Tiểu thuyết võ hiệp mang về cho Kim Dung khối tài sản "khủng" thế nào?


Thứ 5, 01/11/2018 | 08:11


Cùng sự kiện

Là một người sống giản dị, không phô trương nhưng trên thực tế Kim Dung sở hữu khối tài sản nghìn tỷ đồng từ tiền tác quyền tiểu thuyết võ hiệp và các khoản đầu tư khác.

Là một người sống giản dị, không phô trương nhưng trên thực tế Kim Dung sở hữu khối tài sản nghìn tỷ đồng từ tiền tác quyền tiểu thuyết võ hiệp và các khoản đầu tư khác.

Kim Dung là một trong những cây bút xuất sắc nhất của văn học hiện đại Trung Quốc. Ông cũng được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp.

Nhà văn Kim Dung.

Tên tuổi của tiểu thuyết gia Kim Dung được nhắc đến với rất nhiều tác phẩm kiếm hiệp, sau này được chuyển thể thành các bộ phim truyền hình ăn khách như "Thần Điêu Đại Hiệp", "Anh Hùng Xạ Điêu", "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", "Tiếu Ngạo Giang Hồ", "Bích Huyết Kiếm", "Tuyết Sơn Phi Hồ",...

Những tác phẩm này không chỉ đưa tên tuổi Kim Dung trở thành một nhà văn có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc mà còn khiến ông luôn đứng trong top những tác gia giàu có nhất tại đất nước tỷ dân.

Năm 2010, các tiểu thuyết của Kim Dung đồng loạt được tái bản tại Trung Quốc đại lục mang lại cho ông khoản tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng lợi nhuận bản quyền, chưa tính tới phần trăm lãi trên đầu sách bán ra, Kim Dung đã thu về 3.5 triệu nhân dân tệ (khoảng 12 tỉ đồng)

Không những thế, Kim Dung cùng người vợ thứ 2 Chu Mai sáng lập nên tờ Hong Kong Minh báo từ năm 1959 và được coi là ông trùm báo chí của xứ Hương Cảng về sức mạnh và quyền lực.

Từ khi tiểu thuyết gia Kim Dung đăng tác phẩm của mình trên Minh Báo, tờ báo nhanh chóng thu hút độc giả và giúp doanh thu quảng cáo của báo tăng trưởng đều đặn.

Tháng 7/1962, Minh Báo phát hành 30.000 bản/ngày và con số này tăng lên 50.000 bản vào năm 1963. Năm 1988, doanh số phát hành hàng ngày của Minh Báo đã đạt 110.000 bản và chỉ 1 năm sau đã tăng lên 180.000 bản.

Trải qua nhiều khó khăn, tháng 1/1991, tập đoàn Minh Báo được thành lập và niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong với giá trị vốn hóa rơi vào khoảng 870 triệu HKD (gần 111 triệu USD). Trong đó, 60% cổ phần thuộc về Kim Dung.

Năm 1992, Minh Báo đạt lợi nhuận năm 100 triệu HKD (12,7 triệu USD). Theo thống kê của một tạp chí cùng năm, Kim Dung xếp thứ 64 danh sách người giàu Hong Kong với khối tài sản 1,2 tỷ HKD (khoảng 153 triệu USD).

Lâm Thanh Hà vào vai Đông Phương Bất Bại trong bộ phim "Tiếu ngạo giang hồ" được chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung.

Mặc dù sau một thời gian, Kim Dung rút lui khỏi Minh Báo, ngưng sáng tác và tập trung vào chỉnh sửa tiểu thuyết, số tiền tác quyền ông thu về từ những tác phẩm xuất bản và chuyển thể thành phim vẫn khiến nhà văn có được nguồn thu nhập lớn.

Năm 2010, Kim Dung kiếm được 3,5 triệu nhân dân tệ (446.000 USD, tức 11,7 tỷ đồng) bản quyền xuất bản sách ở Trung Quốc. Năm 2011, con số này là 2,2 triệu tệ (316.000 USD). Năm 2015, ông kiếm được 8,5 triệu tệ (1,2 triệu USD) tiền tác quyền.

Ngoài ra, có nguồn tin cho biết Kim Dung còn đầu tư và sở hữu bất động sản đắt đỏ ở Hong Kong.

Theo ý nguyện Kim Dung, công ty xuất bản Minh Hà là đại diện hợp pháp nắm giữ bản quyền các tác phẩm của ông sau khi qua đời.

Kim Dung tên thật Tra Lương Dung, sinh năm 1924 ở Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1948, ông tới Hong Kong sinh sống, làm việc, được đông đảo độc giả hâm mộ bởi hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như: Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ...

Được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp, các tiểu thuyết của Kim Dung từng nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ như Lâm Thanh Hà, Lưu Diệc Phi, Trương Trí Lâm, Lý Nhược Đồng...

Nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94 tại Hong Kong sau một thời gian dài lâm bệnh. Sự ra đi của ông khiến người hâm mộ cũng như nhiều nghệ sĩ, doanh nhân bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc.

Vi An (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tieu-thuyet-vo-hiep-mang-ve-cho-kim-dung-khoi-tai-san-khung-the-nao-a249749.html