So sánh sức mạnh quân sự giữa các nước trong cuộc chiến tại Syria


Thứ 7, 14/04/2018 | 03:17


Với những vũ khí hiện đại được trang bị, Nga và Syria sẵn sàng ứng phó với mọi tình thế có thể xảy ra.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu triển khai cuộc tấn công vào Syria cùng sự ủng hộ của Anh và Pháp. Với những vũ khí hiện đại được trang bị, Nga và Syria sẵn sàng ứng phó với mọi tình thế có thể xảy ra. 

Các tên lửa Tomahawk được Mỹ sử dụng thường bay ở tầm thấp và là loại vũ khí rất khó phát hiện đối với các hệ thống phòng không. Tomahawk cũng tỏa ra lượng nhiệt rất ít, vì vậy các thiết bị hồng ngoại cũng khó phát hiện chúng hơn.

Với sự hiện diện của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Donald Cook ở Địa Trung Hải, Mỹ có thể sẽ sử dụng tên lửa hành trình để tấn công các cơ sở hóa học của Syria. Chiến thuật này giúp các máy bay chiến đấu của Mỹ tránh được nguy cơ bị bắn hạ.

Căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông nằm ở Qatar. Tại đây, Mỹ triển khai các máy bay F-16 và A10, có khả năng xuất kích nhanh chóng. F-16 nổi tiếng là máy bay quân sự đáng tin cậy, linh hoạt và hiệu quả nhất thế giới. Máy bay này có tầm hoạt động lên tới 3.220 km, cho phép chúng hoạt động trong vùng chiến sự lâu hơn so với các máy bay khác. Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng có các máy bay ném bom B-52 tầm xa và từng triển khai chúng để tiêu diệt các mục tiêu tại Trung Đông trước đây.

Tàu hải quân Mỹ phóng tên lửa Tomahawk trong một cuộc diễn tập (Ảnh: Sputnik)

Vào tháng 4 năm ngoái, 2 tàu khu trục của Hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải đã phóng tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs của Syria. Washington cho rằng căn cứ này được sử dụng để lưu trữ vũ khí hóa học sử dụng trong vụ tấn công hóa học tại một thị trấn do phe nổi dậy chiếm giữ ở Syria, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Mỹ cũng từng sử dụng một căn cứ không quân để chuyển quân và trang thiết bị bằng các máy bay vận tải quân sự C130 và C17, tại Kobane, một thị trấn nhỏ của người Kurd ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, phía bắc Syria. Các máy bay vận tải này lớn tới mức có thể chở được các máy bay nhỏ hơn như trực thăng, ngoài ra cũng có thể được dùng để tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu trên không.

Về sức mạnh Hải quân, Mỹ đang triển khai số lượng lớn máy bay chiến đấu trên các tàu sân bay của nước này ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, Washington có thể chưa bất chấp rủi ro để triển khai dàn máy bay này vào không phận Syria ngay lập tức.

Hệ thống phòng không nhiều lớp S-400 đã được Nga triển khai tới Syria sau khi một máy bay của Nga bị bắn hạ ở đây, tuy nhiên cho đến nay S-400 vẫn chỉ đóng vai trò như một lá chắn phòng thủ.

Hệ thống phòng không S-400 có thể đánh chặn 3 loại tên lửa và được cho là đủ khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trên không, gồm các loại máy bay và tên lửa, trong phạm vi 400 km với tốc độ và độ chính xác đáng kể. S-400 của Nga gần như che phủ toàn bộ lãnh thổ Syria.

Nga cho biết hệ thống phòng không S-400 thậm chí có khả năng tiêu diệt cả các máy bay tàng hình hiện đại của đối phương. Với tầm phủ sóng vượt ra ngoài lãnh thổ Syria, S-400 có thể phát hiện và xử lý các mục tiêu từ trước khi chúng tiến vào không phận Syria.

Các bước đánh chặn máy bay của hệ thống phòng không S-400 (Ảnh: BBC)

Ngoài ra, Không quân Nga được cho là triển khai một số loại máy bay tại Syria như các máy bay ném bom Sukhoi-24, máy bay chiến đấu Sukhoi-25, máy bay chiến đấu đa nhiệm, máy bay vận tải, máy bay do thám và máy bay chiến đấu trực thăng. Nhiều máy bay được Nga triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim tại Syria - nơi Nga xuất kích các máy bay để tiến hành không kích các nhóm phiến quân. Trong khi đó, căn cứ Shayrat được Moscow sử dụng như một căn cứ tiền tuyến cho các trực thăng tấn công Mi-24 và Mi-35.

Trên Địa Trung Hải, Nga cho biết từng sử dụng tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm Rostov-on-Don để tấn công các mục tiêu tại Syria. Nga cũng phóng rocket từ các tàu chiến trên biển Caspian để tiêu diệt các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Theo BBC, Bộ Quốc phòng Anh đang cân nhắc và sẵn sàng triển khai lực lượng tới Syria. Lực lượng này bao gồm hàng loạt máy bay chiến đấu đang đồn trú tại căn cứ Akrotiri của Không quân Hoàng gia Anh ở Cyprus. Anh có thể xuất kích các máy bay này vào bất kỳ lúc nào.

Ngoài ra Anh cũng có 8 máy bay Tornado được trang bị tên lửa dẫn đường chính xác tại Akrotiri. Các máy bay chiến đấu Typhoon của Anh đang hoạt động tại khu vực Trung Đông và tiến hành nhiều cuộc không kích ở Iraq trong những năm gần đây. Máy bay này được trang bị bom Paveway IV có tia laser dẫn đường và các tên lửa không đối đất Brimstone để tấn công mục tiêu.

Máy bay không người lái MQ-9 của Anh (Ảnh: BBC)

Ngoài ra, Anh cũng có phi đội máy bay không người lái tại Trung Đông, với khoảng 10 chiếc Reaper từng tham gia các chiến dịch tại Iraq và Syria. Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Anh có thể bay cao hơn 15 km và có tầm hoạt động 1.850 km và có thể mang các tên lửa Hellfire chống tăng.

Trong khi đó, các máy bay trinh sát Rivet của Anh có thể hoạt động trong bất kỳ thời tiết nào. Chúng đang được triển khai sẵn sàng và từng tham gia các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu ở Iraq. Tuy nhiên, Anh chưa có tàu ngầm tại Địa Trung Hải và một chiếc được cho là sắp tới khu vực này trong vài ngày tới.

Pháp đang triển khai các máy bay chiến đấu Mirage và Rafale tại Jordan và UAE để tấn công các mục tiêu của IS tại Syria và Iraq. Mỗi máy bay này có thể mang tới 4 quả bom 250 kg được dẫn đường bằng tia laser.

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp (Ảnh: Getty)

Tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Hải quân Pháp từng được triển khai tới Trung Đông để tham gia các chiến dịch chống IS. Con tàu 38.000 tấn này có thể mang theo kho tên lửa và bom cùng thủy thủ đoàn gồm hơn 1.900 người.

Hệ thống phòng không của Syria bị thiệt hại nặng nề trong các cuộc tấn công gần đây của Israel, song vẫn được xem là mối đe dọa với bất kỳ máy bay nào do các tên lửa của hệ thống này bay với tốc độ đủ nhanh để bắn hạ máy bay. Syria cũng triển khai nhiều hệ thống radar phức tạp do Trung Quốc cung cấp.

Hệ thống phòng không Syria có năng lực mạnh, gồm chủ yếu các tên lửa S-200. Tên lửa S-200 được thiết kế với tốc độ bay lên tới Mach 8, được dẫn đường bằng radar tới mục tiêu trước khi kích nổ đầu đạn 217 kg. Gần đây, hệ thống phòng không Syria được nâng cấp bằng các vũ khí uy lực của Nga như SA-22 hay SA-17.

Syria có nhiều hệ thống tên lửa SA-22 của Nga (Ảnh: Getty)

Căn cứ Shayrat của Syria, nơi từng bị Mỹ tấn công bằng tên lửa Tomahak năm ngoái, có hai đường băng dài 3 km và hàng chục nhà chứa máy bay cùng nhiều tòa nhà và kho lưu trữ. Không quân Syria thường xuất kích các máy bay chiến đấu Su-22 và MiG-23 từ căn cứ này. Tuy vậy, hầu hết máy bay của Syria đều cũ và lỗi thời.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-sanh-suc-manh-quan-su-giua-cac-nuoc-trong-cuoc-chien-tai-syria-a226124.html