Mới sống được một ngày ngắn ngủi, mầm cây trên Mặt Trăng đã chết giữa cái lạnh -170 độ C


Thứ 5, 17/01/2019 | 08:21


Cùng sự kiện

Sau khi công bố tàu đổ bộ Hằng Nga 4 trồng cây thành công ở phần tối mặt trăng, Trung Quốc một ngày sau buộc phải thừa nhận mầm cây bông đã chết.

Sau khi công bố tàu đổ bộ Hằng Nga 4 trồng cây thành công ở phần tối mặt trăng, Trung Quốc một ngày sau buộc phải thừa nhận mầm cây bông đã chết.

Theo hình ảnh do Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) công bố hôm 15/1, hạt giống cây bông mà tàu vũ trụ Hằng Nga 4 mang lên vùng tối Mặt Trăng nảy mầm thành công. Tuy nhiên, mầm cây chết rất nhanh do không chịu được các điều kiện khắc nghiệt ở nơi này.

Mới sống được một ngày ngắn ngủi, mầm cây trên Mặt Trăng đã chết giữa cái lạnh -170 độ. Ảnh: CNSA

Mầm cây phụ thuộc vào ánh sáng Mặt Trời trên bề mặt Mặt Trăng. Khi đêm xuống và nhiệt độ ở vùng tối hạ thấp tới -170 độ C, nó không thể sống sót. Giáo sư Xie Gengxin tại Đại học Trùng Khánh cho biết, tuổi thọ ngắn ngủi của cây bông đã nằm trong dự đoán. "Sự sống bên trong hộp cây không thể vượt qua được đêm Mặt Trăng", Giáo sư Xie Gengxin nói.

Tàu Hằng Nga 4 tiến vào chế độ ngủ hôm 13/1, trải qua đêm Mặt Trăng đầu tiên kể từ khi hạ cánh. Ban đêm tại đây kéo dài khoảng hai tuần. Sau thời gian này, con tàu sẽ tỉnh lại.

Xe tự hành Thỏ Ngọc 2 cũng phải nghỉ ngơi vào buổi trưa để tránh bị nung nóng khi Mặt Trời chiếu thẳng phía trên và mức nhiệt có thể lên đến 120 độ C. Khác với Trái Đất, Mặt Trăng không có khí quyển để giảm nhẹ sự biến đổi nhiệt độ quá lớn.

Cây và hạt giống sẽ dần phân hủy bên trong hộp đựng và không ảnh hưởng đến môi trường trên Mặt Trăng, theo CNSA. Các phi hành gia từng trồng cây trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, nhưng đây là lần đầu tiên cây mọc trên Mặt Trăng.

Ngoài bông, tàu vũ trụ Trung Quốc còn mang theo hạt giống khoai tây, nấm men, hạt cải, nhưng không loại nào có dấu hiệu nảy mầm. Trứng ruồi giấm cũng được đặt vào hộp cây. Các chuyên gia từng hy vọng một hệ sinh thái mini sẽ hình thành, trong đó thực vật cung cấp oxy cho ruồi giấm, ruồi giấm ăn nấm men và tạo ra CO2 cần thiết cho quá trình quang hợp.

CNSA chưa xác nhận việc trứng ruồi giấm đã nở hay chưa. "Ruồi giấm là những sinh vật tương đối lười. Có thể chúng sẽ không chui ra.

Giáo sư Xie Gengxin  tuyên bố rằng thí nghiệm sinh quyển đã kết thúc. Khả năng bất kỳ hạt giống hoặc nấm men và ruồi giấm khác có thể sống tiếp là bằng không.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/moi-song-duoc-mot-ngay-ngan-ngui-mam-cay-tren-mat-trang-da-chet-giua-cai-lanh--170-do-c-a259737.html