+Aa-
    Zalo

    Lưu giữ tình yêu thành phố bằng ký họa từ trái tim

    ĐS&PL Những di sản kiến trúc, phong cảnh và nhịp sống của các thành phố trở nên đặc biệt và đầy sức sống hơn khi được tranh ký họa lưu giữ qua nét vẽ đa dạng, phong phú.

    Những di sản kiến trúc, phong cảnh và nhịp sống của các thành phố trở nên đặc biệt và đầy sức sống hơn khi được tranh ký họa lưu giữ qua nét vẽ đa dạng, phong phú.

    Ký ức lớn lao từ những nét vẽ

    Những di tích lịch sử, những công trình kiến trúc nghệ thuật, hay những dãy phố, con đường, phương tiện giao thông, thậm chí gánh hàng rong, tất cả đều là hình ảnh đặc trưng của đô thị. Tất cả đều gắn bó thân thiết với cuộc đời mỗi con người. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại đang vô tình cuốn trôi các giá trị tinh thần và vật chất này. Những công trình gắn bó với dòng chảy văn hóa và lịch sử, gắn bó với bao thế hệ con người Việt Nam, đang dần bị san phẳng, quên lãng dưới sức ép của một nền kinh tế đang phát triển, cũng như sự biến đổi quá nhanh của tiến trình đô thị hóa.

    Triển lãm Phố bên đồi được tổ chức để lưu giữ nét đẹp thành phố Đà Lạt.

    Vì vậy, đã có nhiều nhóm họa sĩ, kiến trúc sư từ Bắc vào Nam đang cùng nhau tổ chức vẽ ký họa các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Lạt, Hội An với mong muốn chung tay lưu giữ, chia sẻ những giá trị cuộc sống. Trong đó, Urban Sketchers Vietnam được thành lập từ năm 2013 hiện là hội nhóm có đông đảo thành viên nhất.

    Urban Sketch là khái niệm ký hoạ đô thị đã được phổ biến ở các nước trên thế giới. Đây là hình thức ghi vẽ và chép lại cảnh quan, nhà ở, các sản phẩm của đô thị hay bất cứ những gì mà người họa sĩ quan sát thấy và tự cảm xúc được. Kiến trúc sư Vũ Đức Chiến, trưởng nhóm Ký họa đô thị Việt Nam cho biết, sau 5 năm thành lập, nhóm có hơn 5.000 thành viên, đã ký họa ở nhiều nơi trong nước như TP.HCM, Hội An, Hà Nội, Hà Giang... và cả nước ngoài như Penang, Mallaca (Malaysia), Singapore...

    Mỗi cuối tuần, nhóm cùng nhau di chuyển đến một địa điểm văn hóa để ký họa. “Chỉ cần một tờ giấy, một cây bút, bạn đã tự mình ghi lại một “ký ức đô thị”. Từ đó, bạn sẽ cảm nhận rõ nét hơn những giá trị văn hóa cần được bảo tồn và lưu truyền, bao gồm cả giá trị vật thể (nhà cửa, các phương tiện) cho đến giá trị phi vật chất (tín ngưỡng, phong tục, tập quán, ngôn ngữ...). Nhiều ý kiến cho rằng, vì sao chúng tôi không chụp một bức hình, chỉ tốn vài giây, thay vì ngồi dưới trời nắng nóng hàng giờ liền? Chụp hình là một trải nghiệm hay. Nhưng với vài giây, liệu có đủ để chiêm nghiệm các giá trị của thời gian, để có một ký ức thú vị hay không”, KTS.Vũ Đức Chiến cho biết.

    Chỉ một trang giấy hay quyển sổ nhỏ và cây bút, màu nước, những người yêu thích ký họa có thể đứng ở bất kỳ góc phố nào, thời gian nào để ghi chép những gì diễn ra xung quanh cuộc sống. KTS. Trần Thị Thanh Thủy, giảng viên đại học Kiến trúc Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi lưu lại cảm xúc thông qua các tác phẩm ký họa để những công trình, danh lam thắng cảnh trở thành ký ức đẹp, hình ảnh đẹp ở những nơi chúng tôi đi qua. Tác phẩm ký họa dễ hiểu, ai cũng có thể tiếp cận nên sức truyền cảm dễ lan tỏa”.

    Lưu giữ để tìm lại

    Hiện nay, Urban Sketchers Vietnam đã có các nhóm nhỏ trải rộng khắp các thành phố lớn như TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội,... “Trong đó, nhóm ký họa Hà Nội đã và đang thu hút đông đảo các thành viên nhỏ tuổi tham gia. Đó là một trong các thành quả chúng tôi vô cùng tự hào suốt quá trình hoạt động. Còn gì tuyệt diệu bằng khi các mầm non tương lai có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn các giá trị di sản của đô thị”, KTS.Vũ Đức Chiến cho hay.

    Nét kiến trúc độc đáo của Bưu điện TP.HCM qua ký họa.

    Còn tại TP.HCM, ký họa đô thị đang lưu giữ lại những cảnh vật quý giá như Thương xá Tax, chợ Bến Thành, dinh Thượng Thư,... “Từ những trải nghiệm trong hơn 8 năm gắn bó với TP.HCM, chứng kiến nhiều sự đổi thay của thành phố, chúng tôi hiểu ra rằng bên cạnh sự phát triển cũng có những điều quen thuộc mà thành phố này dần mất đi. Nếu không tìm cách lưu giữ, chúng sẽ mất đi mãi mãi”, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Trí chia sẻ.

    Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch hội Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhận xét: “Bằng sở thích đam mê ký họa, các tác giả lưu giữ lại những hình ảnh kiến trúc, đời sống văn hóa, thậm chí là các mô típ trang trí mang tính đặc trưng của đô thị đang dần bị biến mất. Nhiều tác phẩm được thể hiện khá chính xác, bố cục đẹp, kỹ thuật, chất liệu và bút pháp khá phong phú, ghi lại cảm xúc trung thực của tác giả, mang lại những cảm xúc thẩm mỹ cho người xem. Từ đó, giúp người dân và cả khách du lịch hiểu hơn về di sản và những giá trị văn hóa lịch sử, khơi dậy tình yêu, sự trân trọng và bảo vệ di sản. Trước sự biến đổi của đô thị thì việc ghi chép bằng ký họa rất hữu ích, có ý nghĩa không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai”.

    Không chỉ nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, phong trào vẽ ký họa đô thị còn được các cơ quan Nhà nước ủng hộ. “Có lần, chúng tôi đi ký họa tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các cán bộ sở Quy hoạch Kiến trúc nơi đây rất tạo điều kiện, thậm chí còn chia sẻ công tác tổ chức triển lãm để giới thiệu đến người dân”, họa sĩ Quốc Bảo nói.

    Tháng 12 vừa qua, nhân kỷ niệm 125 năm TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng cộng đồng vẽ ký họa để thực hiện dự án Phố bên đồi với mục đích nâng cao nhận thức về việc giữ gìn và phát triển các công trình kiến trúc cổ, nghệ thuật, cảnh quan đô thị Đà Lạt. Dự án bao gồm rất nhiều hoạt động, ký họa đô thị là một trong những hoạt động chính của dự án. Những hoạt động về vẽ hoặc chụp cảnh quan đô thị kiến trúc cổ tại Đà Lạt sau đó mang đi triển lãm, không chỉ dành cho các trẻ em khu vực trung tâm mà còn cho trẻ em ngoại ô, như các em bé dân tộc Cil.

    Họa sĩ Nguyễn Trung Hiền bày tỏ: “Chúng tôi muốn vun đắp sự tự hào về di sản và bồi dưỡng nhận thức để bảo tồn di sản bằng việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại đa hình thái. Dự án kỳ vọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của Đà Lạt, định vị hình ảnh của Đà Lạt như một điểm đến văn hóa mới của Đông Nam Á”¦

    Hà Nhân

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Tháng số Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/luu-giu-tinh-yeu-thanh-pho-bang-ky-hoa-tu-trai-tim-a260634.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan