Chuyện chưa kể về nghề luật sư (kì 1): Thành công của nghề không chỉ là tỉ lệ thắng án


Thứ 5, 27/02/2020 | 07:50


Cùng sự kiện

Theo luật sư Đặng Văn Cường, thành công của mỗi luật sư không chỉ là tỉ lệ thắng kiện, đảm bảo quyền lợi cho thân chủ,… mà còn phải mang đến giá trị tích cực cho xã hội.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, thành công của mỗi luật sư không chỉ là tỉ lệ thắng kiện, đảm bảo giá trị vật chất, quyền lợi cho thân chủ… mà còn phải mang đến giá trị tích cực cho xã hội sau mỗi bản án.

Bao nhiêu vụ án bấy nhiêu nỗi trăn trở

Tìm gặp luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) vào một buổi sáng trời thu Hà Nội, luật sư đã kể cho PV Đời sống & Pháp luật nghe nhiều vụ án mà anh đã từng tham gia bào chữa.

Năm 2016, luật sư Cường tham gia bào chữa cho một cựu sinh viên mang án giết người. Theo cáo trạng, tối ngày 18/8/2015, ông Lê Ngọc Hùng (ở thôn Hòa Chanh, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đến nhà ông T.V.C. (cùng trú tại xã Hòa Lâm, sống một mình) thì thấy cổng khóa, bên trong cửa nhà lại mở nên đứng chờ.

Gọi cửa mãi không thấy ông C. lên tiếng nên nghi có chuyện chẳng lành, ông Hùng liền về nhà lấy thang bắc lên tường rào nhìn vào trong thì phát hiện cảnh tượng kinh hoàng. Ông C. nằm chết ở khe bể nước cạnh tường bếp trong tình trạng hai tay trói trước ngực, miệng bị nhét khăn, đồ đạc trong nhà bị lục soát.

Ngay khi nhận được tin báo, công an đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, tổ chức điều tra. Kết quả điều tra cho thấy, nghi phạm gây ra vụ giết người, cướp của là Lê Ôn Tùng (SN 1988, cũng ở xã Ứng Hòa), cựu sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội.

Đến ngày 29/12/2015, biết hành vi của mình bị phát hiện, Tùng đã đến cơ quan công an đầu thú.
Theo lời khai của bị cáo, tối ngày 17/8/2015, Tùng phát hiện cửa nhà ông C. mở toang nên trèo tường vào nhà thì bị chủ nhà phát hiện. Ngay lúc đó, Tùng lao vào ôm ông C. vật xuống đất, dùng tay bóp cổ cụ ông cho đến khi nạn nhân bất động.

Sau đó, Tùng cầm đèn pin đi vào trong nhà lục lọi và lấy được số tiền là 20 triệu đồng cùng 26 chỉ vàng trị giá 80,6 triệu đồng. Gây án xong, bị cáo bỏ trốn vào TP.HCM.

Ngày 26/9/2016, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt mức án tử hình đối với bị cáo Lê Ôn Tùng về tội “Giết người” và 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 mà Tùng phải nhận là tử hình.

Gia đình bị cáo đã có đơn kháng cáo xin giảm án. Tuy nhiên, do không có thêm tình tiết mới để giảm nhẹ, ngày 20/4/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Lê Ôn Tùng.

Nghĩ lại về vụ án này, trên khuôn mặt của luật sư vẫn nguyên vẹn sự buồn rầu, tiếc nuối và không khỏi xót xa. Luật sư Cường trầm lặng cho biết, Tùng sinh ra trong hoàn cảnh gia đình đặc biệt, mẹ mất sớm bố đi lấy vợ khác nên ít quan tâm chăm sóc đến con cái. Thế nhưng Tùng vẫn học rất giỏi, được bạn bè và thầy cô quý mến.

Khi nghe tin nạn nhân tử vong, công an vào cuộc điều tra thì Tùng vô cùng hoảng loạn, nhiều lần định tự tử. Thời gian trôi đi, nỗi ân hận về việc làm và hành động sai lầm của mình ngày càng lớn khiến Tùng quyết định trở về đầu thú.

Hay một lần khác, luật sư Đặng Văn Cường đứng ra giúp đỡ một người phụ nữ bị chính gia đình của mình quay lưng.

“Thân chủ của tôi tên là H., ở TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Gia đình chị có 6 anh chị em (3 trai, 3 gái). Trong đó, chị H. là người duy nhất trong nhà là không được đi học, chỉ làm nghề buôn bán. Còn những người khác đều có trình độ học thức, địa vị xã hội”, luật sư Cường kể lại.

Vì không được học hành, hơn nữa lại có quan niệm “con gái là con người ta”, đã lấy chồng thì sẽ an phận nhà chồng nên khi người bố chết đi, căn nhà mấy trăm mét đất bị mẹ và các anh bán cho người ngoài mà chị H. không hề hay biết.

“Chị H. quyết định lên Hà Nội tìm luật sư và tôi tiến hành làm đơn khởi kiện giúp chị ra toà. Quá trình thu thập hồ sơ thì được biết, người cha qua đời thì không để lại di chúc, mẹ và các con được thừa kế tài sản đó

Đáng nói, trong hồ sơ bán nhà lại giả chữ ký của chị H. và khi đi giám định thì chứng minh được chị H. không hề ký tên. Như vậy, đã có người giả chữ ký và dưới góc độ pháp lý thì hoàn toàn có thể khởi tố hình sự. Nhưng do tình cảm gia đình nên sự việc giả chữ ký được bỏ qua sang một bên và giao dịch bán nhà vô hiệu. May mắn, người mua nhà rất ngay tình, hiểu chuyện nên họ cũng chấp nhận”, luật sư Cường kề lại.

Sau đó, toà tiến hành tuyên án, buộc các anh trai của chị H. phải trả cho chị 800 triệu đồng. Rất may vụ án kết thúc có hậu, bà mẹ và các ông anh chấp nhận trả bằng tiền mặt, chị H. cũng chấp nhận.

“Tôi cho rằng đây là vụ án kết thúc có hậu. Cuối cùng quyền lợi của mọi người đều được đảm bảo và ai cũng đều có bài học về pháp luật”, luật sư Cường cho hay.

Khó định nghĩa thành công của nghề luật sư

Trước thềm ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10/10, PV Đời sống & Pháp luật có đặt ra câu hỏi đối với luật sư Đặng Văn Cường: “Trải qua hơn 10 năm hành nghề, trải qua các vụ án từ hình sự, dân sự,… anh có nghĩ rằng bản thân mình đã thành công?”.

Suy nghĩ giây lát, luật sư Cường cười trả lời: Đối với chúng tôi, thành công có nhiều cách hiểu. Không chỉ là thắng kiện, đảm bảo giá trị vật chất, quyền lợi cho thân chủ,… mà còn phải đem lại giá trị cho xã hội. Quan trọng, khi cánh cửa tòa khép lại thì nguyên đơn và bị đơn sẽ sống với nhau như thế nào, có tốt hơn so với lúc chưa khởi kiện hay không. Đó mới là thành công.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng bày tỏ, một luật sư giỏi, thành công là phải gửi được “thông điệp” đến tất cả mọi người, khẳng định được vị thế của mình ở mỗi phiên tòa.

Chẳng hạn với HĐXX, luật sư đóng góp một phần không nhỏ trong việc giúp HĐXX tìm ra hướng xử án khách quan để có một phán quyết công bằng nhất.

Với VKS, trong quá trình tranh tụng luật sư phải thể hiện được sự văn minh, tôn trọng lẫn nhau. Kết thúc vụ việc, phía VKS phải công nhận, người luật sư không chỉ có tầm mà còn có tâm và bản lĩnh.

Đối với thân chủ, luật sư cần kìm nén được cảm xúc, không để cảm xúc chi phối, phải giữ cho mình một cái đầu lạnh. Luật sư hiểu được nỗi đau của thân chủ nhưng không phải vì vậy mà làm bằng mọi cách để đạt được mục đích.

“Để đạt được điều đó thì luật sư không thể "gió chiều nào che chiều đó", mà mình phải trình bày ra sao để thuyết phục được cả hai bên thấy kết quả này mới là công lý.

Tôi vẫn thường nói rằng, hình phạt là “cú tát” của cộng đồng vào tội phạm, là ranh giới, là đường chỉ đỏ để níu chân người không bước về phía bóng đen tội lỗi. Và tất nhiên, nếu cố tình dẫm lên nó thì mọi hành động đều phải trả giá”, Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp khẳng định.

Cuối cùng, trong lời gửi gắm tới các bạn trẻ đã, đang và sắp trở thành luật sư, ông Cường chia sẻ: “Về góc độ pháp lý, luật sư không được phép hứa hẹn với khách hàng. Trong nghề thì không phải lúc nào chúng ta cũng thắng. Khi dấn thân vào vụ án, luật sư phải có đủ bản lĩnh, đủ trình độ, đủ tâm thì mới giúp được thân chủ và bảo vệ cho chính bản thân mình. Và hãy tin tưởng rằng, chúng ta xả thân với nghề bao nhiêu thì nghề sẽ đền đáp các bạn bấy nhiêu”.

Nhóm PV

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-chua-ke-ve-nghe-luat-su-ki-1-thanh-cong-cua-nghe-khong-chi-la-ti-le-thang-an-a296077.html