Nữ thủ khoa dân tộc Mường gạt nước mắt từ bỏ giảng đường đại học


Thứ 6, 10/08/2018 | 03:01


Cùng sự kiện

Từng là học sinh giỏi nhiều năm liền, trúng tuyển đại học với vị trí thủ khoa nhưng nữ sinh sẽ phải nghỉ học để đi làm phụ gia đình.

Từng là học sinh giỏi nhiều năm liền, trúng tuyển đại học với vị trí thủ khoa nhưng nữ sinh sẽ phải nghỉ học để đi làm phụ gia đình.

Giáo viên chủ nhiệm tiếc cho trò nghèo

“Đã mấy đêm rồi cô mất ngủ vì suy nghĩ miên man về những học trò nghèo khó nhưng hiếu học. Trong 12 năm đi dạy, chưa bao giờ cô có học sinh đậu thủ khoa như năm nay. Nhưng cô chẳng dám vui vì em bảo rằng: "Cô ơi! Em cũng muốn được đi học đại học lắm nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn nên em sẽ đi làm". Cô đã cố gắng động viên gia đình em để em được tiếp tục thực hiện ước mơ nhưng.... Cô buồn quá em à!”, cô Lê Thị Hoa (giáo viên trường THPT Thọ Xuân 5, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ dòng trạng thái trên Facebook khi hay tin học sinh lớp mình đỗ thủ khoa nhưng không có khả năng nhập học.

Từ dấu chấm lửng trên dòng tâm sự của cô giáo Lê Thị Hoa, chúng tôi được biết gia cảnh của thí sinh đỗ thủ khoa Hà Thị Nhung thật thương cảm.

Thí sinh Hà Thị Nhung, trường THPT Thọ Xuân 5 (tỉnh Thanh Hóa) vừa đỗ thủ khoa ngành Tâm lý giáo dục của học viện Quản lý giáo dục (TP.Hà Nội) với 25,75 điểm.

Dù là con út trong gia đình nghèo, nhưng nữ sinh luôn ý thức học hành chăm chỉ và đạt học lực giỏi.

Nhung kể, em là học sinh giỏi liên tục trong 3 năm ở bậc phổ thông. Đây là năm học mà em háo hức nhất vì sau kỳ thi THPT Quốc gia này, em sẽ chọn cho mình một ngành học yêu thích để có nghề nghiệp ổn định trong tương lai.

Tuy nhiên, vì gia cảnh quá khó khăn nên khả năng em buộc phải tạm gác lại ước mơ ngồi trên giảng đường đại học.

Cô giáo chủ nhiệm tiếc cho học trò của mình vì hoàn cảnh mà gác lại giấc mơ giảng đường đại học.

“Em là dân tộc Mường, hiện sống tại thôn Làng Pheo, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, có tất cả 7 anh chị em, em là con út. Bố mẹ em đã ngoài 60 tuổi, bố thì bị bệnh tim nặng phải đi viện hàng tháng, không làm được gì. Mẹ em làm nông trên mảnh đất nhỏ phải thuê mướn của người ta nên cuộc sống rất khó khăn”, Nhung kể về gia cảnh khốn khó.

Sẽ nghỉ học đi làm công nhân trước

Được biết, thôn Làng Pheo thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của xã Xuân Phú. Nơi đây đất đai cằn cỗi, cư dân thưa thớt và là địa bàn có nhiều người Mường sinh sống. Phần đông các gia đình nơi đây đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc cũng chỉ đắp đổi qua ngày.

Nhận xét về học sinh Nhung, cô Lê Thị Hoa giáo viên chủ nhiệm của em cho biết: “Nhung là học sinh rất ngoan hiền, luôn nỗ lực hết mình. Em sống rất tốt và có mối quan hệ hòa nhã với bạn bè, thầy cô. Em có hạnh kiểm Tốt, học lực Giỏi. Em đạt giải nhì cấp trường và giải khuyến khích cấp tỉnh môn Địa lý năm 2017 – 2018”.

Tin tức - Nữ thủ khoa dân tộc Mường gạt nước mắt từ bỏ giảng đường đại học (Hình 3).

Gia đình của nữ sinh được chính quyền địa phương xác nhận là hoàn cảnh khó khăn thực sự


Bên cạnh đó, em còn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của trường lớp. Em luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hầu hết thầy cô giáo trong trường đều thấu hiểu và thương yêu em”.

Hiện tại Nhung đang đi làm may để phụ giúp gia đình và có thêm chút tiền trang trải cho cuộc sống. Em cho biết, vì mới đi làm được mấy ngày nên em cũng không biết sẽ được chủ trả lương cho bao nhiêu.

“Nếu có một phép màu, được ra TP.Hà Nội học, em sẽ cố gắng hết sức học tập để tốt nghiệp đúng thời hạn. Sau này ra trường, em không mong muốn gì nhiều, chỉ cần kiếm được công việc ổn định mà mình yêu thích, đó là trở thành nhà tư vấn tâm lý hay dạy kỹ năng sống cho học sinh là được rồi”, Nhung thật thà chia sẻ.

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nu-thu-khoa-dan-toc-muong-gat-nuoc-mat-tu-bo-giang-duong-dai-hoc-a239646.html