Hội Luật gia Việt Nam phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu cho cả nhiệm kỳ 2014 - 2019


Thứ 4, 06/02/2019 | 01:18


Cùng sự kiện

Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã trao đổi về kết quả hoạt động của Hội năm 2018 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Nhân dịp Tết Kỷ Hợi, tiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật về kết quả hoạt động của Hội năm 2018 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Thưa Chủ tịch, trong năm qua, các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác. Xin Chủ tịch cho biết, đến nay kết quả đạt được như thế nào?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Như chúng ta đã biết, năm 2018 là năm thứ tư các cấp Hội và toàn thể hội viên Hội Luật gia Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2014- 2019. Đây có thể nói là năm rất quan trọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết nói trên của Hội. Do vậy, ngay từ đầu năm, Đảng đoàn, ban Thường vụ, ban Chấp hành TƯ Hội đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội, các đơn vị, tổ chức trực thuộc TƯ Hội xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2018; Đồng thời ban hành kế hoạch và triển khai các hoạt động chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019-2024. Trên cơ sở đó, các cấp hội đã tích cực triển khai các mặt hoạt động, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị. Cụ thể là công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được triển khai kịp thời và có hiệu quả. Các cấp hội đã chủ động tham gia góp ý kiến xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật của TƯ và của địa phương, góp phần thiết thực vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước

Riêng ở địa phương, các cấp hội đã đóng góp gần 20.000 lượt ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của TƯ và địa phương. Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý được các cấp hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả, mở rộng tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho nhiều đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp hội tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được tăng cường và mở rộng, đóng góp tích cực vào công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước ta. Các mặt công tác khác cũng được triển khai khá đồng bộ và đạt kết quả tốt.

Hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án Hình sự và luật đặc xá (sửa đổi). Ảnh: Thành Long

Theo Chủ tịch, những kết quả nào đáng chú ý nhất?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Những kết quả đáng chú ý nhất phải kể đến việc chúng ta đã tổ chức tốt sơ kết năm năm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW, ngày 23/5/2012 của ban Bí thư TƯ Đảng về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56- CT/TW, ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Luật gia Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của đợt sơ kết này, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo số 50-TB/TW ngày 17/7/2018, trong đó chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục bảo đảm định hướng lãnh đạo đối với tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam nhằm tiếp tục củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội. Một kết quả khác cần kể đến đó là việc triển khai thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017-2021” với mô hình Trung tâm pháp luật cộng đồng; Mở rộng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với đó, trong năm 2018, chúng ta đã quyết định thống nhất thời gian tổ chức Đại hội Hội Luật gia các tỉnh, thành phố; Ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với bộ Tư pháp, bộ Tài nguyên và Môi trường; TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam; Tham gia có hiệu quả vào hoạt động đấu tranh bảo về chủ quyền Biển, đảo; Công tác giám sát, phản biện xã hội và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

Xin Chủ tịch nói rõ hơn về ý nghĩa của việc ký kết chương trình phối hợp công tác với các bộ và các tổ chức đoàn thể nói trên?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Năm 2018 đánh dấu sự hợp tác để cùng phát triển giữa Hội Luật gia Việt Nam với nhiều cơ quan và tổ chức. Đó là chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2018-2021, được ký ngày 25/7/2018; Chương trình phối hợp công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018 – 2023 giữa bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Luật gia Việt Nam, được ký ngày 27/9/2018; Chương trình phối hợp thực hiện công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2018-2022, được ký ngày 6/12/2018; Thoả thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, được ký ngày 10/7/2018; Chương trình phối hợp công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, được ký ngày 28/8/2018.

Với việc ký kết các chương trình phối hợp và Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và các cơ quan, tổ chức nói trên sẽ tạo sự phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên. Cụ thể là trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và giám sát việc thi hành pháp luật, hòa giải ở cơ sở... trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bên. Đồng thời, với mục tiêu nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng và tăng cường sự tham gia của cán bộ, hội viên, thành viên của các bên vào các hoạt động kể trên. Các chương trình phối hợp, thỏa thuận hợp tác là cơ sở quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cán bộ, hội viên, thành viên các cơ quan, tổ chức tham gia ký kết hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam trao quà lưu niệm cho TS Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Ảnh: Thành Long

Được biết, trong năm 2018 vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế về Biển Đông. Vậy các hội thảo đó đã mang lại kết quả gì, thưa Chủ tịch?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Phát huy vị thế là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế, Hội Luật gia Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động chính trị - pháp lý góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia trên Biển Đông và đạt được những kết quả quan trọng. Với nhận thức rằng, giải pháp cho các vấn đề Biển Đông chỉ có thể công bằng và bền vững khi được phát triển và định hình trên các cơ sở pháp lý quốc tế được thừa nhận rộng rãi, cơ sở đảm bảo sự ổn định lâu dài ở Biển Đông cần phải là một cơ sở pháp lý với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, Hội Luật gia Việt Nam đã và đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các cuộc hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, tạo diễn đàn pháp lý để giới luật gia quốc tế phân tích, thảo luận kỹ lưỡng các cơ sở lịch sử, pháp lý đối với vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Qua đó tìm ra các giải pháp hòa bình cho tranh chấp ở Biển Đông. Tiếp tục chuỗi hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực” được triển khai rất thành công từ năm 2009, năm 2018, hội thảo lần thứ 10 đã được Hội Luật gia

Việt Nam phối hợp với học viện Ngoại giao thuộc bộ Ngoại giao và quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức đánh dấu một thập kỷ hội thảo quốc tế có nhiều ý nghĩa thiết thực và quan trọng này. Tại hội thảo năm nay, các học giả đã thảo luận với niềm tin lớn hơn về một hệ thống dựa trên luật lệ. Nhiều khía cạnh pháp lý đã trở nên rõ ràng hơn, các học giả có nhận thức chung rằng, luật pháp quốc tế cần phải được tôn trọng và thực thi đầy đủ. Hành động mở rộng, triển khai các cơ sở lưỡng dụng dưới danh nghĩa các công trình dân sự, như đài khí tượng ở Biển Đông được nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến lo ngại. Hội thảo đã góp phần diễn giải để luật Biển không còn trừu tượng nữa mà trở nên rõ ràng, từ đó giúp các nước có những căn cứ pháp lý cụ thể để tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi của nước mình cũng như để hợp tác trong khu vực. Bàn về giải pháp xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông trong thời gian tới, nhiều học giả cho rằng, các bên tranh chấp cần xem lại yêu sách của mình, từ bỏ các yêu sách thái quá, không phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982. Từ đó, thu hẹp tranh chấp, tiến tới từng bước giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh, nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Bên canh đó, trong năm 2018, là thành viên của Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hội Luật gia Việt Nam cũng đã tham gia rất tích cực vào các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông do IADL, COLAP chủ trì, đó là hội thảo khu vực “Hòa bình Tây Thái Bình Dương và vấn đề Biển Đông” do COLAP tổ chức tại In-đô- nê-xi-a và hội thảo “Tình hình hiện tại ở Biển Đông - Đề xuất giải pháp giải quyết tranh chấp” do IADL tổ chức tại Liên bang Nga.

Tại các cuộc hội thảo này, Hội Luật gia Việt Nam đều có các bài tham luận cập nhật tình hình trên Biển Đông và đưa ra đề xuất về các biện pháp quan trọng để xây dựng cơ chế giải quyết hòa bình đối với tranh chấp trên Biển Đông. Các tham luận của Hội Luật gia Việt Nam tại các hội thảo này đã đóng góp các nguồn thông tin quan trọng để COLAP và IADL ra các tuyên bố hoặc kết luận hội nghị về Biển Đông một cách khách quan nhất. Tuyên bố của COLAP tại hội nghị In- đô-nê-xi-a có đoạn viết: “Cần thực hiện phi quân sự tại Biển Đông; Cần lập tức rút hết các lực lượng và phương tiện quân sự tại Biển Đông; Tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hoà bình tại Biển Đông, bao gồm việc soạn thảo và thông qua bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC); Tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện của Phi-líp-pin đối với Trung Quốc về Biển Đông; Công nhận các quyền tự do hàng hải của các nước theo Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển”. Trong bài kết luận hội thảo ở Liên bang Nga, Chủ tịch IADL đã nêu: “IADL khuyến nghị các bên liên quan sớm chấm dứt các hoạt động quân sự hóa, bồi đắp, gia cố đảo nhân tạo bất hợp pháp để bắt đầu quá trình xây dựng lòng tin nhằm gìn giữ an ninh, môi trường của khu vực. IADL kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nghiêm cấm sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực; Tôn trọng và tuân theo một cách đầy đủ, có trách nhiệm tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thiện việc xây dựng và đưa vào thực thi Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý và tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Đề nghị các thành viên của IADL theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại khu vực Biển Đông để kịp thời quan tâm và tham vấn”.

Nhìn chung, các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông mà Hội Luật gia Việt Nam đồng chủ trì hoặc tham gia, đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Hội trên diễn đàn pháp lý quốc tế về vấn đề Biển Đông. Đó là cơ sở để Hội tiếp tục làm hết sức mình đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích của quốc gia trên Biển Đông, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Thưa Chủ tịch, năm 2019, những nhiệm vụ trọng tâm nào đang được đặt ra cho các cấp Hội Luật gia Việt Nam?

TS. Nguyễn Văn Quyền: Năm 2019 là năm cuối cùng các cấp hội và toàn thể hội viên Hội Luật gia Việt Nam phải nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII đã đề ra cho cả nhiệm kỳ 2014-2019 và phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhằm tổ chức thành công đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Hội. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng. Theo đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 4, khóa XII về: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, là đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Thông báo số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của ban Bí thư TƯ Đảng về sơ kết 5 năm thực hiện kết luận số 19- KL/TW của ban Bí thư khóa XI về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 56- CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam. Quán triệt và thực hiện tốt sáu chuẩn mực đạo đức của hội viên Hội Luật gia Việt Nam; Động viên các cấp hội và hội viên thi đua lập thành tích hướng tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Hội.

Nhiệm vụ quan trọng khác là phải đẩy mạnh tất cả các lĩnh vực hoạt động theo chức năng của Hội và những nhiệm vụ khác do Đảng và Nhà nước giao. Trước hết là trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, mở rộng và nâng cao chất lượng tổ chức các hội thảo, tọa đàm góp ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật của TƯ và địa phương. Trong công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý phải triển khai tốt việc thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017- 2021” năm 2019. Phấn đấu tất cả các tỉnh, thành hội đều có trung tâm TVPL và TGPL. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung tuyên truyền phổ biến những nội dung quan trọng của Hiến pháp năm 2013 và các luật, pháp lệnh mới được ban hành; trong đó chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp, nạn nhân bạo lực gia đình... Trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Hiệp hội Luật gia châu Á Thái Bình Dương, Hiệp hội Luật các nước Asean và các hoạt động đối ngoại khác. Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương và giải pháp lớn về công tác tổ chức, cán bộ đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng đoàn, ban Thường vụ, ban Chấp hành TƯ Hội.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch và kính chúc Chủ tịch sang năm mới dồi dào sức khỏe, tiếp tục lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam không ngừng phát triển, hoạt động hiệu quả trong giai đoạn mới.

PV

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoi-luat-gia-viet-nam-phan-dau-hoan-thanh-thang-loi-cac-muc-tieu-cho-ca-nhiem-ky-2014---2019-a260770.html