Bổ nhiệm Bí thư Tỉnh ủy không phải người địa phương sẽ phá chiếc "kén" mang tên "cục bộ, bè cánh"


Chủ nhật, 19/07/2020 | 00:00


Cùng sự kiện

gần đây nhiều Bí thư Tỉnh ủy của các tỉnh đã không còn là “người của địa phương”.

Thời gian qua, công tác luân chuyển cán bộ được kết hợp chặt chẽ với quy hoạch, phát triển nguồn cán bộ tại chỗ. Đặc biệt, việc luân chuyển cán bộ từ các cơ quan Trung ương về giữ cương vị lãnh đạo địa phương được triển khai ở nhiều tỉnh, thành. Điều được dư luận quan tâm, gần đây nhiều Bí thư Tỉnh ủy của các tỉnh đã không còn là “người của địa phương”. Điều này được cho là dấu hiệu tốt để không tạo ra tiền lệ “cả họ làm quan” như ở Hà Giang trước đây. Xung quanh điểm mới này, PV ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp học viện Hành chính Quốc gia.

GS.TS.Bùi Văn Nhơn

PV: Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chủ trương luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt (mà cụ thể là Bí thư Tỉnh ủy) không phải là người địa phương trong thời gian qua?

GS.TS.Bùi Văn Nhơn: Thực tế cho thấy, việc luân chuyển các đồng chí là Chủ tịch UBND các tỉnh về các ban đảng ở Trung ương; luân chuyển các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phát triển lên các cơ quan ban đảng ở các Tỉnh ủy hoặc luân chuyển cán bộ chính quyền, đoàn thể sang tổ chức đảng là không nhiều.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND) không phải là người địa phương trong thời gian qua đã góp phần từng bước khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, phá vỡ được chiếc “kén” mang tên "cục bộ, bè cánh" vốn đã tồn tại từ lâu trong công tác cán bộ ở các địa phương.

Thực tế, ở một số địa phương từng tồn tại chuyện bổ nhiệm dựa trên quan hệ, mối quan hệ dòng họ, có “lợi ích nhóm”- Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những ồn ào trong dư luận về việc tồn tại những “ủy ban họ”, “chi bộ gia đình”...

Việc luân chuyển này nhằm đào tạo, rèn luyện, tạo điều kiện để nhiều cán bộ trưởng thành, đồng thời hướng đến mục tiêu chiến lược bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, nâng cao chất lượng cán bộ đồng đều giữa các địa phương, ngăn ngừa lạm dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân.

PV: Nhưng thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, việc luân chuyển cán bộ từ nơi khác về sẽ “cản đường” phát triển của cán bộ tại chỗ và xảy ra tình trạng cán bộ mới bị cô lập, không phát huy được năng lực?

GS.TS.Bùi Văn Nhơn: Có thể ở một vài địa phương, cán bộ vẫn ít nhiều biểu hiện chưa thật đồng thuận, lập luận rằng, cán bộ địa phương phải là người địa phương thì mới hiểu được văn hóa, lịch sử, có đóng góp tích cực hơn cho cơ sở. Việc luân chuyển cán bộ bổ nhiệm cương vị chủ trì, chủ chốt thường tạo tâm lý không thoải mái cho một số cán bộ, đảng viên ở nơi có cán bộ được luân chuyển về. Theo đó, cán bộ mới đến có thể bị cô lập, không nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ dẫn tới không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, dễ mất uy tín cá nhân. Đây cũng là thử thách đối với cán bộ được luân chuyển nhưng theo tôi thử thách này không lớn, có thể vượt qua được.

Việc luân chuyển cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương chính là cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiệu quả, buộc cán bộ này nỗ lực hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu tình hình địa phương, làm quen với cán bộ dưới quyền...

Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, tôi đánh giá thấy, cách luân chuyển này được ngành công an triển khai rất hiệu quả và các cán bộ được luân chuyển không hề “lạc nhịp” ở cơ sở. Ví dụ điển hình cho việc này là ở tỉnh Đồng Nai và Thái Bình. Từ khi 2 tỉnh này có giám đốc mới được bộ Công an điều động ở nơi khác về thì ngay sau đó hàng loạt những băng nhóm tội phạm được vạch trần, như triệt phá vụ Đường “Nhuệ” ở Thái Bình, Loan “Cá” ở Đồng Nai...

PV: Theo ông, mô hình này có nên áp dụng ở nhiều sở ngành, lĩnh vực khác?

GS.TS.Bùi Văn Nhơn: Cách làm này nên nhân rộng ra các ngành, các cấp trên các nước. Một số ngành quan trọng khác như tòa án, ủy ban kiểm tra Đảng cũng cần có người lãnh đạo chủ chốt từ địa phương khác điều động, luân chuyển đến. Ở một số nước trên thế giới, sau khi cán bộ được đào tạo thì việc bổ nhiệm không nhất thiết địa phương nào về địa phương đó. Theo tôi, nên luật hóa, cải cách để tất cả các địa phương, các ngành sẽ lấy đó là thước đo để thực hiện, nếu đơn vị nào không thực hiện.

PV: Ông có lo ngại việc cán bộ được luân chuyển không phải người địa phương có tư duy giữ “chức vụ tạm thời” nên không toàn tâm, toàn ý cho sự phát triển của địa phương mới?

GS.TS.Bùi Văn Nhơn: Theo tôi, vấn đề cốt lõi trong công tác cán bộ vẫn là phải kiểm tra, giám sát để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và có hình thức xử lý nghiêm đối với cán bộ sai phạm. Tôi lấy ví dụ, lãnh đạo không phải người địa phương có thể hạn chế được tiêu cực xảy ra nhưng có ai dám chắc là không xảy ra những tiêu cực tương tự.

Theo đó, để cán bộ yên tâm công tác trong môi trường mới, việc hệ trọng cần quan tâm là có chính sách, kế hoạch phù hợp để cán bộ tiếp tục luân chuyển, phát triển các cương vị công tác cao hơn. Nhưng đồng thời, cần đánh giá toàn diện cán bộ trong thời gian luân chuyển để khắc phục triệt để tình trạng một bộ phận cán bộ coi luân chuyển là việc đi cho xong "nghĩa vụ" nên chưa thực sự tâm huyết, lăn xả vào công việc của địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông!

“Tôi cho rằng, quy trình quy hoạch cán bộ được làm rất kỹ, từ xin ý kiến đến bỏ phiếu nên có thể nói nhân sự nằm trong quy hoạch được lựa chọn chặt chẽ. Nếu cán bộ đã khẳng định được mình bằng năng lực, uy tín thì đó là yếu tố bền vững nhất để cán bộ bồi đắp niềm tin nơi tập thể cán bộ, đảng viên và thu được những “lá phiếu tín nhiệm” từ đảng viên, quần chúng nhân dân”, GS.TS Bùi Văn Nhơn nhấn mạnh.

Hương Lan

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (28)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-nhiem-bi-thu-tinh-uy-khong-phai-nguoi-dia-phuong-se-pha-chiec-ken-mang-ten-cuc-bo-be-canh-a331152.html