Mùa lũ cận kề, hạ du Quảng Nam cần chú trọng chống ngập lụt


Chủ nhật, 07/10/2018 | 02:31


Cùng sự kiện

Chỉ tính trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã có trên 40 dự án thủy điện, thủy lợi. Vấn đề chống và giảm thiệu tác hại mùa lũ rất đáng được quan tâm.

Chỉ tính trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã có trên 40 dự án thủy điện, thủy lợi. Mùa mưa lũ sắp đến, cộng với việc loạt hồ chứa này sẽ xả nước tất yếu gây ngập lụt cho hạ du. Vấn đề chống và giảm thiệu tác hại mùa lũ rất đáng được quan tâm.

Âu lo mùa mưa lũ

Bước vào tháng 10/2018, cũng là lúc miền Trung vào mùa mưa bão. Cái chu kỳ của thiên nhiên lặp đi lặp lại suốt bao năm qua. Còn với triệu người dân, mưa bão đến, lòng họ lại chất chứa những âu lo.

Trong đó, tỉnh Quảng Nam là một địa phương thường gánh chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão nhất. Như các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang..., người dân luôn trong tình trạng nơm nớp mối lo sạt lở núi. Còn vùng đồng bằng các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên,... trong tình trạng sạt lở bờ sông. Nhưng có lẽ, chất chứa nhất của người dân hạ du xứ Quảng là chuyện ngập lụt. Bởi, ở địa phương có trên 40 thủy điện, thủy lợi, mỗi mùa mưa về các hồ chứa này thường xả nước gây lũ chồng lũ, ngập lụt diện rộng. Hiện có gần 1.500 hộ dân với trên 5.600 nhân khẩu nằm trong vùng ngập lụt, thấp trũng, ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cần di dời mỗi mùa mưa lũ đến năm nay.

Mùa mưa đến cùng hệ thống thủy điện, hồ chứa xả nước mạnh luôn khiến hạ du Quảng Nam ngập trong diện rộng.

"Mùa mưa đến rất lo lắng. Ở vùng cao thì sạt lở cô lập, còn chúng tôi ở hạ du thì luôn ngập lụt. Đáng nói là mấy năm qua, lũ lụt đến rất nhanh, quét trên diện rộng. Do mưa nhiều, thủy điện, hồ chứa thượng nguồn xả nước ầm ầm. Xả nhanh quá, người dân chạy không kịp... ", ông Nguyễn Lê Lý, trú huyện Đại Lộc giãi bày.

Ông Lê Trung Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên thì nói rằng, cứ vào mùa mưa bão, nước mưa cộng với thủy điện xả lũ khiến lượng nước từ đầu nguồn sông Ly Ly chảy xuống rất lớn gây nên tình trạng sạt lở ven bờ sông, ảnh hưởng đến 100 hộ dân trên địa bàn xã. Lũ cũng gây ra bồi lấp cát trên đất hoa màu của bà con khoảng hơn 4 ha, khiến người dân không thể sản xuất được. Ở mùa mưa lũ sắp đến này, chính quyền xã cũng đã kiến nghị cấp trên xem xét xây kè chống sạt lở.

Trong khi đó, theo UBND huyện Đại Lộc, mùa mưa lũ năm nay, địa phương lên kế hoạch di dời đến nơi an toàn hơn 500 hộ dân ở vùng sạt lở, thấp trũng nhằm tránh các đợt lũ. Do nằm bên bờ sông Vu gia - Thu Bồn nên UBND huyện Đại Lộc đang tiến hành khảo sát và báo cáo xin đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn, đảm bảo an toàn tính mạng cũng như hoạt động sản xuất của bà con mỗi mùa mưa lũ đi qua.

Đó là chuyện của tương lai xa, còn trước mắt, khi mùa lũ 2018 cận kề, UBND huyện Đại Lộc huy động người dân trồng tre, nứa ven sông, hạn chế tác động của dòng nước gây sạt lở bờ sông. Theo đơn vị này, khó khăn hiện nay là những vùng thấp trũng, vùng sạt lở khi đến mùa lũ của địa bàn quá lớn. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện cũng như xã phải rất vất vả di dời các khu vực này đến những nơi cao ráo để tránh lũ.

Hệ thống thủy điện, thủy lợi trên sông Thu Bồn - Vu Gia dày đặc, Quảng Nam cần chủ động ứng phó khi mùa mưa cận kề.

Những giải pháp căn cơ

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng (ông Thắng hiện là chuyên gia Quản lý tài nguyên nước và môi trường lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn) cho rằng, mùa mưa lũ năm 2018 sắp đến, vấn đề ứng phó cần được nhắc đến một cách nghiêm túc. Qua đó, hạn chế những thiệt hại từ lũ lụt, thiên tai... 

Cũng theo chuyên gia này, vấn đề trong việc hạn chế ảnh hưởng của thủy điện, các hồ chứa đến vùng hạ du, vũng trũng gây ngập lụt vào mùa lũ mỗi năm ở tỉnh Quảng Nam đã được đưa ra bàn nhiều ở các hội thảo. Cá nhân ông Thắng cũng đã từng đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp. Theo đó, căn cơ nhất là phải xem xét lại quy trình vận hành điều tiết nước mùa lũ lẫn mùa khô của các thủy điện, hồ chứa.

"Vào mùa mưa lũ, cách làm của các đơn vị vận hành thủy điện hiện đa số như sau: Họ sợ sau trận mưa lũ này sẽ không còn mưa nữa nên tích nước lũ lại. Nhưng một hồ chứa thủy điện không là gì cả so với trận lũ nên rất nhanh chóng lòng hồ sẽ đầy ngay. Mà đã vào mùa mưa lũ thì hết trận này đến trận khác kéo dài trong nhiều tháng liền. Tức, thời gian sau đó lại có lũ, lũ lớn hơn nữa, nhưng lòng hồ đã đầy, mực nước vượt chuẩn an toàn thì người ta vội vàng vận hành xả. Lũ chồng lũ, những cơn lũ cuối mùa thường gây thiệt hại nặng nề nhất cho hạ du cũng có phần đến từ nguyên nhân này", ông Thắng phân tích.

Nguồn tin từ văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh này vừa có họp bàn công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai năm 2018. Đặc biệt, công tác phối hợp trong quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ được chú trọng. Ngoài các phương án tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, quản lý hồ chứa, thủy điện..., năm 2018 này, tỉnh Quảng Nam triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai đặc biệt như lập trang Facebook “Quảng Nam- Thông tin phòng chống thiên tai” để thông tin nhanh nhất mọi di biến động cho người dân...

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị, các chủ hồ thủy điện, thủy lợi lên phương án ứng phó thiên tai năm 2018; điều chỉnh quy trình vận hành đơn hồ cho phù hợp với quy trình vận hành liên hồ. Trong quá trình vận hành, hết sức lưu ý quá trình xả lũ, phải điều chỉnh phù hợp, không để tăng đột ngột gây nguy hiểm, ngập lụt nặng nề cho hạ du. Các chủ hồ thủy điện, thủy lợi phải đảm bảo phối hợp thông tin tốt với các địa phương vùng hạ du trong suốt mùa lũ, từ đó có những thông tin xả lũ chính xác, nhanh chóng đến vùng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, các địa phương vùng trũng tăng cường phối hợp kiểm tra hành lang an toàn thoát lũ.

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/mua-lu-can-ke-ha-du-quang-nam-can-chu-trong-chong-ngap-lut-a246733.html