Công ty nước sạch sông Đà: "Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng"


Thứ 6, 18/10/2019 | 00:11


Cùng sự kiện

Trước câu hỏi Viwasupco có nợ người dân lời xin lỗi?, đại diện công ty nước sạch sông Đà khẳng định: "Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng".

Trước câu hỏi của báo chí về việc "Viwasupco có nợ người dân lời xin lỗi?", đại diện công ty nước sạch sông Đà khẳng định: "Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng".

Chiều 17/10, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp báo thông tin về việc đổ trộm dầu thải tại khu vực Nhà máy nước sông Đà, gây ô nhiễm nước máy cho hàng triệu cư dân Hà Nội suốt tuần qua.

Trong đó, hai vấn đề nóng nhất tại buổi họp báo là tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án và trách nhiệm của Nhà máy nước sông Đà ra sao trong vụ việc.

"Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng"

PV Infonet ghi nhận, trong buổi họp báo, ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco - đơn vị quản lý Nhà máy nước sông Đà) cho biết, trong chiều ngày 16/10, công ty này đã có cuộc họp khẩn với UBND TP. Hà Nội. Tại cuộc họp này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của sở Y tế Hà Nội đã báo cáo kết quả kiểm tra nước ngày 14/10 và xác định chất lượng nước... đã đạt tiêu chuẩn.

Ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà. Ảnh: Tiền Phong

"Hàm lượng styren hiện nay đã dưới mức cho phép của bộ Y tế. Toàn bộ chỉ tiêu C cũng đã đạt tiêu chuẩn. Sau khi có thông tin này, chúng tôi đã cho cấp nước lại ngay", ông Khoa cho biết.

"Lý do chúng tôi vẫn khuyến cáo (người dân chưa nên dùng nước máy cho ăn uống) vì TP. Hà Nội vẫn chưa cho phép chúng tôi công bố nước đã đủ tiêu chuẩn ăn uống. Tuy nhiên, dưới quan điểm của Viwasupco, chúng tôi đã xúc rửa đường ống. Hiện mẫu nước ngày 16/10 đang tiếp tục được lấy để kiểm nghiệm và chưa có kết quả mới nhất", ông Khoa cho biết thêm.

Trước câu hỏi của báo chí về việc Viwasupco có đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi nước máy của công ty cung cấp bị ô nhiễm hay không?, ông Khoa nói: "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất, nên rất mong trong thời gian tới công an sớm tìm ra thủ phạm" và chối từ câu trả lời.

Đại diện công ty cũng cho biết, chiều ngày 16/10 trong cuộc họp khẩn với UBND TP Hà Nội, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thuộc sở Y tế Hà Nội khẳng định, "chất lượng nước sông Đà đã đạt tiêu chuẩn. Styren đã dưới chuẩn". Căn cứ kết quả này, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cấp nước lại.

Đối với câu hỏi công ty có nợ người dân lời xin lỗi?, đại diện công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khẳng định: "Xin lỗi hay không sẽ chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng".

Vẫn chưa xác định được loại dầu thải lẫn trong nước

Cũng trong buổi họp báo chiều 17/10, PV An Ninh Thủ Đô ghi nhận lời phát biểu của ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, sở Tài nguyên & Môi trường Hòa Bình cho biết, trách nhiệm kiểm tra nước thô (nước đầu vào) trước khi đưa vào nhà máy xử lý, sản xuất cho người dân theo quy định thuộc về công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà.

Đại diện sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình. Ảnh: Tiền Phong

Ngày 16/10, Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị xuống khu vực suối Bằng, huyện Kỳ Sơn để lấy mẫu nước mặt, nước suối, nước ngầm, trầm tích, mẫu dầu thải tại đây để kiểm tra. Bởi, trên thị trường có nhiều loại dầu thải nên chưa biết loại dầu bị đổ trộm ra đầu nguồn khu vực dẫn vào nhà máy nước Sông Đà là loại gì. Hiện tại chưa có kết quả phân tích các mẫu này.

“Về cảm quan, khu vực này váng dầu không còn nhiều, dưới suối vẫn còn mùi khét, còn váng dầu bám vào. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nguồn nước ô nhiễm ở suối sẽ còn kéo dài, vì ngoài váng dầu nổi thu gom được có thể còn một số loại hợp chất lơ lửng trong nước, bám dính vào cây cỏ, đất đá ở suối, vì vậy phải xử lý triệt để nguồn nước ô nhiễm dính dầu. Khi đó mới đảm bảo nguồn nước đầu vào”, ông Long nói.

Liên quan đến vụ việc ô nhiễm nguồn nước, tại buổi họp báo, Công an tỉnh Hòa Bình khẳng định, sẽ điều tra, làm rõ những người vi phạm, trách nhiệm đến đâu, sai phạm đến đâu xử lý đến đó và xử lý nghiêm theo quy định.

Cùng với đó, đại diện UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Phượng (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-ty-nuoc-sach-song-da-xin-loi-hay-khong-se-cho-ket-luan-cuoi-cung-cua-co-quan-chuc-nang-a297350.html