta tiếp cận quốc tế theo Nghị quyết 88 dựa vào chương trình tổng thể theo dõi chương trình môn học, từ chương trình mới viết sách giáo khoa.

Như vậy, sách giáo khoa là một tài liệu quan trọng để thể hiện phương án, mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp, đầu ra. Bên cạnh đó, còn một số tài liệu khác theo phương thức quốc tế mà quốc tế họ cũng làm như vậy.

Khi thiết kế sách giáo khoa, tạo cơ hội để cho các thầy, cô chủ động sáng tạo về mặt phương pháp và linh hoạt trong các vùng miền.

Giải trình ý kiến ĐBQH nêu về về việc thiết kế sách giáo khoa, Bộ trưởng nói, ngay từ khi thiết kế Bộ đã lường được việc thiết kế có bài tập, có ô điền vẽ nối đuôi, các cách tô màu cho các cháu lớp 1, lớp 2, tạo cơ hội để cho các cháu vẽ và tô vào đấy.

“Đợt đó chúng tôi tìm hiểu lại thì Bộ cũng đã hướng dẫn cùng với hướng dẫn các công việc khác, ví dụ như chào cờ, hát quốc ca, vệ sinh, rất nhiều các công việc khác liên quan đến dạy làm người. Một số hoạt động thì tốt nhưng riêng về hướng dẫn cho các cô, các trò để hạn chế chứ không phải cấm thì cái đó cũng chưa được tiến triển lắm. Trong đó có một yếu tố các cháu khi học vẽ vào như vậy sẽ luyện được phương pháp tốt hơn.

Tới đây khi ban hành chương trình mới và sau đó là sách giáo khoa phổ thông chúng tôi cũng chỉ đạo làm sao để đảm bảo khắc phục được những hạn chế như hiện nay, nhằm hạn chế giảm những thiết kế ở mức nhất định để hạn chế mức độ vẽ, tô, tránh sự lãng phí”, Bộ trưởng Nhạ trình bày.

Biên chế giáo viên, một mình Bộ không “gánh” nổi

Bộ trưởng khẳng định rằng, bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên và các quy chuẩn về giáo viên, đảm bảo đủ giáo viên cho các trường, cho học sinh và các chương trình đào tạo bồi dưỡng các trường sư phạm.

“Về chất lượng, chúng tôi đang xây dựng để bồi dưỡng gắn với đổi mới chương trình nhưng về sử dụng tuyển dụng thì theo phân cấp là chính quyền địa phương.

Tôi cũng đề nghị và tha thiết với các đồng chí lãnh đạo địa phương là ưu tiên bố trí giáo viên, không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học. Như Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo, ở đâu có học trò là ở đó phải có giáo viên, có trường lớp.

Trong thực tế nguyên lý đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt là mầm non bắt buộc phải đủ giáo viên, đủ trường lớp cho các cháu học. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Nội vụ thống nhất định mức là 35 cháu tiểu học, 45 cháu trung học cơ sở, đây là mức cao vì các nước chỉ khoảng 20 nhưng nước ta còn nghèo, chúng tôi đề nghị đảm bảo điều này.

Tôi thiết tha đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh ưu tiên bố trí giáo viên. Các điều kiện chế độ chính sách Bộ Nội vụ phải tham mưu làm sao đảm bảo được chứ bộ GD&ĐT không thể nào chịu trách nhiệm về chất lượng được nếu thiếu 2 điều kiện quan trọng là biên chế giáo viên theo định mức và chế độ chính sách và trường lớp cơ sở vật chất”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-phung-xuan-nha-keu-cuu-tai-nghi-truong-quoc-hoi-a249133.html