Hà thành kim cổ ký: Hồ Gươm - Nơi tự tử của các cô gái


Thứ 2, 03/09/2018 | 16:50


Cùng sự kiện

Chùa Trấn Quốc hiện có khá nhiều gia đình gửi tro của thân nhân ở đây. Phần lớn là tro của trẻ em bị tai nạn chết đuối khi tắm ở Hồ Tây.

Chùa Trấn Quốc hiện có khá nhiều gia đình gửi tro của thân nhân ở đây. Phần lớn là tro của trẻ em bị tai nạn chết đuối khi tắm ở Hồ Tây. Thế nhưng, Hồ Gươm lại là nơi các cô gái chọn để quyên sinh.

Luận án tốt nghiệp bác sĩ trường Y Hà Nội năm 1937 của Vũ Công Hòe có tên là Vấn đề tự sát trong xã hội Việt Nam (Du suicide dans de société Annamite). Sở dĩ Vũ Công Hòe chọn đề tài này vì tự tử đã trở thành vấn đề mang tính xã hội ở Việt Nam trong thập niên 20, 30 của thế kỷ XX. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến họ tìm đến cái chết: Do nghèo đói, bị ức hiếp, bế tắc trong cuộc sống nhưng trong số các vụ tự tử ở Hà Nội phần lớn là vì tình và hầu hết xảy ra ở Hồ Gươm.

Chỉ tính từ năm 1934-1936, có 20 vụ. Các cô gái tự tử vì gia đình mang nặng quan điểm Nho giáo trong khi các cô lại theo quan điểm tân thời khi đó đang lan rộng trong đô thị. Có cô quyết chết vì không lấy được người mình yêu, có cô bị gia đình ép hôn, lại có cô bị phụ tình. Tuy nhiên, chỉ những vụ các cô gái con nhà gia thế mới gây được sự chú ý của dư luận. Trong đó 2 vụ gây ồn ã nhất là cô Tuyết Hồng con gái nhà giàu phố Hàng Gai và cô Phượng ở phố Hàng Ngang.

Cô Hồng đem lòng yêu mến một chàng trai ở phố Hàng Bồ, bố mẹ cô biết chuyện đã cấm đoán nên hai người chỉ bí mật thư từ. Trong khi đó, bố mẹ cô nhận lời gả cho con trai một gia đình buôn lớn ở phố Hàng Đường. Ngày anh này du học từ Pháp về, gia đình anh đến thưa chuyện xin cho cậu con trai được đi lại nhà cô Hồng. Sau đó sẽ tiến tới hôn nhân. Dù hai gia đình môn đăng hộ đối nhưng vì không có tình cảm nên cô Tuyết Hồng kiên quyết từ chối, cô khóc lóc van xin, tuy nhiên cha mẹ mắng mỏ bắt phải lấy.

Biết nước mắt không thể thuyết phục được cha mẹ, một tối cô Hồng ra Hồ Gươm gieo mình xuống hồ. Không thấy con về, người nhà nháo nhác đi tìm và báo cảnh sát. Hôm sau, người ta thấy xác cô nổi ở gần bờ phía phố Hàng Khay. Cha mẹ cô nhận ra sai lầm nhưng sự việc đã rồi.

Vụ cô Phượng xinh đẹp ở phố Hàng Ngang cũng là ngang trái vì tình. Trong hồi ký của nhà văn Vũ Ngọc Phan, cô Phượng làm ngẩn ngơ đám con trai trường Bưởi. Khi đi học về đám nam sinh trên tàu điện đều hướng mắt về cửa hàng nơi cô Phượng đẹp như tranh đang ngồi bán tơ lụa. Cô Phượng chết, mấy ngày sau xác mới nổi. Người ta đồn đại cô thiêng nên xác mới nổi gần Tháp Rùa.

Các tờ báo lá cải thêm mắm muối tường thuật thành vụ tự tử rất ly kỳ. Có nhà văn viết thành cuốn tiểu thuyết lấy tên là Mồ Cô Phượng, sách in ra bán rất chạy. Và có rạp đã thuê thầy tuồng dựng thành kịch, các bà các cô đi xem khăn ai cũng đẫm nước mắt.

Vụ tự tử ở Hồ Gươm gần đây nhất xảy ra vào 31/8/2000. Chuyện là một đôi tình nhân ngồi tâm sự ở bên hồ nhìn thấy có người bơi sang Tháp Rùa nhưng mãi không quay lại đã báo Công an quận Hoàn Kiếm. Công an quận đã cử người ra tháp.

Các anh nhìn thấy một cô gái mắt nhắm nghiền, thân hình gầy đét, không mảnh vải che thân nằm bất động ở tầng 3 của tháp. Bên cạnh cô là cái bát và hai vỉ thuốc ngủ seduxell. Các anh đưa cô gái vào bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Sau khi được rửa ruột, cô gái dần tỉnh lại. Bác sĩ cấp cứu ngạc nhiên vì hiếm người uống hai vỉ thuốc ngủ mà còn sống. Khi cô tỉnh, các bác sĩ hỏi nguyên nhân cô nói rằng, vì bế tắc nên cô không muốn sống. Trong lúc chờ công an vào tìm hiểu thì cô gái đã biến mất...

NGUYỄN NGỌC TIẾN
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 102

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-thanh-kim-co-ky-ho-guom---noi-tu-tu-cua-cac-co-gai-a241961.html