Công ty đường sắt từng bị ông Thăng "trảm tướng" làm ăn ra sao?


Thứ 7, 06/01/2018 | 09:16


Cùng sự kiện

Sau 2 năm tạm lui về Tổng công ty Đường sắt, giữ chức Trưởng ban Kế hoạch - kinh doanh, ông Nguyễn Viết Hiệp bỗng "tái xuất" thương trường và về vị trí cũ. Liệu "vị tướng

Sau 2 năm tạm lui về Tổng công ty Đường sắt, giữ chức Trưởng ban Kế hoạch - kinh doanh, ông Nguyễn Viết Hiệp bỗng "tái xuất" thương trường và về vị trí cũ. Liệu "vị tướng" từng bị ông Đinh La Thăng "trảm" có vực dậy doanh nghiệp này hay không?

Tin tức - Công ty đường sắt từng bị ông Thăng 'trảm tướng' làm ăn ra sao?

Ông Nguyễn Viết Hiệp - ngoài cùng bên trái trong một sự kiện của Haraco.

Báo cáo tài chính quý 3/2017 của công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) cho thấy, doanh nghiệp này lỗ hơn 7 tỷ đồng trong vòng 3 tháng, cùng kỳ năm 2016 lỗ 6,7 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, Haraco lỗ 4,65 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ hơn 6 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh thua lỗ do trong năm, Haraco ghi nhận hàng trăm tỷ đồng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Để "cứu chữa" tình hình trên, công ty phải tích cực thanh lý tài sản như toa xe cũ, lô trục bánh... Gần đây nhất, công ty này đang chuẩn bị bán đấu giá 283 toa xe các loại, trong đó có 27 toa xe khách và 256 toa xe hàng, với giá khởi điểm dự kiến là từ 23,7 tỷ đồng.

Haraco là doanh nghiệp vận tải hành khách có địa bàn quản lý rộng lớn với 15 đơn vị trực thuộc, quản lý các tuyến đường sắt: Tuyến thống nhất Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Lào Cai và đi các tỉnh phía Bắc... Tuy vậy, nói về Haraco, dư luận nhớ nhiều hơn đến vụ việc ban lãnh đạo công ty đề xuất mua lại 160 toa tàu Trung Quốc đã sử dụng hơn 20 năm nhưng với mức giá cao hơn toa tàu mới.

Tháng 2/2016, ông - khi đó là Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải đã ký Quyết định số 1484/BGTVT-TCCB kiểm điểm cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc. Theo đó, bộ GTVT yêu cầu Hội đồng thành viên (HĐTV) tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm điểm nghiêm, làm rõ trách nhiệm HĐTV, ban lãnh đạo và các cán bộ liên quan thuộc Tổng công ty trong việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.

Bộ GTVT chỉ đạo tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho ông Nguyễn Viết Hiệp - người ký đề xuất mua 160 toa tàu Trung Quốc thôi làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Haraco và cách chức Tổng Giám đốc công ty với ông Nguyễn Viết Hiệp. Sau khi bị thôi nhiệm, ông Hiệp được điều động về làm Trưởng ban Kế hoạch – kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt VN.

Quyết định "trảm tướng" quyết liệt kể trên được đánh giá là cú ghi điểm cuối cùng của ông Đinh La Thăng trong thời gian tại nhiệm ở bộ GTVT. Chỉ vài ngày sau khi ký quyết định, ngày 5/2/2016, ông Thăng được phân công tham gia Đảng bộ TP.HCM, giữ chức Bí thư Thành ủy.

Chẳng ngờ sau gần 2 năm, ngày 29/12/2017, sau khi ông Thăng “ngã ngựa”, HĐQT công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội công bố quyết định bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc đối với chính ông Nguyễn Viết Hiệp khiến dư luận xôn xao. Việc ông Hiệp trở lại ghế cũ đặt ra nhiều câu hỏi tại sao lại đưa người cũ quay trở lại, phải chăng vì sự lãnh đạo tài ba của ông Hiệp sẽ giúp vực dậy Haraco từ thua lỗ?

Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Đoàn Duy Hoạch Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, việc ông Nguyễn Viết Hiệp quay lại nhận chức vụ cũ không phải “khôi phục chức vụ” mà là được điều động lại để bổ nhiệm theo trình tự của công ty cổ phần, sau khi Tổng giám đốc hiện tại xin thôi chức vụ.

“Đây là thủ tục thuyên chuyển, điều động hết sức bình thường trong nội bộ ngành đường sắt”, ông Hoạch nói. Chia sẻ về sai phạm của ông Hiệp trong vụ lùm xùm trên, ông Hoạch cho hay, ông Hiệp bị phê bình vì để xảy ra thiếu sót trong văn bản giấy tờ và đã có kết luận rõ ràng.

Một thông tin đáng chú ý, năm 2015, khi ông Nguyễn Viết Hiệp làm Tổng giám đốc Haraco là thời điểm doanh nghiệp tiến hành cổ phần hoá, chuyển đổi mô hình từ công ty TNHH MTV thành công ty cổ phần. Theo bản cáo bạch công bố thông tin cổ phần hoá, ban lãnh đạo Haraco thừa nhận còn nhiều tồn tại, khuyết điểm, khó khăn về tài chính. Công tác quản lý ở một số đơn vị thực hiện chưa tốt.

Công tác đảm bảo an toàn chưa thật vững chắc, một số cán bộ, công nhân viên ý thức chấp hành kỷ luật lao động chưa nghiêm túc gây trở ngại chạy tàu do chủ quan gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của đơn vị và công ty. Chất lượng phục vụ hành khách, chủ hàng, tinh thần, thái độ giao tiếp của một số bộ phận cán bộ công nhân viên trên tàu, dưới ga còn chưa cao.

Trên thực tế, tình hình kinh doanh của Haraco cũng trồi sụt bất thường. Năm 2012 lỗ 26,8 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 31,5 tỷ đồng, năm 2014 lãi 164 tỷ đồng, năm 2015 "tụt một mạch" về điểm hoà vốn.

Thời gian cuối năm 2017, Haraco cũng liên tục có những  thay đổi liên quan đến nhân sự cấp cao. Điển hình như bầu ông Tạ Văn Thanh làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2021 thay ông Nguyễn Phú Cường, ông Nguyễn Văn Hoan - đại diện 35% vốn Nhà nước của Tổng công ty Đường sắt được bầu làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 24/11/2017...

Những thay đổi kể trên được Haraco cho biết nhằm kiện toàn nhân sự, tập trung sản xuất kinh doanh cho công ty.

Dưới thời kỳ ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT, nhiều lãnh đạo khác bị mất chức như Tổng Giám đốc ĐSVN Nguyễn Đạt Tường; ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt; Chủ tịch HĐQT Cienco 1 Phạm Dũng cũng bị kỷ luật, xin nghỉ hưu trước tuổi. Ngoài ra, một số cán bộ khác bị đình chỉ tạm thời như Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 1 Nguyễn Quốc Bình, ông Lưu Đình Tiến – người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy…

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-ty-duong-sat-tung-bi-ong-thang-tram-tuong-lam-an-ra-sao-a215508.html