Những “chiến binh” kiêu hùng giải “cơn khát vàng” cho bóng đá Việt Nam


Thứ 5, 07/02/2019 | 00:00


Cùng sự kiện

Sự nghiệp cầu thủ đỉnh cao tuy lắm vinh quang nhưng các cầu thủ phải chấp nhận là họ có rất ít thời gian bên gia đình, ngay cả trong những ngày Tết đến Xuân về.

Sự nghiệp cầu thủ đỉnh cao tuy lắm vinh quang nhưng “mất mát” cũng không ít. Một trong những sự đánh đổi mà các cầu thủ phải chấp nhận là họ có rất ít thời gian bên gia đình, ngay cả trong những ngày Tết đến Xuân về.

Tuổi thơ khó khăn, xa gia đình từ nhỏ

Quyết định để con xa gia đình khi còn nhỏ luôn là điều khó khăn, đến bây giờ, bà Dương Thị Cúc, mẹ của Quang Hải vẫn cảm thấy bồi hồi khi nhớ về những năm tháng ấy. Là người phát hiện ra năng khiếu đá bóng của con và động viên Hải đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp, khi kể về câu chuyện cho con theo đuổi đam mê bóng đá, mẹ của cầu thủ sinh năm 1997 vẫn còn nghẹn ngào.

Bà nói: “Quyết định để con rời xa gia đình, xa vòng tay bố mẹ năm ấy không hề dễ dàng. Ở tuổi lên 9, chưa tự chăm lo cho bản thân được, người con đen nhẻm, bé nhỏ hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Tôi sợ con không có bố mẹ ở bên quan tâm, chăm sóc sẽ thiệt thòi, tủi thân. Mấy hôm liền tôi thức trắng đêm suy nghĩ, cân nhắc, có lần đến bữa cơm tôi bảo: “Hay thôi ở nhà với mẹ, lên đấy rồi ai chăm con”.

Hải buông vội bát cơm nói: “Con sẽ tự chăm mình được, mẹ cho con đi nhé”. Tôi chưa trả lời, con nhất định không ăn cơm. Trước sự quyết tâm của con, hai vợ chồng tôi đồng ý cho con lên trung tâm huấn luyện”.

Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2018.

Theo lời kể của bà Cúc, khó khăn lớn nhất mà Quang Hải gặp phải từ trước cho đến năm 2017 là vấn đề về kinh tế. Đôi mắt rưng rưng, bà nghẹn ngào: “Khi đó hai vợ chồng tôi nghèo lắm, kinh tế khó khăn, quanh năm làm ruộng, chỉ quẩn quanh trong lũy tre làng. Có bao giờ nghĩ đến việc cho con làm cầu thủ bóng đá đâu. Thấy con đam mê bóng đá nên gia đình đã cố gắng tạo điều kiện cho con theo đuổi ước mơ”.

Chính nhờ người bố nuôi nâng đỡ nên kể từ đây cuộc đời của Hải đã sang một trang mới, có được một cuộc sống luôn gắn liền với niềm đam mê bóng đá. Và bây giờ, nói không quá, Hải là một trong những cầu thủ sáng giá nhất của Việt Nam, với kỹ thuật và tài năng thiên bẩm được rèn luyện qua những năm tháng đầy khó khăn.

Giống như Hải, Phan Văn Đức, chàng tiền đạo nhỏ con quê Nghệ An cũng có một tuổi thơ đầy khó khăn. Theo lời bà Vũ Thị Hiền, mẹ của Đức, chàng trai sinh năm 1996 ngay từ nhỏ đã mê mẩn với trái bóng, và mong ước trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp để có thể chăm lo cho gia đình.

Năm 2007, với tài năng của mình, Phan Văn Đức được tuyển thẳng vào lò đào tạo trẻ của Sông Lam Nghệ An. Thời điểm này, vợ chồng bà Hiền không muốn cho Đức đi nhưng thấy em nằng nặc đòi bằng được theo nghiệp đá bóng, bà Hiền đã đồng ý đưa Đức đến CLB để nhập học.

“Thời điểm này vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chồng tôi phải vào miền Nam làm việc. Dự định của vợ chồng là đưa 2 người con cùng vào. Nhưng thấy Đức đam mê bóng đá quá nên chúng tôi bàn nhau tạo điều kiện cho con tham gia. Mình chỉ định hướng còn quyết định cuối cùng là ở con. Hơn nữa vào CLB, Đức ăn uống tập thể với bạn bè nên chúng tôi cũng đỡ lo”, bà Hiền nói.

Trong những năm đầu Phan Văn Đức không có lương, chỉ được CLB trợ cấp hơn 700.000 đồng/tháng. Số tiền đó chỉ đủ cho Văn Đức trang trải những thứ lặt vặt như mua kem đánh răng, xà bông... Phải đến tháng 2/2016, Văn Đức mới được đôn lên đội 1 và có màn ra mắt V- League trong trận SLNA tiếp Hải Phòng. Lúc này, Văn Đức nhận mức lương 3,6 triệu đồng/tháng.

Tương tự Quang Hải và Văn Đức, những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy cũng đã phải vượt qua khó khăn, chịu đựng sự thiếu thốn tình cảm từ phía gia đình để theo đuổi ước mơ. Họ đều phải xa gia đình từ khi chỉ là đứa trẻ 10-12 tuổi, với họ thời gian đầu đầy những gian nan, khổ cực...

Những cái Tết không trọn vẹn

Có thể nói đối với nghiệp cầu thủ, để có được thành công trên sân cỏ thì họ phải hy sinh rất nhiều trong cuộc sống, Văn Toàn là một người như vậy. Gia nhập lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai từ khi còn nhỏ, những tháng ngày sống xa người thân ở mảnh đất cao nguyên nắng gió biến Văn Toàn từ một đứa trẻ thấp bé mảnh khảnh trở thành một chàng trai chín chắn.

Bà Tăng Thị Đua, mẹ Văn Toàn kể: "Nó không bao giờ than phiền. Chỉ sau này khi đọc lại nhật ký của con, tôi mới biết Toàn đã có những lúc bật khóc tủi thân vì phải sống xa bố mẹ".

Lần đầu tiên Văn Toàn được đá chính trong màu áo đội tuyển Việt Nam là từ tháng 3/2016. Đó cũng là thời điểm ông nội Toàn ốm liệt giường rồi qua đời.

“Văn Toàn bước vào trận đấu với Đài Loan khi ông nội đang nằm ốm liệt giường. Khi Toàn ghi bàn thắng thứ 2, tôi thông báo cháu trai đã lập công, ông nghe xong chảy nước mắt và qua đời ngay trước khi trận đấu khép lại. Gia đình giấu thông tin này với Văn Toàn đến sau trận chung kết, nhưng đứa cháu đích tôn vẫn sớm biết ông nội qua đời nhờ thông tin từ bạn bè. Một năm sau đó, đến lượt bà nội của Toàn qua đời. Vì bận thi đấu ở Nhật Bản nên Toàn cũng không được nhìn mặt bà lần cuối”, mẹ Văn Toàn nói trong nước mắt.

Với Đức Huy, tiền vệ này cho biết, đã là cầu thủ chuyên nghiệp thì việc phải xa gia đình thường xuyên để tập luyện cũng như thi đấu là việc không thể tránh khỏi.

Cầu thủ đa năng của CLB Hà Nội tâm sự: “Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, đã nhiều lúc vì quá nhớ nhà mà em đã có ý định muốn từ bỏ bóng đá để về với gia đình. Trong khi các bạn cùng trang lứa vẫn được bao bọc trong vòng tay của bố mẹ thì bọn em đã phải tự lập, phải tự giặt quần áo, tự sắp xếp đồ đạc nên em cũng tủi thân lắm”.

“Sau này, khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp thì em cũng trưởng thành hơn nên nỗi nhớ nhà cũng vơi đi. Bọn em cũng quen với việc không được ăn Tết bên gia đình. Hầu như những ngày Tết Dương lịch thì bọn em vẫn phải tập luyện và thi đấu. Sắp tới cũng vậy, đầu năm 2019 em cùng ĐTQG Việt Nam thi đấu ở Asian Cup 2019 nên cũng không được ăn Tết cùng bố mẹ”, Đức Huy chia sẻ.

Cái Tết mà Đức Huy không được ở bên gia đình và người thân khiến tiền vệ của CLB Hà Nội cảm thấy buồn và nhớ nhà nhất là cách đây ba năm. Huy cho biết: “Bình thường, em vẫn được đón Tết cổ truyền bên gia đình và chỉ phải tập trung trở lại sau mồng 2 nhưng ba năm trước thì không được như vậy. Hồi ấy em cùng CLB Hà Nội T&T phải sang Hàn Quốc thi đấu AFC châu Á”.

Tết đến gần, có lẽ những người cha, người mẹ là những người thương con, nhớ con nhất. Theo lời kể của bà Lan, mẹ của cầu thủ Duy Mạnh, đã nhiều cái Tết trôi qua, cậu con trai bà không có những ngày trọn vẹn bên gia đình. Niềm an ủi khi đó của bà là những tin nhắn hỏi thăm của con.

“Thời gian Duy Mạnh được về thăm gia đình là rất ít, Tết có khi chỉ được về ba ngày rồi lại đi nên thời gian được ở bên gia đình, Mạnh luôn hỏi thăm sức khỏe và tình hình ở nhà của mọi người. Bên cạnh đó, Mạnh cũng không quên chia sẻ những câu chuyện khó khăn, vất vả khi đi thi đấu, tập luyện của mình cho gia đình nghe. Dù có bận rộn đến đâu, thi đấu trong hay ngoài nước thì Mạnh luôn hướng về gia đình của mình”, ông Thụy, bố của Duy Mạnh tâm sự.

Trong năm 2018 đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã có bảng thành tích ấn tượng, khởi đầu bằng vị trí Á quân giải U23 châu Á, tiếp nối với hạng 4 ASIAN Cup và kết thúc bằng chức vô địch AFF Cup. Các cầu thủ và HLV Park Hang-seo được ngợi ca như những người hùng. Nhưng ít ai biết rằng, ánh hào quang ấy phải trả giá bằng những giọt mồ hôi, máu và nước mắt. Cũng ít người biết những “đôi chân vàng” của bóng đá Việt Nam đã phải vượt qua những gì để có được thành công ngày hôm nay.

Nhóm PV

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-chien-binh-kieu-hung-giai-con-khat-vang-cho-bong-da-viet-nam-a260892.html