Cha mẹ lơ là, trẻ bị bỏng nước sôi nguy kịch ngày càng nhiều


Thứ 6, 02/02/2018 | 10:32


Cùng sự kiện

Trẻ bị bỏng nước sôi trong những ngày giáp Tết, thời tiết lạnh ngày một gia tăng. Nguyên nhân do trẻ hiếu động cũng như do cha mẹ bận rộn công việc.

Trẻ bị bỏng nước sôi trong những ngày giáp Tết, thời tiết lạnh ngày một gia tăng. Nguyên nhân một phần do trẻ hiếu động, phần do cha mẹ bận rộn công việc không có thời gian chú ý đến con nhỏ.

Ngày 2/2, bác sĩ Lê Mậu Thành, khoa Chấn thương Chỉnh hình (BV Đa khoa Tuyên Quang) cho biết, BV đang điều trị cho bệnh nhi Đỗ Anh T. (3 tuổi, huyện Yên Bình, Yên Bái), bị bỏng toàn thân do ngã vào vào chậu nước sôi gây bỏng nặng.

Bệnh nhi bị bỏng đang được điều trị tại BV Đa khoa Tuyên Quang.

Gia đình bệnh nhi cho biết, do trời lạnh nên có đun nước sôi để pha tắm cho bé. Khi vừa cho nước sôi vào chậu để pha, bé nghịch rồi ngã vào chậu nước sôi nên bị bỏng nặng. Ngay sau đó, gia đình sơ cứu rồi chuyển bé lên BV Đa khoa Tuyên Quang cấp cứu.

Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, có nhiều bệnh nhân bị bỏng nặng do ngã vào nước sôi, trong đó có bệnh nhi Lý Thùy T. (1 tuổi, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang). Trước đó, bé T. đã với lấy cốc nước nóng ở trên bàn và bị nước đổ vào người, gây bỏng vùng ngực, toàn cánh tay phải và đùi phải.

Theo bác sĩ Thành, bỏng nước sôi thường gặp trong mùa đông. Thống kê của BV cho thấy, chỉ trong vài ngày gần đây, BV đã tiếp nhận 7 bệnh nhân bị bỏng nước sôi, chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đây là độ tuổi trẻ rất hiếu động, hay chạy nhảy, khám phá nếu gia đình sơ ý, bé dễ bị tai nạn thương tích, trong đó có bỏng nước sôi.

Bé Ngọc băng bó kín người quằn quại trong đau đớn.

Hay như trường hợp cháu cháu Ngọc (xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) 15 tháng tuổi nghịch bình siêu tốc đang cắm điện khiến ấm nước đổ ra bỏng toàn thân.

Cách sơ cứu cho người bị bỏng:

- Cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng.

- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 - 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương.

- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch

- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

Mỹ An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cha-me-lo-la-tre-bi-bong-nuoc-soi-nguy-kich-ngay-cang-nhieu-a218627.html