+Aa-
    Zalo

    Kí ức ngày khai trường xưa khác gì so với bây giờ?

    ĐS&PL Khi vật chất còn thiếu thốn, phương tiện giải trí cũng không nhiều, có lẽ vậy mà ngày khai trường trong kí ức của các học trò thủa ấy vô cùng long trọng và khó quên.

    Trước đây, khi vật chất còn thiếu thốn, phương tiện giải trí cũng không nhiều, có lẽ vậy mà ngày khai trường trong kí ức của các học trò thủa ấy vô cùng long trọng và khó quên.

    Dạo này có rất nhiều người bàn về ngày khai trường hiện nay cần phải thay đổi sao cho học sinh thích và trân trọng hơn nữa. Quả thực nếu có thể thay đổi cho tốt hơn thì không còn gì bằng, nhưng tại sao lại cứ mang ngày khai trường trước đây ra để so sánh nhỉ?

    Mỗi người đều có một thời tuổi trẻ là học sinh cắp sách tới trường. Bất kể lúc đó ra sao thì sau bao nhiêu năm, nhờ có bụi thời gian, quãng thời gian non trẻ đầy ắp sự khám phá mới mẻ đó sẽ đều trở thành vùng thiêng liêng phủ màu huyền diệu trong lòng mỗi con người.

    Cho nên ngày khai trường, mọi người sẽ quên đi cái nắng rát lưng tháng 9, nóng bức mồ hôi đổ như mưa khi đứng chùn chân hàng tiếng đồng hồ dưới sân trường tham dự nghi lễ khai giảng, nghe các thầy cô hết người này đến người khác phía trên dọc diễn văn (mặc dù tai này nghe tai kia ra).

    Lớp nào được phân công đứng đúng dưới bóng râm thì quả là niềm hâm mộ cho những người khác

    Cái mà mọi người nhớ lại, chỉ là những gương mặt trẻ trung vui tươi hớn hở vì được gặp nhau sau những tháng nghỉ hè. Các cô cậu học trò nôn nóng kể cho nhau những điều thú vị mà họ đã trải qua ở quê hay khoe khoang những kì nghỉ ngắn hạn cùng cơ quan của cha mẹ.

    Tà áo dài trắng tung bay của những nữ sinh trung học vào ngày khai trường những năm 90 - ảnh tư liệu.

    Học sinh thời trước hầu hết không có đồng phục, nhưng đến ngày khai giảng luôn được thầy cô dặn mặc áo trắng quần sẫm màu (đi giày hay xăng-đan thì không dám nghĩ vì hầu hết đều đi dép nhựa, hiếm người có dép quai hậu). Nữ sinh cấp 3 thì mặc áo dài là đẹp lắm rồi, nếu không có thì cố đi mượn đâu đó, mà không được cũng đành thôi.

    Sau khi xem một vài tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" qua chiếc micro lẹt xẹt, cùng đón chào các em học sinh mới nhập học, tất cả sẽ chia về các lớp học mới nghe giáo viên chủ nhiệm phổ biến một số công việc chuẩn bị cho tuần học mới sau đó rồi về nhà. Nhiều bạn còn chưa về ngay mà còn la cà chơi với nhau một lát.

    Vậy đấy nhưng mà tuổi trẻ ham vui, xong là thôi, hưng phấn vì gặp bạn bè nên cũng không thấy mệt mỏi gì. Cha mẹ thì vẫn phải đi làm, trừ những người trong ban phụ huynh trường thì chẳng mấy ai xin nghỉ việc cơ quan để đi dự lễ khai giảng của các con được.

    Ngày khai giảng, nhà trường sẽ bố trí một người chụp ảnh tập thể hoặc cá nhân để làm album lưu niệm chứ học sinh chẳng mấy ai có tiền để chụp ảnh kỉ niệm cả.

    Có thể nói, trong đời sống văn hóa giải trí thiếu thốn thời đó, ngày khai trường cũng có thể coi như một ngày hội với học sinh. Dù cũng nặng về hình thức, cũng nhiều phát biểu dài dòng nhưng ít ra cũng là thời điểm tụ tập đông người, có ca múa để xem.

    Học sinh mới nhập học tham dự lễ khai giảng đầu tiên.

    Còn khai trường bây giờ, các em học sinh có ghế để ngồi, sân trường được bố trí căng bạt che nắng. Cha mẹ học sinh đều cố gắng tham dự buổi lễ với con, nhất là những học sinh mới nhập học. Ai cũng lăm lăm smart phone để chụp ảnh kỉ niệm cho bản thân và các con. Những học sinh lớn mỗi em "thủ" một chiếc tha hồ selfie đăng lên mạng.

    Nhiều gia đình cả bố mẹ đều thu xếp đưa con đi khai giảng - ảnh Tri thức trực tuyến.

    Các em học sinh hầu hết đều có hoa có cờ, mặc đồng phục mới. Các chương trình biểu diễn thì đều được nhà trường đầu tư công phu, các bạn học sinh luyện tập kĩ càng. Nhà trường còn cung cấp nước sạch cho học sinh và phụ huynh tham dự uống chống khát. Vậy mà nhiều người vẫn cứ bảo không vui là sao?

    Với trình độ tổ chức các show, event hoành tráng hiện nay, qua TV và ngoài xã hội, trẻ em quả thật không còn quá háo hức với những lễ hội nhưng không thể nói chúng không vui và thích thú với ngày khai trường!

    Có chăng là người lớn luôn lấy kí ức trước đây của mình ra so đo rồi cảm thấy khai giảng bây giờ không "thiêng liêng" bằng ngày trước. Nếu quả thực đúng như vậy thì chỉ có thể nói là tâm thế con người giờ đã khác, xã hội phát triển đã khác chứ phía nhà trường làm được như vậy là đã tận lực rồi.

    Biết đâu nhiều năm sau, lớp học sinh hiện giờ lại có người lên tiếng than thở rằng khai trường lúc đó không vui, không trang trọng bằng bây giờ!

    Minh Minh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ki-uc-ngay-khai-truong-xua-khac-gi-so-voi-bay-gio-a242822.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan