Chiêu "thay tên đổi họ" thách đố cơ quan chức năng của dân buôn hàng cấm


Chủ nhật, 19/05/2019 | 02:30


Cùng sự kiện

Lợi dụng thủ tục thông quan nhanh chóng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhiều đối tượng cũng đã tổ chức các đường dây buôn lậu hàng cấm với chiêu thức hết sức tinh vi.

Lợi dụng thủ tục thông quan nhanh chóng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhiều đối tượng cũng đã tổ chức các đường dây buôn lậu hàng cấm với chiêu thức hết sức tinh vi, khó lường. Hàng lậu, hàng cấm đang biến TP.HCM trở thành điểm nóng về buôn lậu.

Hàng lậu hoán đổi “hồn Trương Ba da hàng thịt”

Mới đây, lực lượng chống buôn lậu thuộc tổng cục Hải quan đã phát hiện và bắt giữ vụ buôn lậu hàng nghìn chậu rửa mặt, xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, lô hàng này do công ty TNHH SX-TM- XNK K.L (TP.HCM) đứng tên mở tờ khai hải quan để nhập khẩu lô hàng gồm 2.500 chiếc chậu rửa, dùng trong nhà bếp. Thông tin cũng thể hiện lô sản phẩm bằng thép không gỉ, hiệu Yutao, có xuất xứ từ Trung Quốc.

Số lượng hàng nhập trên 6.000 chậu rửa bát, dư thừa so với khai báo hải quan trên 3.500 chiếc. Ảnh: Báo Hải Quan

Tuy nhiên, thực tế khi kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện, số lượng hàng nhập trên 6.000 chậu rửa bát (loại đôi), dư thừa so với khai báo hải quan trên 3.500 chiếc. Ngoài ra, còn có trên 1.000 bộ vòi tắm hoa sen không khai báo hải quan, số hàng này cũng không có nhãn hiệu hàng hóa. Theo nhận định của các cán bộ hải quan, nếu số hàng này trót lọt nhập khẩu vào Việt Nam, nhiều khả năng sẽ được “lên đời”, gắn các nhãn mác cao cấp để cung ứng cho thị trường, bán cho người tiêu dùng.

Hay như công ty TNHH MTV TM L.V (TP.HCM) nhập khẩu về cảng Cát Lái, TP.HCM lô hàng, khai báo là máy kéo đã qua sử dụng. Lô hàng này được nhập về cảng Cát Lái từ đầu năm 2018 và nằm trong danh sách số hàng tồn đọng quá hạn làm thủ tục hải quan tại cảng. Nghi vấn việc vận chuyển hàng hoá trái phép vào Việt Nam, do đó lực lượng hải quan đã ban hành quyết định khám phương tiện vận tải - đồ vật theo thủ tục hành chính và mời đại diện doanh nghiệp chứng kiến.

Tuy nhiên, khi phát hiện hàng hóa có nghi vấn, công ty L.V đã từ chối tiến hành làm thủ tục để nhập lô hàng trên. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng gửi giấy mời tới chứng kiến việc khám xét lô hàng, đại diện công ty này cũng không đến. Thực tế, tiến hành kiểm tra lô hàng hoàn toàn không có máy kéo như đã khai báo hải quan. Thay vào đó, trong container lại chứa hàng thuộc danh mục cấm.

Số hàng này gồm 99 dàn nóng, 5 dàn lạnh (máy lạnh), gần 300 xe đạp các loại không đầy đủ bộ phận, như yên, vành, lốp... và 3 xe đạp điện. Toàn bộ hàng hóa này đã qua sử dụng, trị giá gần 730 triệu đồng. Sau khi bị phát hiện nhập khẩu hàng cấm, công ty L.V đã có công văn gửi cơ quan hải quan từ chối nhận lô hàng nêu trên, với lý do “qua kiểm tra thực tế, doanh nghiệp không ký hợp đồng mua lô hàng với đối tác ở nước ngoài?”.

Theo nhận định của một cán bộ hải quan, công ty L.V đã có hành vi nhập hàng cấm. Họ lợi dụng sự thông thoáng trong việc lập doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh trái pháp luật. Vì biết lô hàng bị phát hiện nên đại diện doanh nghiệp không đến làm thủ tục cũng như không đến chứng kiến khám xét theo yêu cầu của cơ quan hải quan. Đồng thời, lại dùng chiêu thức từ chối nhận hàng, nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Với những nhận định nêu trên, chiếu các quy định hiện hành cơ quan hải quan đã chuyển hồ sơ để VKSND TP.HCM xem xét, có ý kiến để cơ quan hải quan tiến hành khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan điều tra Công an TP.HCM nhằm điều tra làm rõ hành vi buôn lậu.

Tương tự, công ty Cổ phần quốc tế V.D (TP.HCM) cũng đã bị lực lượng Hải quan TP.HCM chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật. Theo hồ sơ từ Hải quan TP.HCM, công ty V.D đã khai báo nhập khẩu lô hàng đồ gia dụng nhưng thực tế, qua kiểm tra cho thấy, công ty này đã không khai báo 117 mục hàng.

Ngoài ra, còn có 449 mục hàng không đáp ứng các điều kiện nhập khẩu theo quy định và 91 hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Trị giá lô hàng vi phạm ước gần 4 tỷ đồng. Từ hồ sơ và thực tế kiểm tra, VKSND TP.HCM nhận định, đây là vụ việc có dấu hiệu của tội Buôn lậu đối với doanh nghiệp này. Sau đó, cơ quan hải quan tiến hành chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan Công an TP.HCM nhằm điều tra làm rõ hành vi buôn lậu.

Trong quý 1/2019, lực lượng hải quan đã phát hiện và lập biên bản xử lý gần 300 vụ vi phạm, với giá trị hàng hóa vi phạm gần 300 tỷ đồng. Ảnh: Báo Hải Quan

Chiêu thức tinh vi

Trong khi đó, một diễn biến khác liên quan đến công tác phòng chống, đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, Hải quan TP.HCM cũng đã siết quản lý với các doanh nghiệp được mang hàng về bảo quản. Tính đến hết tháng 4/2019, tại TP.HCM đang có gần 250 doanh nghiệp vi phạm về chính sách hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu được cho mang về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành. Đối với các trường hợp này, cục Hải quan TP.HCM đã thông báo dừng, không cho các doanh nghiệp này mang hàng về bảo quản.

Trong số nêu trên có 236 doanh nghiệp không được mang hàng về bảo quản vì vi phạm chính sách cách quản lý đối với hàng hóa (đã quá hạn 30 ngày mà doanh nghiệp chưa nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành). Bên cạnh đó, có 9 doanh nghiệp đã bổ sung kết quả kiểm tra chuyên ngành bị xử phạt vi phạm hành chính và không được đưa hàng về bảo quản trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp lợi dụng mang hàng về bảo quản nhưng sau đó đã tuồn ra thị trường tiêu thụ.

Theo nhận định của TS.Nguyễn Văn Thành, chuyên gia kinh tế, đại học Kinh tế TP.HCM phân tích: “Hàng hóa nhập lậu về TP.HCM rất đa dạng, như mỹ phẩm, thời trang,linh kiện điện tử, điện máy - điện gia dụng... Miễn là những loại hàng hóa nào có lợi nhuận sẽ được các đầu nậu, đường dây tổ chức thực hiện, đặc biệt là thông qua đường hàng không, đường biển, chuyển phát nhanh... với chiêu thức, thủ đoạn hết sức tinh vi”.

Cũng theo chuyên gia này, thời gian qua có thể dễ dàng thấy, các đối tượng này thường nhập hàng hóa đã qua sử dụng, dưới dạng rác thải, phế liệu nên có giá thành rất rẻ. Trong khi đó về Việt Nam lại mông má và bán ra những sản phẩm như mới nên thu lợi nhuận rất cao. Do đó, cơ quan chức năng cần phải tổ chức, kiểm tra, giám sát để số hàng hóa này bớt thẩm lậu vào thị trường. Trong đó, phải siết chặt công tác quản lý cán bộ, tránh trường hợp cán bộ thực thi công vụ tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Trong quý 1/2019, đã phát hiện và lập biên bản xử lý gần 300 vụ vi phạm, với giá trị hàng hóa vi phạm gần 300 tỷ đồng. Trong đó, có 1 vụ buôn lậu, 3 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, 18 vụ ma túy, 240 vụ vi phạm hành chính. Trong tổng số các vụ việc nêu trên, cục Hải quan TP.HCM đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM 11 vụ để điều tra theo thẩm quyền”.

“Hiện đang có nhiều chuyên án về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đã và đang được cục Hải quan TP.HCM triển khai. Riêng năm 2019, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của Cục sẽ có nhiều bước đột phá. Điển hình, sẽ thí điểm thành lập trung tâm Phân tích thông tin rủi ro và điều hành tập trung, tăng cường kỹ thuật kiểm tra không xâm nhập, sử dụng soi chiếu container và vào quy trình kiểm tra hải quan”, lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM thông tin thêm.

Chí Thanh

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 78

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chieu-thay-ten-doi-ho-thach-do-co-quan-chuc-nang-cua-dan-buon-hang-cam-a275927.html