Ba ông lớn thi nhau “dội bom” tin nhắn “bẩn”


Chủ nhật, 12/04/2015 | 01:02


(ĐSPL) - Trong khi việc chặn nhầm thuê bao của khách hàng vì nghi phát tán tin nhắn rác chưa giải quyết xong thì các nhà mạng lại âm thầm “dội bom” tin nhắn không sạch.

(ĐSPL) - Trong khi việc chặn nhầm thuê bao của khách hàng vì nghi phát tán tin nhắn rác chưa giải quyết xong thì các nhà mạng lại âm thầm “dội bom” tin nhắn không sạch đến “thượng đế”.

Khi nhà mạng “xả rác”

Theo phản ánh của bạn đọc báo Đời sống và Pháp luật, mỗi lần nạp thẻ cào thành công, nhiều thuê bao của nhà mạng Viettel phải hứng chịu hàng loạt tin nhắn từ các tổng đài như: 195, 5118, 9163, 800… Ngoài tổng đài 195 thông báo thuê bao đã nạp tiền thành công thì tổng đài 9163 với nội dung như: “Quý khách vừa nạp 50.000 đồng và có 60 điểm để tham gia chương trình tài khoản vàng với tổng giải thưởng lên đến 350 triệu đồng. Soạn DK gửi 9163 để đăng ký (ba ngày đầu, phí 0 đồng với thuê bao đăng ký lần, sau khuyến mại 10.000 đồng/tuần). Điểm được bảo lưu trong ba ngày. Liên hệ 0462576789 để biết thêm chi tiết”.

tin-nhan-rac-1

Tổng đài đối tác của Viettel liên tục làm phiền khách hàng sau mỗi lần nạp tiền vào tài khoản.

Trong vai khách hàng, PV báo Đời sống và Pháp luật gọi điện đến số điện thoại cố định này thì một giọng nam nghe máy nhưng ngay lập tức, anh ta cúp máy. Đến khi liên hệ lại lần thứ hai thì một giọng nữ nghe máy và trả lời khá lấp lửng, lúng túng rồi kết nối cho nhân viên kỹ thuật nói chuyện. Người này cho biết, đây là dịch vụ của đối tác nhà mạng Viettel. Khi tham gia chương trình này, khách hàng sẽ được khuyến mại ba ngày đầu, từ ngày thứ tư trở đi, mỗi tuần bị trừ 10.000 đồng trong tài khoản và tất nhiên, tổng đài này sẽ tự động gia hạn.

Chị N.T.H. (Long Biên – Hà Nội) cho biết, thuê bao của chị liên tục nhận được tin nhắn quảng cáo từ tổng đài Viettel. Nhiều nội dung quảng cáo không liên quan gì đến nhu cầu của khách hàng. “Thực sự, mình rất thấy phiền khi nhà mạng “dội bom” tin nhắn. Mặc dù cuối tin nhắn, nhà mạng luôn có câu “Từ chối, soạn TC gửi 199” nhưng nếu mình mà soạn từ chối thì sẽ không bao giờ được biết các chương trình khuyến mại của nhà mạng. Vì thế, mình đành phải ngậm ngùi chấp nhận hứng chịu “cơn mưa” tin nhắn quảng cáo của nhà mạng này”, chị H. bức xúc.

Ngoài việc phải hứng chịu tin nhắn quảng cáo từ tổng đài 199, nhiều thuê bao còn trở thành người đọc tin nhắn bất đắc dĩ từ những tổng đài khác. Ví dụ, tổng đài 9002 với nội dung mời tham gia dịch vụ iSign – chữ ký cuộc gọi, tổng đài 5118 với dịch vụ VPlus, tổng đài IMO, tổng đài IFIML… mà không hề quan tâm đến việc khách hàng có nhu cầu với những dịch vụ này hay không.

tin-nhan-rac-2

Chủ một thuê bao của Viettel tố việc họ phải nhận hàng loạt tin nhắn rác.

“Tôi nhận được không dưới ba tin nhắn quảng cáo khác nhau của các tổng đài của Viettel mỗi ngày. Có những tin nhắn quảng cáo chỉ cách nhau vài phút. Cảm giác như bị “dội bom”, chị N.T.H. chia sẻ.

Không chịu “kém cạnh” Viettel, nhà mạng Mobifone cũng gửi nhiều tin nhắn quảng cáo cho khách hàng. Anh Lê Sỹ H. (Phúc Yên – Vĩnh Phúc) cho biết, hầu như ngày nào anh cũng nhận được tin nhắn quảng cáo từ tổng đài 090 với các nội dung như: Mã dự thưởng chương trình “Xuân Ất Mùi, Vui sum vầy”, dù cho bây giờ đã là tháng Tư dương lịch; rồi “Bạn đã biết gì chưa, Mobifone dành tặng bạn cơ hội trúng 300.000 đồng tiền mặt và ba ngày miễn phí tham gia chương trình vòng quanh thế giới…”.

Mỗi ngày kiếm hàng tỉ đồng từ... tin nhắn rác?

Những ngày qua, nhiều thuê bao di động xôn xao về việc họ bị nhà mạng đột ngột chặn tin nhắn. Theo lý giải của các nhà mạng, họ thực hiện chặn tin nhắn rác bằng việc thiết lập hệ thống lọc các đầu thuê bao phát tán tin nhắn rác nên dẫn tới việc chặn nhầm thuê bao.

Người thì bị chặn nhầm, người phải hứng những trận “bom rác” khiến khách hàng của nhà mạng không khỏi bức xúc nghi vấn liên quan đến lợi nhuận của chính nhà mạng.

tin-nhan-rac-3

Ông Ngô Tuấn Anh (Phó Chủ tịch BKAV): Năm 2014, 90\% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền.

Ông Ngô Tuấn Anh (Phó Chủ tịch phụ trách mảng An ninh mạng của BKAV) cho biết, năm 2014, 90\% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, trong đó 43\% là nạn nhân của tin rác hàng ngày. Thống kê của BKAV cho thấy, với khoảng 13,5 triệu tin nhắn rác gửi đi mỗi ngày, chỉ tính cước phí trung bình 300 đồng/tin nhắn thì các nhà mạng cũng thu về khoảng trên bốn tỉ đồng/ngày, chưa kể nguồn thu từ lợi nhuận của các chủ thể phát tán tin nhắn rác chia sẻ cho nhà mạng. Ước tính của các chuyên gia trong ngành, tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận cho nhà mạng của các chủ thể tối thiểu cũng phải 50\%.

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại diện các nhà mạng đều than khó trong việc ngăn chặn và mong khách hàng có sự chia sẻ, thông cảm về việc này. Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng Giám đốc Mobifone cho biết, đơn vị này đã thực hiện sáu yêu cầu để ngăn chặn tin nhắn rác tuy nhiên chưa làm được việc ngăn chặn theo từ khóa.

tin-nhan-rac-4

Ông Nguyễn Đình Chiến (Phó TGĐ Mobifone) cho biết, đơn vị này đã thực hiện sáu yêu cầu để ngăn chặn tin nhắn rác tuy nhiên chưa làm được việc ngăn chặn theo từ khóa.

“Cùng là nội dung mua bán bất động sản, vợ tôi gửi cho tôi thì không phải tin nhắn rác nhưng nếu của một người không quen biết thì là tin rác. Cái khó nữa là yêu cầu thu hồi ngay thuê bao phát tán tin nhắn rác vì việc cắt số tương đối phức tạp. Ngoài ra chỉ chặn được tin nhắn nội bộ, nếu xuất phát từ nhà mạng khác thì không chặn được”, ông Chiến lý giải về sự khó khăn.

Theo đại diện của nhà mạng Vinaphone, nguyên nhân của tình trạng này được dự đoán là xuất phát từ việc một số cá nhân, công ty tiếp thị đã thu thập cơ sở dữ liệu gồm nhiều số thuê bao hoạt động lâu dài, có thu nhập ổn định, là nhóm khách hàng tiềm năng.

Ông Đoàn Xuân Hợp (Phó Trưởng phòng Kinh doanh Vinaphone) cho biết, việc chặn tin nhắn rác được thực hiện online nên sai sót là có thể xảy ra. Nhà mạng sẽ kiểm tra và xử lý theo từng trường hợp cụ thể. Về số lượng bao nhiêu thì bị xem là vượt hạn mức, ông Hợp thông tin, hệ thống sẽ căn cứ vào tốc độ nhắn tin bằng tay so với việc gửi tin nhắn bằng máy để kiểm tra và xử lý. Một điểm khó của nhà mạng là, nếu công khai thông tin về tần suất bao nhiêu là vi phạm thì những người có ý định phát tán tin nhắn rác sẽ căn cứ vào đó để giảm tần suất, tránh bị phát hiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải (Cục trưởng cục An toàn thông tin, bộ Thông tin và Truyền thông), sắp tới, Cục sẽ phối hợp với các nhà mạng lựa chọn số lượng tin có vấn đề vào “tầm ngắm”, rồi theo dõi xem những tin nhắn tiếp theo có phải là tin nhắn rác hay không. Nếu không phải tin nhắn rác thì những tin đó sẽ được gửi bình thường, còn nếu là tin nhắn rác thì sẽ bị chặn. Ông Hải cũng thừa nhận, việc các nhà mạng chặn nhầm là có, tuy nhiên không nhiều, tỷ lệ chỉ khoảng 0,16\% mà thôi.

Hàng loạt khách hàng cùng bày tỏ lo ngại, liệu có phải nhà mạng đang cố tình “tiếp tay” cho các đối tượng phát tán tin nhắn rác hoành hành vì mục đích tăng thêm lợi nhuận?

Nhà mạng “bán đứng” khách hàng?

Nhiều chủ thuê bao di động thắc mắc, vì sao số điện thoại của họ bị lọt vào tay của những kẻ “dội bom” tin nhắn rác, liệu các nhà mạng có làm rò rỉ thông tin khách hàng? Trả lời câu hỏi này của PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Vũ Trọng Sơn (phụ trách truyền thông của Mobifone) khẳng định: “Không nhà mạng nào dám làm như vậy, bởi như thế là tự giết chính mình và tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh”. Vị này nói thêm, trong quá trình giao tiếp, làm việc, nhiều khách hàng tự mình làm lộ số điện thoại của mình qua mạng xã hội, qua mua sắm, dịch vụ…

HÀ KHÊ

Xem thêm clip: Triệt phá ổ nhóm lừa đảo gửi tin nhắn trúng thưởng

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ba-ong-lon-thi-nhau-doi-bom-tin-nhan-ban-a90552.html