Chuyên gia chỉ rõ căn cứ pháp lý khẳng định Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam


Thứ 4, 24/07/2019 | 03:10


Cùng sự kiện

Cho đến giai đoạn này, phát ngôn của Bộ Ngoại giao là đủ sức thuyết phục, có giá trị pháp lý, thể hiện thiện chí của Việt Nam.

“Cho đến giai đoạn này, phát ngôn của Bộ Ngoại giao là đủ sức thuyết phục, có giá trị pháp lý, thể hiện thiện chí của Việt Nam, vừa tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ các quyền lợi ích của Việt Nam và vừa muốn giải quyết mọi tranh chấp bằng hòa bình, không để xung đột lên quá cao, dẫn đến đụng độ” - TS Trần Công Trục nhận định.

Tin trong nước - Chuyên gia chỉ rõ căn cứ pháp lý khẳng định Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam

TS. Trần Công Trục - Chuyên gia luật biển, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trao đổi với phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 19/7 nêu rõ: Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Các hành động hung hăng và coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm cho dư luận trong nước và quốc tế bất bình, khi lần lượt các bên liên quan đều lên tiếng phản đối bằng nhiều cách khác nhau.

Trước hành động của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục - Chuyên gia luật biển, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Thưa TS Trần Công Trục, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Ông có đánh giá thế nào về động thái phi pháp này của Trung Quốc?

- Trước hết, phải hiểu động thái này của Trung Quốc liên quan đến các mặt chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế… Đây là bước tiếp theo trong quá trình thực hiện yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông với ý đồ hiện thực hóa đường lưỡi bò. Trung Quốc muốn dùng Biển Đông để tạo lợi thế trong việc tranh giành vị trí địa chiến lược về kinh tế với Hoa Kỳ.

Thêm nữa, trong bối cảnh hiện nay thế giới có nhiều bất ổn như vấn đề ở Trung Đông, Mỹ, Iran, Iraq; căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa… Trong đó có những tranh chấp rất nóng, có nguy cơ dẫn đến xung đột.

Trước tình hình đó, Trung Quốc muốn tiến thêm một bước mang tính chất thăm dò phản ứng của các nước xung quanh.

Trung Quốc muốn tạo ra một hoạt động để nếu như các nước không có phản ứng, không có biện pháp đấu tranh thì sẽ tạo ra sự tranh chấp ở khu vực nhạy cảm hoặc chồng lấn. Khi đưa yêu sách này thì Trung Quốc tự cho rằng mình có quyền ở đây hòng biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp, mà khi đã có tranh chấp thì gác tranh chấp lại để cùng khai thác.

Trên thực tế, xét về khía cạnh pháp lý, đối chiếu với những quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam năm 2012 cũng như các tiền lệ luật pháp, đặc biệt phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016, rõ ràng khu vực Trung Quốc đang hoạt động nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Khu vực phía nam Biển Đông được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có những đoạn tính đến bờ biển của lục địa đối diện xấp xỉ 200 hải lý.

Nhấn mạnh tiêu chuẩn về khoảng cách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, còn có ranh giới ngoài của thềm lục địa có thể mở rộng ra đến 350 hải lý. Nếu chứng minh được bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài giới hạn 200 hải lý, rõ ràng, xét về pháp lý, công ước thì vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Việt Nam đã và đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa.

Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Như vậy, việc hoạt động của Trung Quốc không thể có một biện giải nào khác ngoài chuyện theo công ước luật Biển và theo tiền lệ luật pháp, theo Luật biển của Việt Nam năm 2012. Khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Trung Quốc cũng muốn nhảy vào xí phần mặc dù không có quyền chủ quyền gì ở đây nhưng họ muốn làm, tạo ra khu vực tranh chấp để nói rằng bây giờ có tranh chấp thì gác tranh chấp cùng khai thác. Đấy chính là biện pháp “xí phần”.

Tin trong nước - Chuyên gia chỉ rõ căn cứ pháp lý khẳng định Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (Hình 2).

TS. Trần Công Trục cho rằng phát ngôn của Bộ Ngoại giao là đủ sức thuyết phục, có giá trị pháp lý, thể hiện thiện chí của Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của Việt Nam?

- Trước hành động của tàu Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, điều quan trọng được dư luận quan tâm nhất chính là cách ứng xử, thái độ của Việt Nam ra sao với tư cách là nước bị đe dọa, bị xâm phạm?

Theo tôi, với tất cả những căn cứ vào quy định thực tiễn quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam kể từ khi phát hiện vụ việc này đã lên tiếng và có công hàm phản đối Trung Quốc. Cụ thể như nội dung mà người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát ngôn một cách chính thức rõ ràng trên trường quốc tế.

Cho đến giai đoạn này, phát ngôn của Bộ Ngoại giao là đủ sức thuyết phục, có giá trị pháp lý, thể hiện thiện chí của Việt Nam, vừa tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ các quyền lợi ích của Việt Nam và vừa muốn giải quyết mọi tranh chấp bằng hòa bình, không để xung đột lên quá cao, dẫn đến đụng độ.

Bên cạnh đó, hành động của các lực lượng chấp pháp tôi nghĩ đã làm rất tốt. Lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư làm tốt vai trò của mình. Chúng ta chưa dùng đến hải quân bởi vì khu vực này không cho phép sử dụng sức mạnh hải quân.

Hơn nữa, lực lượng của chúng ta có những hành động như yêu cầu Trung Quốc rút lui rất ôn hòa, không hề dùng đến các hành động thô bạo và không trái với các thủ tục luật pháp quốc tế.

So với những lần phản ứng trước đây, thì lần này chúng ta có phản ứng về những nội dung, câu chữ, thuật ngữ rất chuẩn xác

Theo ông, đến thời điểm hiện tại, người dân Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước cần phải có một thái độ thế nào để thể hiện tinh thần yêu nước, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam?

- Để giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này cần phải nói rõ lập trường của Việt Nam, như vậy mới tăng cường được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, sẽ tạo thành một sự kết hợp đấu tranh.

Đồng thời, người dân trong nước và quốc tế cũng cần thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện báo chí chính thống để nắm bắt tình hình và có thái độ, quan điểm đấu tranh bằng trí tuệ, đưa ra bằng chứng, lý lẽ chính xác để không có một thế lực thù địch nào có thể thực hiện được mưu đồ ác ý.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nhiều chuyên gia quốc tế đã đồng loạt lên tiếng theo để bảo vệ lẽ phải cho Việt Nam

“Cũng là một người Việt ở Mỹ tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác đều vô cùng phẫn nộ trước sự vi phạm trắng trợn về luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính nơi Việt Nam nắm chủ quyền và quyền tài phán.

Và tôi nghĩ Việt Nam đang làm đúng khi ngay sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng, lên tiếng cứng rắn thì Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như nhiều chuyên gia quốc tế đã đồng loạt lên tiếng theo để bảo vệ lẽ phải cho Việt Nam.

Chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/20 nằm trong thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 4/2019 vừa rồi đã giúp tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về việc Việt Nam đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, và tôi cũng đánh giá đây là một việc làm quyết tâm và dài hơi, cần có sự hỗ trợ của nhiều tầng lớp như người dân, các chuyên gia, các cơ quan ban ngành và cả các phóng viên, báo đài quốc tế.

Ngay cả bộ phận người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cũng phải truyền tải đến bạn bè quốc tế biết những đảo nào, vùng biển nào thuộc chủ quyền của Việt Nam” - Nhà báo Derek Phạm của tờ Nửa vòng Trái Đất (Mỹ) bày tỏ.

Theo Người Đưa Tin

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-chi-ro-can-cu-phap-ly-khang-dinh-trung-quoc-vi-pham-vung-dac-quyen-kinh-te-va-them-luc-dia-viet-nam-a285595.html