Siêu bão Mangkhut nối đuôi bão số 5 vào Biển Đông: Dự báo mưa lớn, lũ lụt


Thứ 3, 11/09/2018 | 13:06


Bão Mangkhut đã mạnh lên thành siêu bão, gió giật cấp 16 và hướng thẳng vào khu vực Biển Đông, nơi có bão số 5 – BARIJAT đang hoạt động.

Bão Mangkhut đã mạnh lên thành siêu bão, gió giật cấp 16 và hướng thẳng vào khu vực Biển Đông, nơi có bão số 5 – BARIJAT đang hoạt động.

Dự báo trong 24 giờ tới, cơn bão số 5 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 440km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ vùng tâm bão.

Siêu bão MANGKHUT sắp nối đuôi bão số 5 vào Biển Đông. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG

Trong khi đó, cơn bão Mangkhut cũng đang di chuyển về khu vực Bắc Biển Đông, đến chiều nay 11/9, Mangkhut đã đạt tới cấp siêu bão với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (sức gió 185-200km/giờ). Dự báo siêu bão Mangkhut sẽ di chuyển hướng khu vực Bắc Biển Đông trong khoảng 4 ngày tới.

Cũng trong sáng ngày 11/9, theo Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA), bão Mangkhut mạnh lên và tiến đến gần khu vực của Philippines.

Theo thông tin cập nhật mới nhất của PAGASA, siêu bão Mangkhut đang suy trì sức gió tối đa khoảng 170 km/h. Hiện tại, Mangkhut di chuyển theo hướng tây với tốc độ 25 km/h.

Dự báo vào chiều thứ Tư (12/9), bão Mangkhut sẽ tiến gần tới Phillippines và được gọi là "Ompong", cụ thể là cách đảo Luzon của Philippines khoảng 1.845 km về phía đông nam.

Báo cáo của PAGASA cho hay, tín hiệu cảnh báo về cơn bão nhiệt đới này có thể được nâng lên sớm nhất vào ngày 13/9. Dự báo, cơn bão sẽ đe dọa khu vực phía Bắc đảo Luxon và băng qua Cagayan-Batanes của Phillippines vào thứ Bảy (15/9).

Bên cạnh đó, bão Mangkhut được cho là sẽ làm tăng cường gió mùa tây nam, gây mưa và giông bão trên bán đảo Zamboanga, Tây Visayas và Palawan ở quốc gia này bắt đầu từ ngày 13/9.

Theo các chuyên gia, bão Mangkhut đi qua đảo Guam (vùng lãnh thổ ở phía Tây Thái Bình Dương) gây ra mưa lớn, nhiều cây cối bị đổ và đang di chuyển về khu vực Bắc Biển Đông trong khoảng vài ngày tới. Trong hoàn lưu ảnh hưởng của bão, nhiều khu vực có thể bị ngập lụt do mưa lớn.

nh ảnh vệ tinh của siêu bão Mangkhut  - Ảnh: Tri thức Trực tuyến

Để chủ động ứng phó với bão số 5, ngày 11/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 50 về việc chủ động ứng phó với bão số 5.

Theo đó, các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và ven biển Quảng Ninh đến Quảng Nam cùng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Văn hóa-Thể thao và Du lịch tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện các giải pháp ứng phó với bão. Các địa phương tổ chức kiểm đếm, theo dõi, hướng dẫn cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới, phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm cập nhật theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia). Đồng thời, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế trên biển và trên các đảo.

Khu vực đất liền cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để phòng, tránh, đặc biệt chuẩn bị phương án tiêu nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp, triển khai hiệu quả phương án theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Đây là thời điểm cuối mùa mưa, các hồ thủy điện, thủy lợi cơ bản đã tích đầy nước, công điện yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động phương án điều tiết, triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các công trình trọng điểm xung yếu, các sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, hầm lò, khu vực khai thác khoáng sản. Đặc biệt, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Các tỉnh miền núi chỉ đạo các tổ đội xung kích kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh, lưu ý những khu vực vừa ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức cắm biển cảnh báo, sẵn sàng lực lượng kiểm tra, tuần tra các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, các khu vực sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khô khi có lũ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để cung cấp cho các cơ quan đơn vị liên quan, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão, mưa lớn đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Quỳnh Chi  (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sieu-bao-mangkhut-noi-duoi-bao-so-5-vao-bien-dong-du-bao-mua-lon-lu-lut-a243630.html