Chó dữ tấn công hai cháu bé ở Hà Giang


Thứ 4, 03/04/2019 | 13:42


Trên đường đi học về, hai học sinh người dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã bị chó dữ tấn công, phải nhập viện cấp cứu.

Trên đường đi học về, hai học sinh người dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã bị chó dữ tấn công, phải nhập viện cấp cứu.

Bác sỹ Ma Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, các y bác sỹ bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho hai cháu bé là Lù Khắc Hiệp (7 tuổi) và Lù Đình Chon (11 tuổi), cùng trú tại xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), người dân tộc thiểu số bị chó cắn trên đường đi học về.

Các em đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoàng Su Phì - Ảnh: BVCC.

Tại thời điểm nhập viện trưa ngày 1/4, em Hiệp đang trong tình trạng tỉnh táo, nhưng trên mặt bị rách nham nhở, chảy nhiều máu. Cũng tại lúc này, em Lù Đình Chon có vết thương tại vùng cẳng tay, có vết thương rách da.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Hoàng Su Phì đã khẩn trương tiến hành các bước xử trí như: băng ép, vệ sinh vết thương, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, thuốc kháng sinh, dịch truyền, giảm đau và tổ chức hội chẩn.

Sau khi xử trí vết thương cho hai cháu và tư vấn cho gia đình, bệnh viện đã liên hệ Trung tâm Y tế huyện Hoàng Su Phì phối hợp cung cấp huyết thanh, tiêm vắcxin phòng dại.

Hiện tại các bệnh nhân vẫn đang được các bác sĩ tại bệnh viện đa khoa huyện Hoàng Su Phì điều trị, chăm sóc và theo dõi. Theo gia đình có chó đã cắn các em nhỏ thì hiện tại con chó vẫn đang trong tình trạng bình thường.

Thời gian gần đây, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm vẫn diễn ra nhiều tại các địa phương của tỉnh Hà Giang.

Mặc dù cấp ủy, chính quyền ở các địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi, quản lý vật nuôi, nhất là các nội dung liên quan đến Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; trong đó, có quy định cấm hành vi không đeo rọ mõm, không xích giữ chó và không có người đưa dắt chó ra nơi công cộng song nhiều hộ gia đình vẫn thả rông chó, không đeo rọ mõm.

Nhằm phòng chống bệnh dại, các gia đình cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sỹ hoặc cán bộ thú y.

Đồng thời, lực lượng chuyên trách của các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để không xảy ra tình trạng trạng chó cắn người.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cho-du-tan-cong-hai-chau-be-o-ha-giang-a269529.html