Đà Nẵng sẽ kỷ luật cán bộ cố tình chậm trễ tiến độ công trình: Làm sao để không đánh trống bỏ dùi?


Thứ 7, 18/01/2020 | 02:00


UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tập trung tháo gỡ khó khăn để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện dự án trong năm 2020.

UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện dự án trong năm 2020. Việc này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, đây được xem là một biện pháp mạnh nên nhân rộng và triển khai để giảm "độ ỳ" trong hoạt động của cán bộ công chức...

Những chế tài mạnh

Ngày 13/1, đại diện sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng cho biết, UBND TP đã ban hành một số nhiệm vụ, giải pháp tập trung chỉ đạo, điều hành, nhằm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và giải ngân kế hoạch vốn Đầu tư công năm 2020.

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP trong năm mới là 9%. Để đạt được điều này, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, chú trọng các ngành chủ lực như dịch vụ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, phấn đấu các chỉ tiêu.

Đáng lưu ý, lãnh đạo thành phố nhận định, cần xác định các mục tiêu, tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án và việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công phù hợp.

Ảnh minh họa

UBND thành phố cũng giao người đứng đầu các cơ quan chịu trách nhiệm với lãnh đạo thành phố trong việc tổ chức, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện dự án.

UBND TP.Đà Nẵng sẵn sàng xem xét, kỷ luật, điều chuyển, thay thế các cá nhân cố tình cản trở, gây khó khăn, yếu kém về năng lực trình độ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý vốn đầu tư công, làm chậm trễ tiến độ thực hiện triển khai các công trình và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Đồng thời, TP.Đà Nẵng yêu cầu cụ thể các chủ đầu tư, điều hành dự án tích cực triển khai các công việc cụ thể để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư, sớm đưa các công trình, dự án đi vào hoạt động. Cụ thể: Triển khai lập hồ sơ chủ trương đầu tư ngay từ đầu năm; Chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực; Lựa chọn nhà thầu thi công có đầy đủ năng lực thực hiện dự án; thường xuyên theo dõi, đôn đốc nhà thầu để triển khai đảm bảo tiến độ đã cam kết; Phân công cán bộ phụ trách và chịu trách nhiệm về đền bù giải tỏa từng dự án; Khẩn trương tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành và hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước. Không dồn khối lượng nghiệm thu, thanh toán; Nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch vốn phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của dự án...

Đối với các cơ quan chuyên môn, UBND thành phố giao cụ thể việc chịu trách nhiệm tổ chức sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự để thẩm định các hồ sơ thủ tục liên quan đến các dự án đảm bảo chất lượng và rút ngắn 20% thời gian xử lý so với Quyết định số 32/2018/QĐ-UBND ngày 28/9/2018. Tránh trường hợp gần hết thời hạn thẩm định mới xem xét trả hồ sơ để chỉnh sửa, bổ sung.

Thời gian xử lý, thẩm định hồ sơ thủ tục các dự án trọng điểm, mang tính động lực là không quá 5 ngày làm việc, đối với các đơn vị phối hợp trong vòng 3 ngày làm việc khi nhận văn bản của đơn vị chủ trì.

Thời gian thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu các công trình không quá 5 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định...

Đối với UBND các quận, huyện, UBND thành phố giao trách nhiệm Chủ trì, phối hợp với các Chủ đầu tư, quản lý dự án có cam kết cụ thể về tiến độ hoàn thành đền bù giải tỏa từng khu vực của dự án phù hợp và đồng bộ.

Chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo thành phố về tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; kịp thời báo cáo và đề xuất UBND thành phố các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Chủ động rà soát và chuẩn bị quỹ đất phục vụ tái định cư ngay từ đầu năm để đảm bảo tiến độ giải tỏa, ổn định cuộc sống của người dân sau khi giải tỏa.

Ưu tiên bố trí tái định cư những hộ có nhà ở tại những khu vực đã có hạ tầng, quy định cụ thể điều kiện hạ tầng để giao đất thực tế cho nhân dân, tránh tình trạng dân chờ đất và gây áp lực trong công tác bàn giao mặt bằng, thi công hạ tầng...

Tắc trách sẽ gây hệ lụy

Đánh giá về vấn đề này, TS. Nguyễn Mạnh Hùng, trường đại học Công nghệ TP.HCM cho rằng: "Đó là tuyên bố của tư duy mới, rất mạnh mẽ nhưng cần phải quán triệt trong hệ thống để tổ chức thực hiện nghiêm, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi như nhiều địa phương khác. Tôi đã thấy nhiều lãnh đạo ở các địa phương phát biểu rất hùng hồn, tuy nhiên sau đó, đâu lại vào đấy.

Tình trạng giải ngân đầu tư công chậm ở các địa phương, bộ ngành, ngừng trệ về hạ tầng, đặc biệt là các công trình trọng điểm, như: Cầu, đường, sân bay... khiến người dân bức xúc. Trong khi đó, tiền thì vẫn nằm trong két, không thể giải ngân được. Tình trạng này ở nhiều địa phương, bộ ngành hiện nay đang là bài học thấy rõ, do đó, phải có quy định để thực hiện nghiêm việc này và kỷ luật thật nặng với cán bộ, công chức gây cản trở, ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công".

Trong khi đó, chuyên gia tài chính, TS. Hoàng Trọng Long (TP.HCM) cũng nhìn nhận: "Tôi thấy thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã làm khá tốt (ngoài những tiêu cực đã và đang được xử lý) thì đi Đà Nẵng đang là một đô thị có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên về hạ tầng, vẫn còn cần phải đầu tư, để phát triển tốt hơn, nhất là các công trình trọng điểm ở khu vực trực ngoài là trung tâm TP. Đà Nẵng, qua đó, làm tiền để, cơ sở để thu hút thêm các nhà đầu tư.

Có như vậy mới giúp TP. Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, để làm được điều này thì rất cần vai trò tiên quyết của những người đứng đầu, nhất là ở các sở, ngành. Bởi dù ở trên có nóng nhưng dưới lạnh, hoặc ngâm hồ sơ thì mọi việc vẫn sẽ đình trệ, đặc biệt là trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công".

Cũng theo TS. Hùng thì: "Giải quyết việc công nói chung hay đẩy nhanh tiến độ các dự án cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công... là việc rất phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cán bộ, công chức, người đứng đầu các sở ngành, lãnh đạo địa phương, bộ ngành.

Tôi lấy ví dụ, như báo đã phản ánh, từ ngày 21/6/2019, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã có thư gửi bộ Tài chính đề xuất 3 phương án trả nợ nhanh nguồn vốn cho Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (IDA), với thời hạn trả lời trước 30/11. Tuy nhiên, mãi tới ngày 5/12 (tức hơn 5 tháng), bộ Tài chính mới có văn bản trình Thủ tướng nhưng văn bản này chưa được lấy ý kiến các cơ quan liên quan và cũng không kiến nghị thời hạn phía Việt Nam trả lời Ngân hàng Thế giới về phương án trả nợ nhanh. Tiền thì có nhưng tắc trách sẽ gây hệ lụy.

Vậy thì vai trò của cán bộ, công chức, người đứng đầu đơn vị là rất quan trọng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính công. Do đó, nếu làm được việc này có thể đây là bài học cho các địa phương khác, để giải quyết một cách tốt nhất, để mọi khâu có thể vận hành trơn tru, thông suốt từ đó đầu tư công được phát huy hiệu quả tốt thì đất nước mới phát triển được".

Nguyên Duy Cường - Thanh Tùng

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 8

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/da-nang-se-ky-luat-can-bo-co-tinh-cham-tre-tien-do-cong-trinh-lam-sao-de-khong-danh-trong-bo-dui-a308822.html